Thờ ơ mặc đồ bảo hộ khi đi đò, phà, ai chịu trách nhiệm?

Chinh Hoàng Thứ tư, ngày 22/02/2023 18:04 PM (GMT+7)
Tại các bến đò, phà thuộc địa phận TP.HCM, cả hành khách và chủ phương tiện đò, phà đều thờ ơ với việc mặc đồ bảo hộ khi di chuyển trên sông. Vậy khi xảy ra tai nạn không may xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Bình luận 0

Báo điện tử Dân Việt ngày 21/2 đăng bài "Hiểm nguy từ những chuyến đò ngang ở TP.HCM: Người dân cho rằng thời gian ngắn, không cần mặc áo phao", phản ánh việc người dân đi đò, phà trên sông trong nội đô TP.HCM hoặc đi qua các tỉnh khác nhưng lơ là với việc trang bị đồ bảo hộ, kể cả chủ phương tiện.

Phân vùng quản lý theo từng địa phương

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM ông Bùi Hòa An cho biết, ông đã nắm được sự việc như báo Dân Việt đã phản ánh. Tuy nhiên theo ông An, trách nhiệm quản lý giao thông đường thủy phân vùng theo từng địa phương.

Hành khách di chuyển trên sông thờ ơ với việc mặc các trang phục bảo hộ khi tai nạn xảy ra ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Hành khách di chuyển trên sông tại các bến đò, phà ở TP.HCM không mặc áo phao kể cả người lái phương tiện. Ảnh: Chinh Hoàng

Cụ thể, những địa điểm có bến đò, phà tại TP.HCM nằm ở vị trí phường, quận, TP nào thì thuộc trách nhiệm quản lý của lãnh đạo địa phương đó. Xảy ra vi phạm trên địa bàn nào, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, ý thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy vẫn chưa cao.

Tốc độ chuyến đò di chuyển nhanh, tuy nhiên trên đò không ai mặc áo phao kể cả người lái đò. Clip: Chinh Hoàng

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, thời gian qua Sở đã liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các địa phương trực tiếp quản lý các bến đò, phà. Sau đó, địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền về an toàn đường thủy đến với các chủ phương tiện, thậm chí cả người dân tham gia giao thông đường thủy.

Với câu hỏi công tác tuyên truyền có diễn ra thường xuyên hay không? Ông An khẳng định việc này diễn ra thường xuyên, kể cả trước khi vụ tai nạn xảy ra vào ngày 5/2 trên địa phận sông Đồng Nai (giáp ranh giữa TP.Thủ Đức, TP.HCM – Đồng Nai).

"Thời gian vừa qua chúng tôi cũng đã đề nghị Công an TP.HCM, TP.Thủ Đức rốt ráo kiểm tra các bến đò, phà "chui" gây mất an toàn cho người dân. Tôi hy vọng thời gian tới, người dân sẽ ý thức việc an toàn cho chính bản thân mình hơn khi tham gia giao thông đường thủy, tránh những tai nạn đáng tiếc", ông An nói.

Khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời câu hỏi trên, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: Theo quy định Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT tại Điều 5 về sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông, thì mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.

Hành khách di chuyển trên sông thờ ơ với việc mặc các trang phục bảo hộ khi tai nạn xảy ra ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 4.

Nhiều người dân không mặc áo phao khi di chuyển trên sông Đồng Nai, kể cả người lái phương tiện (giáp ranh địa phận TP.Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Chinh Hoàng

Theo luật sư Tuấn, điều 8 quy định về trách nhiệm của hành khách phải tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện trong việc thực hiện quy định về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông trong suốt hành trình của phương tiện.

Do đó, khi hành khách không tuân thủ theo quy định pháp luật về việc sử dụng áo phao, đồ bảo hộ mà xảy ra những tình huống làm nguy hại đến tính mạng sức khỏe thì hành khách đó phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra.

"Bên cạnh đó, cũng cần xem xét đến trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông nếu có vi phạm quy định pháp luật về giao thông đường thủy", luật sư Tuấn nêu.

Chủ đò, phà không mặc áo phao, không khuyến cáo hành khách, trách nhiệm đến đâu?

Vẫn theo Luật sư Tuấn, căn cứ quy định tại Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BGTVT về trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận hành khách ngang sông:

Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện phải bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông có trách nhiệm trước khi cho phương tiện rời bến phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một (01) áo phao hoặc một (01) dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng; hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trong suốt hành trình của phương tiện. Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông phải từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn. Chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xphạt hành chính: Đối với hành khách:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông, (quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 134/2021/NĐ-CP).

Đối với người điều khiển phương tiện:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi "Không phổ biến nội quy đi tàu, không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, thoát hiểm, chữa cháy cho người, hành khách trên phương tiện", (quy định tại điểm c, khoản 2, điều 32 Nghị định 139/2021/NĐ-CP).

Đối với chủ phương tiện:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân, (quy định tại khoản 1, điều 16, Nghị định 139/2021/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trang bị không đủ số lượng thiết bị, dụng cụ an toàn (trừ áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân), dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dụng cụ neo đậu, dụng cụ liên kết phương tiện, (quy định tại điểm a, khoản 2, điều 16, Nghị định 139/2021/NĐ-CP).

Về xử lý hình sự: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội về giao thông đường thủy tại các Điều 272 đến 276 Bộ luật hình sự 2015.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem