Thiếu vốn, thiếu đất cản trở trang trại “cất cánh”

Xuân Thắng Chủ nhật, ngày 23/07/2017 13:40 PM (GMT+7)
Quy mô đất đai nhỏ, thời hạn sử dụng đất ngắn, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng thấp… là những khó khăn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế trang trại. Đó là những đánh giá được nêu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững” diễn ra hôm 20.7
Bình luận 0

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp Sở NNPTNT Hưng Yên tổ chức.

Vẫn khó “cởi nút thắt” cho đầu tư

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có 29.600 trang trại. Các mô hình trang trại được phân bố đều khắp trong các vùng cả nước và đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Nhiều mô hình trang trại đã phát huy được lợi thế của vùng, địa phương, cho doanh thu từ 1-3 tỉ đồng/năm; một số mô hình cho doanh thu từ 5-10 tỷ đồng/năm, góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế từng vùng còn có sự chênh lệch về cơ cấu và phân bố mô hình trang trại, mà nguyên nhân chủ yếu là những khó khăn về điều kiện đất đai, vốn đầu tư.

img

 Các đại biểu tham quan mô hình trang trại trồng nhãn của gia đình ông Bùi Xuân Tám ở xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên. Ảnh: Xuân Thắng

Tại diễn đàn này, nhiều ý kiến của các chủ trang trại bày tỏ băn khoăn bởi vướng “nút thắt”, nhất là tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), giấy chứng nhận trang trại (GCNTT) làm căn cứ để ngân hàng cho vay vốn; hoặc chỉ được vay với số vốn quá ít không đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Văn Bính - Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Kinh tế trang trại đã tạo điều kiện cho nông dân Nghệ An giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có trên 5.600 gia trại, trang trại, trong đó 884 trang trại đạt tiêu chí theo thông tư 27/2011 của Bộ NNPTNT". Tuy nhiên, do nhiều cơ sở xuất phát điểm kinh tế thấp, vốn tự có không nhiều, diện tích đất trang trại sử dụng mới có khoảng gần 50%, còn lại là đất thuê, đấu thầu, nhận khoán... không được cấp GCNQSD đất trang trại nên không vay được vốn tín dụng ngân hàng và do đó không yên tâm đầu tư phát triển trang trại". Ông Bính kiến nghị: “Bộ NNPTNT sớm tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh thời hạn cho thuê đất làm trang trại, bảo đảm ổn định lâu dài để chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp yên tâm đầu tư".

Ông Đoàn Minh Chiến (Bình Dương) có 30 năm làm  kinh tế trang trại và là một điển hình nông nghiệp được cả địa phương biết đến, nhưng vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Chiến lo lắng: “Có những gói hỗ trợ nông nghiệp của Nhà nước rất lớn, nhưng trang trại của  tôi và một bộ phận lớn các hộ nông dân nói chung vẫn khó dựa được vào hỗ trợ này. Để làm kinh tế trang trại, chủ yếu chúng tôi vẫn phải tự bơi".

Giống như trường hợp ông Chiến, nhiều chủ trang trại khác cũng gặp khó khi muốn vay vốn ngân hàng nhưng theo qui định lại không được thế chấp đất đai bằng GCNQSD đất 50 năm. Trang trại rau sạch Song Hành của bà Nguyễn Thị Hoàn tại Quảng Ninh đã bước sang năm thứ 8 sản xuất rau sạch là một ví dụ. Bà Hoàn cho biết: “Để thế chấp vay vốn phải có GCNQSDĐ, nhưng không phải loại GCNQSDĐ 50 năm mà phải là loại đất khác, sử dụng ổn định lâu dài. Trong khi thực tế với doanh nghiệp làm dự án chỉ có duy nhất loại GCNQSDĐ 50 năm”.

Tạo thuận lợi vay vốn, nâng quy mô sản xuất

Việc cấp GCNQSDĐ, GCNTT làm quá chậm, theo thống kê sơ bộ hiện mới có hơn 20% số trang trại được cấp GCNQSDĐ. Đây đang là trở ngại, làm nhiều chủ trang trại có năng lực về tài chính cũng chưa dám đầu tư lớn”. 
TS Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Diễn đàn này có sự tham gia của trên 180 đại biểu tham dự đến từ các cục, vụ, viện, thuộc Bộ NNPTNT, các sở ngành, Hội Nông dân, Hội làm vườn, doanh nghiệp, chủ trang trại và đại diện nông dân của 16 tỉnh/thành phố. Đã có nhiều tham luận, phát biểu và đề xuất giải pháp cùng phần trả lời của các nhà khoa học, nhà quản lý giải đáp cho hơn 20 câu hỏi của các hộ nông dân.

Tổng hợp các ý kiến và kết luận bế mạc diễn đàn, TS Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nêu 5 giải pháp: Đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định về kinh tế trang trại, làm cơ sở xây dựng chính sách cho trang trại. Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế trang trại ở cấp huyện như cấp giấy chứng nhận trang trại, tìm kiếm thị trường nông sản, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, quy hoạch vùng sản xuất trang trại để khuyến khích trang trại phát triển. Khuyến khích thành lập hợp tác xã kiểu mới mà thành viên là các chủ trang trại cùng nhóm sản phẩm.

Đặc biệt là khuyến khích tích tụ ruộng đất, nâng cao qui mô sản xuất, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội xây dựng phát triển kinh tế trang trại. Đẩy nhanh tiến trình công nhận kinh tế trang trại từ cấp chính quyền địa phương để các trang trại có đủ điều kiện vay vốn sản xuất với lãi suất thấp. Xây dựng và thực thi tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nhất là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài trang trại, bảo hiểm và hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh…

Bên cạnh đó, cơ quan khuyến nông cần tạo điều kiện cho chủ trang trại tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất của trang trại... /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem