Thờ ơ, vô tâm là thái độ rất đáng lo ngại

Thứ năm, ngày 28/10/2010 17:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã trao đổi với báo chí xung quanh việc liên tiếp xuất hiện các vụ việc nữ sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng...
Bình luận 0

Bà có xem clip nào về việc nữ sinh đánh nhau không và bà có ý kiến gì về những hình ảnh trong đó?

img
 Bà Trương Thị Mai

- Tôi có xem.

Lúc soạn thảo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhiều đại biểu Quốc hội thấy rằng, trẻ em va chạm nhau cũng là bình thường; nếu đưa ra thì cũng không có chế tài xử lý. Nhưng với những hành vi như gần đây thì tôi lại thấy nó nghiêm trọng.

Một đất nước có truyền thống Á Đông như chúng ta, phụ nữ là người dịu dàng, ít bạo lực, bây giờ nữ sinh đánh nhau thì tôi nghĩ là vấn đề rất đáng lo.

Nhà trường, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý các vụ việc, nhưng các vụ việc vẫn tiếp tục diễn ra. Liệu có giải pháp nào hiệu quả hơn?

- Tất cả những vấn đề chúng ta làm chỉ mới giải quyết phần ngọn, xảy ra vụ nào thì ta xử lý. Nhưng chúng ta lại quên mất một điều rằng, các em vẫn còn ở tuổi học sinh, nếu chỉ giải quyết các vụ việc cụ thể thì không thể ngăn chặn hay hạn chế được.

Tôi cho rằng, gia đình, học đường vẫn có vai trò rất quan trọng đối với các em.

Tại gia đình, cha mẹ dù bận đến đâu cũng nên dành một phần thời gian cho con cái, cần theo dõi, chia sẻ xem các cháu có những vấn đề gì để kịp thời giải tỏa.

img
Hình ảnh nữ sinh ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị hành hung ngày 23-10. (Trích từ clip)

Ở nhà trường, các thầy cô cũng phải gắn bó hơn với các cháu, giúp các cháu hiểu và sống lành mạnh hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng phải bổ sung thêm các chính sách pháp luật để tăng cường vai trò của các cơ quan nhà nước đối với công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên.

Theo bà, có nên đưa các em có hành vi đánh bạn dã man vào trại giáo dưỡng?

- Đó là biện pháp cuối cùng. Làm các cháu sợ để làm gì? Thay vì như vậy mình nên giáo dục các cháu, mình nên chia sẻ, nên tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc. Chỉ trừ các trường hợp quá nghiêm trọng mới đưa đi trường giáo dưỡng. Nếu tìm biện pháp cao nhất để xử lý thì chúng ta sẽ cản trở luôn cuộc đời của các cháu.

Trong các clip, nhiều người khác đứng xung quanh thản nhiên, thậm chí cổ vũ, quay clip. Bà đánh giá thế nào về hiện tượng này?

- Thờ ơ hoặc vô tâm là một trong những thái độ rất đáng lo ngại gần đây. Các cháu không tham gia vào bạo lực nhưng thản nhiên nhìn hành vi bạo lực, thậm chí còn xem đó là một trò vui giải trí.

Có lẽ, những cách xử lý căng thẳng, áp đặt mang tính chất hành chính vào các cháu chỉ răn đe một phần. Với các cháu tuổi vị thành niên, một tình cảm, một sự quan tâm thực sự, một sự chia sẻ, gần gũi thì có lẽ có hiệu quả tốt hơn.

Chương trình giáo dục cần dành sự quan tâm hơn. Tôi nghĩ lựa chọn những vấn đề và cách thức giảng dạy giáo dục công dân tốt sẽ có tác dụng quan trọng với các cháu. Nếu chúng ta tiếp tục không có sự quan tâm và thờ ơ thì không biết việc này sẽ có hậu quả nghiêm trọng như thế nào.

Liên tiếp đánh nhau, tung clip lên mạng

Ngày 25 - 10, tại TX.Cẩm Phả, Quảng Ninh xảy ra vụ ẩu đả giữa nhóm nữ sinh do Nguyễn Thị Hồng Nhâm (học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh) cầm đầu và một nhóm nữ sinh khác trước cổng trường này. Trước đó, ngày 23 - 10, Nguyễn Thị Hồng Nhâm bị Nguyễn Hải Yến (đang ôn thi vào Đại học Mỏ - Địa chất) cùng nhóm bạn, dùng kéo cắt tóc, lột áo...

Ngày 10 - 10, tại Hà Nội, một vụ đánh nhau diễn ra tại cầu thang bộ toà nhà Vincom (phố Bà Triệu). Hai nữ sinh thay nhau tát, đạp vào lưng, bụng, ngực một bạn gái, bắt nữ sinh này đứng lên, quỳ xuống, ngẩng cao mặt để đối phương "xử lý". Ngày 15 - 9, Nguyễn Thị Hà Như (SN 1993, lớp 12A6, Trường THPT Hà Huy Tập, Vinh, Nghệ An) bị nhóm nữ sinh côn đồ khống chế đưa đi rồi bị đánh đập dã man ngay trước mặt mẹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem