Thiếu sữa, thiếu thịt phải đi nhập khẩu: Liên kết phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ bền vững

Hoan Nguyễn Thứ bảy, ngày 20/05/2023 19:00 PM (GMT+7)
Hiện chăn nuôi gia súc ăn cỏ nước ta mới cung cấp được khoảng 40% nhu cầu sữa, thịt cho thị trường trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Do vậy, các chuyên gia đề xuất cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đó cũng là “chìa khóa” giúp người chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững.
Bình luận 0

Chăn nuôi gia súc ăn cỏ còn nhiều dư địa phát triển

Tại hội thảo "Các giải pháp chính phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững" do Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam kết hợp Trường Đại học Hùng Vương tổ chức tại Phú Thọ mới đây, các chuyên gia cho biết, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ nước ta có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. 

Từ nguồn giống đến quy trình chăn nuôi, thức ăn; số lượng đầu con và sản lượng sản phẩm của đàn gia súc ăn cỏ đều có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Trong đó, năm 2021, chăn nuôi gia súc ăn cỏ đã sản xuất được hơn 1,7 triệu tấn thịt (trâu, bò, dê, cừu, thỏ, hươu, nai).

PGS - TS Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, tổng sản lượng thịt gia súc ăn cỏ ngày càng tăng và chiếm 9,5% tổng sản lượng thịt sản xuất của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu thụ trong nước thì vẫn chưa đáp ứng được.

Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả, bền vững: “Chìa khóa” là xây dựng chuỗi liên kết - Ảnh 1.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Sùng Mí Hồng (ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Hải Đăng

Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả, bền vững: “Chìa khóa” là xây dựng chuỗi liên kết - Ảnh 2.

Ông Giao dẫn chứng, hiện mức tiêu thụ thịt bò của mỗi người dân Việt Nam là hơn 3kg/người/năm, trong khi mức tiêu thụ trung bình của thế giới là 9,5kg. Một số nước trong khu vực như Trung Quốc là 7kg, Nhật Bản 11kg, Hàn Quốc 16kg; các nước phát triển như Mỹ là 36kg, Úc là 44kg, Brazil là 38kg...

Đối với sữa, sản lượng tiêu dùng của Việt Nam đạt 27kg/người/năm, rất thấp so với các nước trên thế giới (Thái Lan 34kg/năm, Singapore 45kg/năm, Ấn Độ 46kg/năm, Anh 112kg/năm…).

"Có thể thấy, chăn nuôi gia súc ăn cỏ mới cung cấp được 42-43% nhu cầu sữa, 45-50% nhu cầu thịt cho trong nước, số còn lại vẫn phải nhập khẩu. Từ năm 2019-2021, hàng năm nước ta bỏ ra khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu thịt trâu bò. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ để sản xuất thịt, sữa tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển" - ông Giao nhấn mạnh.

Theo ông Lã Văn Thảo - quyền Trưởng phòng Kế hoạch và tổng hợp, Cục Chăn nuôi, mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất của gia súc ăn cỏ giai đoạn 2021-2025 đạt mức 4-5%/năm, sản lượng thịt các loại từ 8-10%/năm, sản lượng sữa từ 1,7-1,8 triệu tấn/năm; trung bình tiêu thụ thịt các loại 50-55kg/người/năm và tiêu thụ sữa 16-18kg/người/năm.

Để đạt được con số trên, ngành nông nghiệp đã và đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi. Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm gia súc ăn cỏ đến các thị trường tiềm năng.

Chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học

Theo ông Bùi Đại Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Giống gia súc Hà Nội, chăn nuôi ở Hà Nội luôn trong tốp đầu cả nước về năng suất, chất lượng, có nhiều giống mới hàng đầu trên thế giới được ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả, là địa chỉ uy tín cung cấp giống trên cả nước.

Để đạt kết quả đó, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, thay đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, chăn nuôi sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp Thủ đô.

Đặc biệt, chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản của Hà Nội đang đứng đầu cả nước về chất lượng do áp dụng công nghệ cao. Trong đó Hà Nội đang sở hữu các giống bò năng suất, chất lượng cao như BBB, Angus, Charolais, Wagyu; xây dựng bản đồ chăn nuôi phù hợp với từng vùng địa lý và chất lượng đàn bò cái nền; xây dựng trung tâm sản xuất tinh bò đông lạnh; thực hiện hợp tác sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Còn ông Trần Tú Anh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ cho biết, Phú Thọ đã hình thành nhiều vùng phát triển chăn nuôi gia súc tập trung tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Thủy; tại các huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Thủy đã phát triển các vùng trồng ngô sinh khối, với tổng diện tích khoảng 2.000ha/năm. Hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ bò thịt chất lượng cao giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Tú Anh, khi phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, người dân sẽ biết cách chủ động nguồn con giống chất lượng, nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, được trang bị kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng vaccine đúng hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc có đầu ra, giá bán ổn định ở mức cao là điều kiện để người chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, tiến tới làm giàu… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem