Thiên địch là những loài gì mà ngành chuyên môn Bình Dương khuyến cáo doanh nghiệp, nông dân nên nuôi?

Thứ sáu, ngày 04/11/2022 13:35 PM (GMT+7)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Dương vừa tổ chức hội thảo vai trò của vi sinh và thiên địch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuyên truyền cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh có các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Bình luận 0

Vai trò của vi sinh và thiên địch

Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết nuôi thả thiên địch để phòng chống sâu hại hiệu quả là hướng quan trọng trong phát triển sinh học, là biện pháp chủ đạo của hệ thống phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).

Kỹ sư Nguyễn Trần Ngọc Trinh (Công ty Cổ phần Vinamit) cho biết các loại côn trùng như nhện đỏ, bọ phấn rất nhỏ nên khó phát hiện. Nếu không “thăm khám” thường xuyên, chỉ đến khi cây, lá bị héo úa mới có thể phát hiện. 

Trong khi đó, việc thả thiên địch lên cây ngay từ đầu sẽ bảo đảm an toàn trên 80%. Khi thiên địch phát hiện côn trùng gây hại, chúng sẽ săn bắt, tiêu diệt hoàn toàn. 

Kỹ sư Nguyễn Trần Ngọc Trinh cho biết thêm, tại trang trại đã thực hiện nghiêm túc các quy trình canh tác hữu cơ, cải tạo đất, nước, không khí, hệ sinh vật cân bằng… đã giúp nông trại của Vinamit đạt chứng nhận canh tác nông sản hữu cơ của USDA, EU.

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết phát triển nền nông nghiệp bền vững cần thông qua các giải pháp hữu cơ, sinh thái, áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu vào, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe con người.

Tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thuận thiên, đa dạng là xu hướng phát triển tất yếu của phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đối tượng sản xuất áp dụng quy trình theo hướng hữu cơ còn thấp, trong đó chủ yếu tập trung trên nhóm cây ăn trái và cây rau với khoảng 580ha, chiếm 4,7% so với diện tích sản xuất cây ăn trái và rau màu, trong đó được cấp giấy chứng nhận 220ha, chiếm 1,8%.

Thiên địch là những loài gì mà ngành chuyên môn Bình Dương khuyến cáo doanh nghiệp, nông dân nên nuôi? - Ảnh 2.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu về các loại phân bón hữu cơ được trưng bày tại buổi hội thảo

Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo về vai trò của vi sinh và thiên địch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm mục đích tổng hợp thông tin khoa học, khách quan về hiệu quả ứng dụng vi sinh và thiên địch trong sản xuất đã được triển khai. 

Đồng thời, tạo cầu nối để các trang trại, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có điều kiện giao lưu, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học. Thông qua thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, đề xuất kiến nghị để Sở NN&PTNT có giải pháp cụ thể phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

Hướng tới sản phẩm nông nghiệp sạch

Việc xây dựng được hệ thống thiên địch sẽ giúp DN, nông dân hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn hơn. Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, so với cách phun thuốc trừ sâu, việc sử dụng thiên địch hiện vẫn còn mới mẻ và lạ lẫm với nông dân. 

Hiện nay, trong quá trình sản xuất, nhiều nông dân còn có thói quen sử dụng thuốc BVTV phun cho vườn rau khi có sâu bệnh, lạm dụng phân bón vô cơ và chất kích thích sinh trưởng, vì vậy không diệt trừ được sâu bệnh mà còn để lại dư lượng thuốc BVTV trên rau, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dùng cũng như môi trường. 

Đặc biệt, việc lạm dụng thuốc BVTV đã tận diệt trực tiếp các loài thiên địch khiến các côn trùng gây hại cho hoa màu trỗi dậy, con người phải liên tục sáng chế ra những loại thuốc mới (có hơn 1.700 loại thuốc BVTV) để tiêu diệt. Kháng thuốc - sáng tạo ra thuốc mới, vòng luẩn quẩn đó cứ tiếp diễn liên tục. 

Và biện pháp cho vấn đề này là đầu tư, tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp canh tác an toàn, đầu tư và khôi phục chương trình huấn luyện IPM và hoạt động IPM cộng đồng (quản lý dịch hại tổng hợp), trong đó chú trọng sử dụng thiên địch phòng trừ sâu hại cây trồng.

Tập hợp các DN có năng lực cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ như phân bón, thuốc BVTV, bao bì, tiêu thụ… hình thành hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, hình thành kênh thông tin kết nối các chuyên gia hỗ trợ để kịp thời thông tin, tư vấn cho các địa phương, các đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ. 

Đối với các phòng kinh tế các huyện, thị, thành phố rà soát lại quy hoạch, tham mưu UBND huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển nông nghiệp hữu cơ ở địa phương. Hướng dẫn cho các tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp hữu cơ xây dựng mã vạch, hỗ trợ xây dựng thương hiệu để phát triển sản phẩm.

Đối với các dự án khoa học công nghệ cấp cơ sở và cấp tỉnh, đề nghị Sở KHCN quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ và phối hợp với Sở NN&PTNT xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Đối với cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ cần nắm rõ quy trình sản xuất từ vật tư đầu vào, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, bảo quản chế biến sau thu hoạch, xây dựng mã vạch để có thể truy xuất nguồn gốc, thương hiệu và xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở chợ địa phương, khu vực dân cư, siêu thị hay xuất khẩu… 

Chọn lọc và ứng dụng vi sinh, thiên địch và giải pháp bảo vệ thực vật phù hợp với điều kiện sản xuất và khả năng của đơn vị.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT: Tiếp tục tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó chú trọng cập nhật các thông tin mới, mô hình mới về nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh để nhân rộng trong sản xuất. 

Đồng thời, phổ biến về vai trò của sản phẩm hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng và cả nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ và đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp sử dụng vi sinh và thiên địch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Thoại Phương (Báo Bình Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem