Cuộc họp FED tuần này có thể làm chao đảo chứng khoán toàn cầu?
Khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và nền kinh tế chứng kiến những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, chính sách tiền tệ nới lỏng của FED trở thành tâm điểm chú ý của thị trường. Giới đầu tư đặt ra câu hỏi chừng nào FED sẽ thắt chặt hầu bao và dần rút lại các chính sách hỗ trợ nền kinh tế hiện tại. Chủ tịch FED Jerome Powell chắc chắn sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về chính sách lãi suất thấp trong cuộc họp FED giữa tuần này, và câu trả lời của ông có thể làm rung chuyển thị trường trái phiếu vốn đã nhiều biến động.
Rick Rieder, Giám đốc điều hành mảng tài sản cố định tại BlackRock nhận định thị trường sẽ “phân tích từng từ” trong câu trả lời của Chủ tịch FED Jerome Powell để nắm bắt những tín hiệu về việc FED chuẩn bị thay đổi chính sách tiền tệ hay không. Ông Powell sẽ là người “giữ trái bóng” của thị trường, và những gì ông này nói trong phiên họp FED tới đây về việc FED có xem xét ngừng mua trái phiếu hay tăng lãi suất từ mức tiệm cận 0 hiện tại sẽ quyết định thị trường di chuyển theo chiều hướng nào.
Ủy ban thị trường mở thuộc FED sẽ tổ chức họp báo và đưa ra kết luận chính sách tiền tệ mới nhất vào chiều thứ Tư tới đây, sau cuộc họp kéo dài hai ngày. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng có rất ít thay đổi trong tuyên bố của FED.
Mark Cabana, người đứng đầu chiến lược lãi suất ngắn hạn của Mỹ tại Bank of America cho rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng tuyên bố sẽ lạc quan hơn một chút nhưng vẫn thận trọng. Điều này ngụ ý chúng ta khó có thể chứng kiến FED đưa chính sách tiền tệ từ nới lỏng về mức ôn hòa trước đây chỉ vì nền kinh tế thực đang dần cải thiện. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng tuyên bố của FED có vẻ sẽ ít biến động hơn những gì thị trường mong đợi. Chúng tôi kỳ vọng họ có thể nâng lãi suất vào cuối năm 2023”.
Ông Rick Rieder cũng cho rằng FED có thể tăng lãi suất ngắn hạn vào năm tới mà không làm tổn thương nền kinh tế. Trước đó, các quan chức FED từng trấn an thị trường khi không đưa ra tín hiệu về bất kỳ đợt tăng lãi suất nào cho đến sau năm 2023, nhưng giọng điệu này có thể sẽ thay đổi trong dự báo mới sắp tới. “FED không thể tăng lãi suất ngắn hạn trong năm nay, nhưng khi bước sang quý II, quý III năm sau, việc không tăng lãi suất ngắn hạn sẽ không phù hợp với những dự báo kinh tế của họ”.
Trong suốt 6 tuần qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - vốn có sức ảnh hưởng đến lợi suất thế chấp và nhiều khoản vay khác - đã tăng vọt từ mức 1,07% lên mức cao 1,64% (tính đến phiên giao dịch cuối tuần trước). Trong phiên giao dịch hôm 15/3 trên thị trường Mỹ, nó hiện dao động quanh ngưỡng 1,6%.
Việc lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao phản ánh quan điểm lạc quan hơn của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng kinh tế sau gói kích thích bổ sung 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 hiện tại. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện mối quan ngại lạm phát tăng khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Dù vậy, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng lạm phát dự kiến sẽ chỉ tăng tạm thời trước khi giảm về mức mục tiêu.
Chuyên gia kinh tế Rick Rieder cho rằng: “Sự nhảy vọt của lợi suất và biến động trên thị trường là do chúng tôi chưa được nghe những kế hoạch của FED”.
Theo ông Rieder, FED có thể tăng dần lãi suất cơ bản trong lúc vẫn duy trì chương trình mua trái phiếu để bơm thanh khoản vào nền kinh tế.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất, 5 trong số 17 thành viên Ủy ban Thị trường mở của FED đã ủng hộ tăng lãi suất vào năm 2023 và chỉ một người đồng tình tăng lãi suất trong năm 2022. Điều này trái ngược với kỳ vọng thị trường, rằng FED sẽ tăng lãi suất một lần trong năm 2022 và 3 lần liên tiếp vào cuối năm 2023.