Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp chật vật xoay xở để vượt qua khó khăn

Quốc Hải Thứ ba, ngày 08/11/2022 12:10 PM (GMT+7)
Đơn hàng sụt giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc - da giày phải cắt giảm hàng nghìn lao động thay vì tuyển người vào những tháng cuối năm.
Bình luận 0
Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp chật vật xoay sở để vượt qua khó khăn - Ảnh 1.

Ngành dệt may đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng cuối năm. Ảnh: Quốc Hải

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, thời điểm này những năm trước, đơn hàng xuất khẩu đã kín đến hết quý I của năm sau. Các đối tác chủ động tìm đến doanh nghiệp để đặt hàng, công nhân làm không kịp. Nhưng hiện tại, DN không có đơn hàng xuất khẩu mới.

"Đói" đơn hàng, cắt hết lao động thời vụ

Cụ thể, theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty May mặc Dony, hiện mảng thời trang trong nước thời điểm này đang dần nhiều lên, nhưng nhiều lên ở đây là của thời điểm cuối năm để phục vụ mùa Giáng sinh, mùa Tết… chứ không phải do thị trường thực sự sôi động.

"Mọi năm vào thời điểm này, đơn hàng may mặc sẽ tăng gấp 3-4 lần so với hồi cao điểm tháng 7 - 8, nhưng nay chỉ cao gấp đôi, gấp rưỡi. Nghĩa là vẫn sụt giảm mạnh so với những năm trước", ông Quang Anh nói và cho biết thêm, chính bởi vì thiếu đơn hàng nên Dony đã cắt giảm hết lao động thời vụ, chỉ giữ lại lao động thường trực, hạn chế tăng ca ở một số bộ phận và nếu công nhân nào nghỉ thì cũng không tuyển thêm.

"Mọi năm, dịp này để chuẩn bị cho đơn hàng tết thì Dony phải tuyển thêm 1/3 - 1/4 lao động thời vụ, nghĩa là cần thêm 50-60 lao động nhưng năm nay duy trì bộ máy lao động thường trực đã là một cố gắng rất lớn của DN.

Cũng may chúng tôi vừa chốt được 2 container đơn hàng mũ nón qua Mỹ, đủ để duy trì việc làm cho công nhân đến đầu năm 2023", ông Quang Anh chia sẻ thêm.

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp chật vật xoay sở để vượt qua khó khăn - Ảnh 2.

Công ty TNHH May mặc Dony phải cắt hết lao động thời vụ, chỉ duy trì lao động thường trực. Ảnh: Quốc Hải

Trước đó, cũng trên địa bàn TP.HCM, có 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may - giày da thông báo dự kiến cắt giảm hàng ngàn lao động.

Cụ thể, Công ty TNHH Tỷ Hùng (P.An Lạc, Q.Bình Tân; có tổng số 1.822 lao động) đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động, trong đó có 936 lao động có hợp đồng vô thời hạn và 249 lao động có hợp đồng 1 năm. Tương tự, Công ty TNHH Việt Nam Samho (xã Trung An, H.Củ Chi có tổng số 8.733 lao động) cũng dự kiến giảm hơn 1.400 lao động. Lý do được nêu ra là vì các công ty này thiếu đơn hàng, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Báo cáo của Công ty Fiin Group cho thấy, rủi ro lạm phát và suy thoái tại các nền kinh tế lớn (Mỹ, châu Âu) sẽ hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Dự báo nửa cuối 2022, phần lớn các ngành có tăng trưởng cao trong quý II sẽ tăng chậm lại, gồm: Hóa chất, điện tử, thủy sản, phân bón, may mặc, cao su, gỗ... do bối cảnh xuất khẩu đang kém tích cực.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho hay việc sụt giảm đơn hàng dù đã được dự báo trước nhưng tốc độ quá mạnh, vượt ngoài dự kiến của các doanh nghiệp.

"Từ tháng 9 đến nay, đơn hàng sụt giảm mạnh, vì vậy các doanh nghiệp thay vì lo lắng tuyển dụng lao động, sắp xếp tăng ca như hồi đầu năm thì nay phải tính toán giảm biên chế, bỏ tăng ca, chỉ làm 5 ngày trong tuần", ông Hồng nói.

Trong khi đó, thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, hiện nay trong tổng số 17 khu Chế xuất và Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân các doanh nghiệp giảm đơn hàng là do tác động bởi cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở châu Âu đang bắt đầu. Từ những nguyên nhân này, cuộc sống người dân các nước Mỹ, châu Âu đã ảnh hưởng mạnh, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm…

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, con số 51 doanh nghiệp bị ảnh hưởng là chưa phản ánh đúng thực trạng, bởi số lượng doanh nghiệp đông, địa bàn rộng, một số doanh nghiệp vẫn còn che giấu thông tin, không công bố công khai… vì lo ngại công nhân bỏ việc, gây ảnh hưởng sản xuất.

Khó khăn còn kéo dài, tốt nhất là "tối ưu chi phí" để vượt qua

Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, chi phí đầu vào đang tăng cao, từ 20-30% với nhiều ngành hàng, trong khi nhu cầu tại nhiều thị trường lớn giảm các doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Trước tình hình này, các doanh nghiệp đã chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng năng suất lao động để bù đắp nhưng vẫn khó tránh khỏi khó khăn.

"Nhiều dự báo cho đến năm 2023, những vấn đề này vẫn chưa thể chấm dứt. Vì vậy, bản thân mỗi công ty phải tự tái cơ cấu về mọi mặt từ nhân sự đến tài chính, quản trị rủi ro và bám sát diễn biến vĩ mô để thích ứng. Dự báo tình hình các doanh nghiệp co cụm, cắt giảm lao động có thể còn diễn ra trong vài tháng tới", ông Phạm Quang Anh thông tin và cho biết, Dony đang cố gắng tìm kiếm các đơn hàng nội địa để duy trì bộ máy hoạt động, chờ thị trường phục hồi.

"Các doanh nghiệp hiện đang rất cần phía ngân hàng hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tín chấp... Đặc biệt, cần đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất, kinh doanh…", ông Quang Anh đề xuất thêm.

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp chật vật xoay sở để vượt qua khó khăn - Ảnh 4.

Giải pháp với các DN dệt may lúc này là "tối ưu chi phí" để vượt qua khó khăn. Ảnh: Quốc Hải

Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình khó khăn dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023, nên các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch ứng phó dài hạn, nhanh chóng tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường, đặc biệt khu vực còn ổn định, ít lạm phát.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa cho rằng, việc cắt giảm chi phí thời điểm này là cần thiết, trong đó có thể nghĩ đến phương án cắt giảm lao động một cách phù hợp, hoặc giảm giờ làm bằng cách cho sản xuất luân phiên, nghỉ cuối tuần...

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần khẩn trương tìm kiếm thêm thị trường mới, thị trường khu vực (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN) mà doanh nghiệp Việt có vẻ còn đang bỏ ngỏ.

Với hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp và lăn lộn phát triển thị trường ở các nước ASEAN, ông Đỗ Hòa đặt câu hỏi: "Tại sao hàng hóa ASEAN vào Việt Nam rất nhiều, nhưng hàng Việt Nam vào các nước ASEAN khác lại rất thấp?". Và ông tự lý giải: Đó là vì các doanh nghiệp đang thiếu một chiến lược hiệu quả để khai thác thị trường lớn ngay sát kề bên này.

"Phải chịu khó bỏ công nghiên cứu, vạch chiến lược để khai thác xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối thì mới có thể thâm nhập vào thị trường của họ được", ông Đỗ Hòa nói.

Theo chuyên gia Đỗ Hòa, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập tốt vào thị trường khu vực nếu thực sự muốn làm, nếu thực sự lên kế hoạch để làm, và kiên trì bám đuổi mục tiêu. Chỉ cần sản xuất được sản phẩm thực sự tốt, có chiến lược marketing bài bản, hàng Việt hoàn toàn có thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường khu vực.

"Nếu sớm có cách tiếp cận phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế phần nào sự sụt giảm đơn hàng để vượt qua năm nay, khỏe hơn khi đơn hàng có thể tăng dần trở lại trong năm tới", ông Hòa nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem