Thiếu vốn, chính sách dân tộc như "quả đẹp mà không ăn được"

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 01/11/2019 20:23 PM (GMT+7)
Thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi đề án chưa đưa ra được tổng số vốn để thực hiện; tính khả thi của Đề án sẽ ra sao nếu chưa xác định được kinh phí thực hiện; trách nhiệm khi không thực thi thành công sẽ thuộc về ai?
Bình luận 0

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng đề án; cho rằng đề án đã được chuẩn bị bài bản, công phu, nghiêm túc; việc xây dựng đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN); góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thu hẹp dần khoảng cách với các vùng khác... 

Theo đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ), việc lấy tên đề án là đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN giai đoạn 2021-2030 đã cho thấy sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của Chính phủ khi chuyển dần từ quan điểm hỗ trợ cho đồng bào sang quan điểm đầu tư phát triển để vùng DTTSMN thực sự chuyển mình.

img

Đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ)

Tuy nhiên, bà Bình cho biết chưa yên tâm với một số mục tiêu của Đề án này. Ví dụ, đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo ở vùng DTTSMN là khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10-15%.

"Xin báo cáo Quốc hội rằng, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này trung bình mới đạt 6,2%, một số nhóm DTTS có tỷ lệ dưới 2%, thậm chí, có những nhóm DTTS có tới 100% lao động chưa qua đào tạo, như nhóm B’râu, Mảng, Ba Na... Những con số đó cho thấy rằng, mặc dù chính sách đào tạo nghề cho lao động, trong đó có lao động người DTTS đã được thực hiện hàng chục năm qua nhưng chúng ta chỉ đạt được kết quả khiêm tốn như vậy thì liệu sau 6 năm nữa chúng ta có đạt được mục tiêu là 50% hay không?", bà Bình nêu câu hỏi. 

Về các giải pháp thực hiện đề án, theo đại biểu Đinh Thị Bình, việc tích hợp các chính sách dân tộc phải đảm bảo tập trung và lồng ghép được các nguồn lực, không ghép cơ học các chính sách dẫn tới hiệu quả không cao.

Cần chỉ đạo Ủy ban Dân tộc thực hiện tốt vai trò là đầu mối theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc, tham gia thẩm định các chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTSMN. 

"Đặc biệt là cần rà soát, cân đối nguồn lực để bố trí đủ vốn cho đề án đúng theo quy định, không để xảy ra trường hợp chính sách đã ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực thực hiện, để chính sách dân tộc lại một lần nữa được ví như “một loại quả đẹp mà không ăn được”, như có lần một đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại hội trường này. Cần rà soát, phân tích các địa bàn, đối tượng để tập trung đầu tư, tránh dàn trải, không hiệu quả", đại biểu tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.

"Bên cạnh việc quan tâm đến đất ở, tạo sinh kế cho đồng bào, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTSMN. Bởi lẽ, suy cho cùng, nếu chúng ta đã tập trung đầu tư để tạo ra được những cái cần câu tốt, tạo ra được cả những hồ câu tốt, nhưng người cầm cần lại không đủ khả năng, không biết cách câu thì khó có thể thành công được".

Đại biểu Đinh Thị Bình

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem