Thịt lợn nhập về ồ ạt cả nghìn tấn, vẫn thiếu

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 27/03/2020 19:20 PM (GMT+7)
Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt khoảng hơn 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kì năm ngoái, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, lượng thịt nhập này vẫn còn ít, chưa đủ cung ứng cho thị trường, cộng với việc tái đàn lợn đang gặp nhiều khó khăn nên giá lợn hơi và giá thịt lợn thương phẩm giảm rất chậm.
Bình luận 0

Bất chấp các chỉ đạo, khuyến nghị, kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về việc áp dụng các biện pháp giảm giá thịt lợn, hơn 1 tháng qua giá lợn hơi trên cả nước vẫn neo ở mức cao, từ 75.000 – 85.000 đồng/kg. Điều này khiến miếng thịt lợn đến tay người tiêu dùng hầu như không giảm, dao động từ 130.000 – 200.000 đồng/kg tùy loại. 

Trao đổi với PV Báo NTNN/DANVIET ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp của Việt Nam đã làm thủ tục nhập khẩu hàng nghìn tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Mỹ, Canada, Úc, Brazil, Nga… Mới đây nhất, Bộ NN&PTNT đã kết nối với Tập đoàn Miratorg – một trong những doanh nghiệp cung ứng thịt lợn lớn nhất nhì Liên bang Nga.

Ngay sau đó, đã có gần 1.500 tấn thịt lợn đông lạnh của doanh nghiệp này cập cảng Việt Nam, hiện đã làm xong thủ tục kiểm dịch, chuẩn bị thông quan đưa ra thị trường. 

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: K.L

Ngoài ra, Tập đoàn Miratorg cũng đã chuyển thêm 2.000 tấn thịt lợn xuống tàu để đưa về Việt Nam trong thời gian tới. Được biết, để vận chuyển thịt lợn từ Nga về Việt Nam bằng đường biển, sẽ cần khoảng 30 - 45 ngày. 

Thứ trưởng Tiến cho biết, lượng thịt lợn nhập khẩu mặc dù đã tăng hơn 200% so với cùng kì năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn thiếu so với nhu cầu. Tổng sản lượng thịt lợn các loại ước đáp ứng khoảng 90% nhu cầu tiêu dùng.

"Lâu nay thịt lợn đông lạnh nhập về còn ít nên chủ yếu tiêu thụ ở các nhà hàng, cung ứng cho các nhà máy chế biến, khu công nghiệp... Do đó, để đưa giá lợn hơi trong nước về mức hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho cả người chăn nuôi, doanh nghiệp, người tiêu dùng và tránh những bất ổn cho ngành chăn nuôi, một mặt chúng ta đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn, một mặt vẫn nhập khẩu thịt lợn từ các nước để tăng cường điều phối", Thứ trưởng Tiến nói.

Vừa qua, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương phải có giải pháp điều hành tốt các khâu trung gian, thương lái để giảm chênh lệch giá - Thứ trưởng Tiến thông tin. 

“Tôi được biết, các thương lái bắt lợn tại kho của doanh nghiệp với giá 75.000 đồng/kg, nhưng ra khỏi cổng là lập tức giá lợn hơi nhảy lên vài ngàn đồng/kg. Mâu thuẫn hiện nay là giá lợn hơi cao nhưng người chăn nuôi không được hưởng nhiều, người tiêu thụ thì phải mua thịt lợn giá đắt, còn người ở giữa được lợi nhiều nhất. Do đó, Thủ tướng đã đề nghị phía Bộ Tài chính có trách nhiệm thanh tra về mặt thuế, phía Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng đàn, tái đàn”- Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh. 

img

Tiểu thương buôn bán thịt lợn tại chợ đầu mối Văn Quán (Hà Nội).  Ảnh:  Minh Huệ

Về công tác tái đàn lợn trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết có nhiều thuận lợi, song khó khăn cũng không ít.

Thuận lợi là 99% số địa phương có ổ dịch tả lợn châu Phi đến nay đã hết dịch. Trong tháng 1/2020, chúng ta phải tiêu hủy khoảng 12.000 con lợn, tháng 2 giảm còn 7.400 con, ước tính đến hết tháng 3/2020, chỉ phải tiêu hủy khoảng hơn 3.000 con lợn vì dịch bệnh này. Hiện nay, các trang trại, doanh nghiệp và cả gia trại đang rất quan tâm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Trải qua các đợt dịch bệnh, người chăn nuôi đã nhận thấy giải pháp này đem lại hiệu quả cao, cùng với những hướng dẫn cụ thể của Bộ NN&PTNT nên bà con đang tái đàn khá thuận lợi.

Bên cạnh đó, nguồn giống cụ kị, lợn nái hiện nay hoàn toàn đáp ứng tốt nguồn lợn giống cho công tác tái đàn lợn thịt. Theo ước tính, chỉ trong 2 tháng đầu năm người chăn nuôi đã tăng đàn được khoảng 2 triệu con, tháng 3 sẽ tiếp tục tăng cao hơn.

“Tuy nhiên, hiện nay các tỉnh còn e ngại trong việc công bố hết dịch, sợ rằng trong bối cảnh giá lợn hơi tăng cao như hiện nay bà con sẽ tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát, không đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất cao.

Nếu chẳng may dịch tả lợn châu Phi tái phát, sẽ thiệt hại rất lớn. Do đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương hết dịch tập trung tạo điều kiện tối đa cho công tác tái đàn, đi đôi với đảm bảo an toàn dịch bệnh”- Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị thanh tra khâu trung gian bán thịt lợn 

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn chiều 20/3, Thủ tướng nêu rõ, giá thịt lợn theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý.

Giao nhiệm vụ cho các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý Nhà nước về giá, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt lợn hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp, “ở đây tôi nói theo thị trường chứ không bao cấp được”.

Cụ thể, cần xem giá thành là bao nhiêu. Thủ tướng cho biết, đã hỏi một số doanh nghiệp thực phẩm lớn thì “người nói 38.000 đồng/kg, người nói 40.000 đồng/kg, người nói 35.000 đồng/kg”.

Phương án nào để giảm giá thịt lợn, Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng nhất là tăng cung bằng cách đẩy mạnh phục hồi đàn lợn trên 32 triệu con, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, tập đoàn, hộ chăn nuôi như về giá thuê đất, vay ngân hàng… Phải tập trung khắc phục khâu trung gian, thu mua, giết mổ, nhất là các lò mổ.

“Khâu này rất phức tạp, thực ra người nông dân, người mua thì thiệt hại còn ở giữa thì hưởng lợi”, Thủ tướng nói và đề nghị thanh tra khâu này.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem