Thị trường Fintech sẽ "nổi sóng" nếu VNPay được đầu tư 300 triệu USD?
VNPAY hợp tác với nhiều đơn vị trong đó có Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đem tới những trải nghiệm dịch vụ vận tải và thanh toán tối ưu cho người tiêu dùng
Tờ DealStreetAsia đưa tin quỹ đầu tư khởi nghiệp lớn nhất thế giới Softbank Vision Fund của tỷ phú công nghệ Nhật Bản Masayoshi Son, ông chủ của Softbank và quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) có thể sẽ đầu tư 300 triệu USD vào nền tảng thanh toán VNPAY của Việt Nam.
Nếu thương vụ này thành công thì đây là đợt gọi vốn cho công ty Fintech lớn nhất từ trước tới nay.
VNPAY thành lập tháng 3/2007 do ông Trần Trí Mạnh làm Chủ tịch HĐQT. Thanh toán VNPAYQR đang là xu hướng thanh toán mới, nhanh chóng, tiện lợi, đang thu hút đông đảo người dùng. VNPay cung cấp dịch vụ tới hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp, đưa ra nhiều giải pháp thanh toán như ứng dụng Mobile Banking, Cổng thanh toán VNPay, VnShop…
Sự xuất hiện của Softbank Vision Fund ở thời điểm này không quá bất ngờ. Trước đó, tại diễn đàn Vietnam Venture Summit cách đây 1 tháng, đại diện của Softbank Vision Fund đã từng nói đến. Đây là quỹ đầu tư khởi nghiệp quy mô nhất thế giới với nhiều thương vụ đình đám như đầu tư vào Uber, Grab, Loggi…và đây có thể là thương vụ đầu tiên quỹ của Softbank rót vốn tại Việt Nam.
GIC là một nhà đầu tư quen thuộc tại Việt Nam, khi đang nắm giữ cổ phần tại Vietcombank, Vinhomes, PAN Group. GIC là quỹ đầu tư lớn thứ 8 trên thế giới, quản lý số vốn khoảng 390 tỷ USD, theo dữ liệu của Sovereign Wealth Fund Institute.
Lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam hiện có những cái tên nổi bật như MoMo do Warburg Pincus hậu thuẫn, ZaloPay của VNG và Payoo đã được NTT Data mua lại. Theo Topica Founder Institute, các Fintech tại Việt Nam đã nhận được 117 triệu USD vốn đầu tư, với 8 thương vụ vào năm 2018.
So với các đối thủ trên thị trường, VNPay có lợi thế khi không phát triển một app riêng biệt mà tích hợp luôn vào app ngân hàng mà khách hàng đang sử dụng. Khi thực hiện một giao dịch, khách hàng chỉ cần mở app ngân hàng đang sử dụng, dùng dịch vụ thanh toán QR Code, sau đó nhập mã OTP (One time password) tương tự như việc thực hiện một giao dịch mobile-banking của ngân hàng.
Tuy nhiên, điểm thuận lợi này cũng chính là điểm yếu của VNPay khi trải nghiệm khách hàng phụ thuộc cả vào tốc độ vận hành và mức độ quan tâm tới khách hàng của bên thứ ba - ngân hàng, dẫn đến trải nghiệm người dùng không đồng nhất, thậm chí khá tệ, đặc biệt trong thời điểm ngân hàng nâng cấp dịch vụ.
Tháng 1/2019, MoMo đã khép lại vòng gọi vốn Series C do Warburg Pincus dẫn đầu. Giá trị vòng gọi vốn không được tiết lộ nhưng nguồn tin của DealStreetAsia ước khoảng 100 triệu USD, là một trong những vòng gọi vốn có giá trị lớn nhất dành một một startup Việt Nam.
Thông tin VNPay huy động vốn "khủng" ở thời điểm này đã phần nào phản ánh đúng bản chất của thị trường Fintech Việt Nam hiện tại. Đây không đơn thuần là cuộc đua giữa các Fintech, mà còn có sự tham gia của các công ty công nghệ và các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng...
Thị trường Fintech của Việt Nam cán mốc 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance. Cũng theo thống kê này, Việt Nam hiện có khoảng 70 Fintech đang hoạt động, với 29 trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép cung ứng ví điện tử.
Khảo sát của Mc Kinsey tại Việt Nam cho thấy, 50% số người được hỏi cho biết sẵn sàng sử dụng các công nghệ tài chính mới. Ngoài ra, phần lớn những người được hỏi cũng đánh giá trong vòng 10 đến 15 năm tới mô hình ngân hàng truyền thống sẽ bị thay thế bởi mô hình hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty fintech.
Việc ngày càng có nhiều đối thủ tham gia vào thị trường Fintech khiến cuộc đua tại đây ngày một "nóng", và VNPay buộc phải tăng tốc.