Thợ rèn ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ bí quyết "rèn công cụ bằng mắt"

Thanh Tâm Thứ năm, ngày 09/02/2023 18:09 PM (GMT+7)
Từ bao đời nay, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân Vũ Ngoại (Hà Nội) còn gắn bó sâu sắc với nghề rèn. Nhờ có nghề rèn, người dân luôn có cuộc sống ấm no, đầy đủ.
Bình luận 0

Video thợ rèn miệt mài, luôn tay bên bếp lửa. Thực hiện: Thanh Tâm.

Người dân "giữ lửa" nghề truyền thống  

Ghé thăm thôn Vũ Ngoại xã Liên Bạt huyện Ứng Hòa (Hà Nội) những ngày này du khách sẽ bắt gặp những thợ rèn đang miệt mài bên bếp lửa. Nghề rèn truyền thống cũng đem lại thu nhập cao cho các gia đình trong thôn. Với mẫu mã đẹp và chất lượng tốt, các thành phẩm của làng rèn Vũ Ngoại còn được mang tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thợ rèn ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ bí quyết "rèn công cụ bằng mắt" - Ảnh 1.

Làng Vũ Ngoại là địa điểm quen thuộc được nhân dân quanh vùng ghé đến tìm mua dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Lò rèn của ông Nguyễn Văn Thành (thôn Vũ Ngoại) luôn đỏ lửa từ sáng đến tối. Tại đây, lúc nào cũng vang dội tiếng tiếng gõ búa. Cái nghề trông nóng nực, bức bối, lấm lem là vậy nhưng lại khiến ông Thành say mê, sảng khoái.

Ông Thành Kể rằng, lò rèn của gia đình được mở từ năm 1985, chủ yếu kinh doanh theo quy mô hộ gia đình. Mọi người đều nói nghề này lấm lem, bẩn thỉu, nhưng với ông, nó là niềm đam mê, sự gắn bó sâu sắc. Làm nghề mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy chán hay muốn bỏ nghề.

Nhớ lại những ngày mới bước vào nghề, ông Thành gọi đó là "cái duyên cái nợ". Xuất thân là con thợ rèn, từ bé ông Thành đã quen với công việc lặt vặt bên lò bễ. Đến khi trưởng thành, ông Thành vẫn gắn bó công việc cùng lò bễ, đe, búa.

Ở độ tuổi ngoài 60, ông Thành hàng ngày tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo trong từng khâu sản xuất nông cụ. Nhờ vậy, cả năm không lúc nào xưởng rèn của gia đình ông vắng khách. 

Thợ rèn ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ bí quyết "rèn công cụ bằng mắt" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Vũ Ngoại) đang miệt mài tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao.

"Đặc biệt là dịp sau Tết, hầu hết các nhà dân đều bắt đầu vụ sản xuất mới, bởi thế mà nhu cầu về công cụ sản xuất ngày một tăng cao"ông Thành chia sẻ thêm.

Thông thường, để ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ rèn phải thực hiện đầy đủ các bước, từ công đoạn ra phôi, đến việc gia công trong lò. Trung bình mỗi ngày ông Thành sản xuất khoảng 200 sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường như: Cuốc, xẻng, liềm, dao…

Ông Nguyễn Đình Thuận, một người thợ lâu năm tại làng Vũ Ngoại cho hay, thời kì hoàng kim, có đến hơn 90% số hộ dân trong làng đều có lò rèn theo quy mô hộ gia đình. Người thợ Vũ Ngoại bằng sự khéo léo của đôi tay, sự mẫn cảm với lửa mà cảm nhận chính xác độ mềm của thanh thép để làm ra những sản phẩm đảm bảo đủ cả 3 chuẩn mực trong nghề rèn.

Thợ rèn ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ bí quyết "rèn công cụ bằng mắt" - Ảnh 3.

Để ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ rèn phải thực hiện đầy đủ các bước, từ công đoạn ra phôi, đến việc gia công trong lò.

"Người ta ví nghề rèn là tổng hợp của tất cả mọi giác quan. Khi rèn, người thợ phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Cũng bởi vậy, nhờ vào đôi mắt tỏ tường của mình, người thợ có thể xác định được độ chín của sản phẩm để kịp nhúng vào nồi nước tôi ngay bên cạnh, đây chính là giai đoạn quyết định đến chất lượng của sản phẩm sau này", ông Thuận bộc bạch.

Theo ông Thuận, sản phẩm của làng Vũ Ngoại từ xưa tới nay luôn đáp ứng mọi nhu cầu khi sử dụng. Nhờ uy tín của làng nghề mà khách hàng từ các tỉnh, thành xa xôi vẫn lặn lội về đây đặt hàng.

Hiện nay, một số lò rèn trong làng nhờ việc đầu tư búa máy, quạt bễ điện thay cho làm thủ công như trước kia, nên người thợ đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng được cải thiện hơn. Không chỉ vậy, các lò rèn ở Vũ Ngoại đều có sự chuyên môn hóa cao, mỗi lò chỉ sản xuất một hoặc vài sản phẩm nhất định. Do đó, sản phẩm của các lò đều đạt độ tinh xảo, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thợ rèn ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ bí quyết "rèn công cụ bằng mắt" - Ảnh 4.

Một vài sản phẩm công cụ sản xuất của lò rèn tại làng Vũ Ngoại, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội.

Ông Thuận còn chia sẻ thêm rằng: "Đối với người thợ làm nghề lâu năm, chỉ cần gõ sản phẩm vào nhau rồi lắng nghe âm thanh là có thể biết chất lượng sản phẩm tốt xấu ra sao. Bởi vậy, chẳng biết từ bao giờ, người dân Vũ Ngoại vẫn luôn truyền tai nhau câu nói "Nhất thanh, nhì dáng, thứ ba là nước tôi".

Mới đây, Chính quyền xã Liên Bạt cũng đã có những ưu đãi, hỗ trợ về vốn, để các hộ làm nghề đầu tư máy móc, công nghệ, khoa học, kỹ thuật để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem