Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Tôi phát biểu không phải với tư tưởng "ăn cây nào rào cây ấy"

Thành An Thứ ba, ngày 17/11/2020 19:57 PM (GMT+7)
Tại họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH đoàn Bình Dương) nói: "Tôi đã bày tỏ quan điểm của mình trên hội trường và tôi phát biểu không phải với tư tưởng "ăn cây nào rào cây ấy".
Bình luận 0

Chiều 17/11, tại họp báo sau Kỳ họp 10, Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội đã lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo ông Phúc, liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, các cơ quan Quốc hội và Chính phủ đều rất muốn tình hình trật tự an toàn giao thông tốt lên. Tuy nhiên do thời gian gấp, nên cần có thêm thời gian đánh giá kỹ lưỡng.

"Điều này cũng thể hiện thái độ cầu thị, xin ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp hoàn thiện các dự án luật", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Tôi phát biểu không phải với tư tưởng "ăn cây nào rào cây ấy" - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo kết quả thăm dò, đa số các ĐBQH chọn phương án không đồng ý tách 2 luật giao thông. Cùng đó, nhiều ĐBQH cho rằng chưa cần thiết có Luật lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của PV báo chí về "số phận của Luật này sẽ như thế nào khi kết quả thăm dò ý kiến ĐBQH như vậy", ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho hay: Từ kỳ họp này tới kỳ họp sau, trên cơ sở tham khảo ý kiến của ĐBQH, ý kiến về các vấn đề như dự báo nguồn lực, đánh giá tác động, biên chế, ngân sách… mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng tại giai đoạn này không thể bổ sung, chưa đủ điều kiện thì có thể yêu cầu trả về.

Còn nếu UBTVQH thấy rằng đã đầy đủ nội dung, đánh giá, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH thì có thể tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách giữa 2 kỳ họp để lấy ý kiến và trình ra Quốc hội. "Thẩm quyền quyết định thuộc UBTVQH", ông Giang nói và cho rằng, kết quả thăm dò là kênh tham khảo ý kiến ĐBQH, kết quả thăm dò không phải là kết quả biểu quyết.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, UBTVQH trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và hồ sơ do Chính phủ trình. Nếu hồ sơ đầy đủ thì UBTVQH xem hồ sơ và trên cơ sở tham mưu của cơ quan thẩm tra có thể trình được sẽ trình ra Quốc hội.

Qua thăm dò , UBTVQH sẽ chủ trì, nghe các cơ quan báo cáo, nếu thấy đủ điều kiện sẽ trình tiếp. Nếu trình TVQH sẽ chịu trách nhiệm việc đó. "UBTVQH sẽ quyết trình ra Quốc hội hay không và đồng thời nếu Chính phủ thấy rằng ý các ý kiến thảo luận như vậy là hợp lý thì có thể xin "rút về"", ông Giang lưu ý.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Tôi phát biểu không phải với tư tưởng "ăn cây nào rào cây ấy" - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội.

Nhận được câu hỏi của PV về cảm xúc của bản thân như thế nào về phản ứng của đa số đại biểu Quốc hội với các dự án luật, trong đó có các luật ông trực tiếp tham gia thẩm tra?, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội cho rằng, khi đa số đại biểu phát biểu ý kiến sẽ tạo dấu ấn với báo chí, nhiều đại biểu sử dụng hình ảnh rất tốt để so sánh rất ấn tượng.

"Tôi đã bày tỏ quan điểm của mình trên hội trường và tôi phát biểu không phải với tư tưởng "ăn cây nào rào cây ấy". Tôi từng nhiều năm làm cảnh sát giao thông nên tôi có thực tiễn trong vấn đề này. Về các dự án luật thì tài liệu rất là nhiều.

Có thực tế là có những đại biểu tiếp cận chỉ một vài nội dung, chứ chưa quan tâm nhiều đến các nội dung khác. Như thảo luận hôm qua thì nhiều đại biểu chỉ quan tâm đến việc tách hay nhập và giấy phép lái xe thôi. Cảm xúc là tôi hơi tiếc là các đại biểu chưa bao quát hết được nội dung 2 dự án luật", ông Hồng nói.

Về câu hỏi liên quan đến kiến đại biểu đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật về tham mưu việc "tách" luật, đề nghị phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết ý kiến?, ông Nguyễn Thanh Hồng bày tỏ: "Ngay các đại biểu ngồi đây cũng có cách nhìn nhận khác nhau. Bản thân tôi cho rằng có lùi và có tiến. Như trước đây thì thường một dự án luật được đưa vào thì thường được thảo luận, thông qua.

Lần này thì các đại biểu thảo luận, tranh luận rồi xin ý kiến như các bạn đã biết. Đó là việc đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Tôi cũng muốn lưu ý rằng đây chỉ là kết quả thăm dò chứ không phải là hoạt động biểu quyết".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem