Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ đã "cứu" 2 triệu việc làm ở Mỹ

14/04/2020 09:56 GMT+7
Giám đốc quỹ đầu tư RDIF của Nga, ông Kirill Dmitriev mới đây nhận định thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng của OPEC+ đã cứu hơn 2 triệu người Mỹ khỏi cảnh mất việc.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ đã "cứu" 2 triệu việc làm ở Mỹ - Ảnh 1.

2 triệu người lao động trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng Mỹ thoát nguy cơ mất việc nhờ thỏa thuận chưa từng có cuar OPEC+

Sau nhiều ngày thảo luận, OPEC+ đã hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu lớn chưa từng có 9,7 triệu thùng dầu hôm 13/4. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 1/5 và kéo dài đến hết tháng 6 trước khi các hạn ngạch cắt giảm được giảm bớt. OPEC+ sẽ họp lại vào ngày 10/6 để đánh giá tình hình và xem xét liệu có cần thêm một hành động nào khác để hỗ trợ thị trường dầu hay không.

Ngay sau thông tin hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, Tổng thống Donald Trump - người giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy Nga - Saudi Arabia ngồi lại vào bàn đàm phán - đã lập tức lên Twitter ăn mừng. “Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khổng lồ của OPEC+ đã hoàn tất. Điều này sẽ cứu hàng trăm ngàn việc làm trong lĩnh vực năng lượng Mỹ khỏi nguy cơ cắt giảm. Xin cảm ơn và chúc mừng Tổng thống Nga Putin cùng Quốc vương Saudi Arabia Salman. Tôi vừa trò chuyện với họ từ phòng Bầu dục. Một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả các bên”.

Trong khi Trump cho rằng hàng trăm ngàn việc làm đã được cứu nhờ thỏa thuận của OPEC+, ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư RDIF của Nga cho rằng con số có thể lên tới 2 triệu việc làm. “Chúng tôi tin rằng khoảng 2 triệu việc làm ở Mỹ sẽ được cứu nhờ thỏa thuận được thúc đẩy bởi Tổng thống Donald Trump”.

“Hiện ngành dầu khí Mỹ có khoảng 10 triệu lao động. Nhưng nếu tính tất cả những ngành công nghiệp liên quan bị ảnh hưởng bởi thị trường dầu mỏ, đó sẽ là một con số lao động khổng lồ”. Ông Kirill nói thêm rằng thỏa thuận cũng ngăn chặn tình trạng mất việc trong ngành năng lượng tại Nga. 

Ngành sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ được nhận định là sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá dầu rơi tự do bởi ảnh hưởng cuộc chiến giá cả giữa Nga và Saudi Arabia hồi đầu tháng 3, khi Nga từ chối thông qua đề xuất cắt giảm sản lượng của OPEC. Riyadh sau đó đã trả đũa Moscow bằng tuyên bố nâng sản lượng dầu lên 12,3 triệu thùng và giảm giá dầu từ tháng 4. 

Một số nhà phân tích khi đó chỉ ra rằng việc Nga từ chối cắt giảm sản lượng dầu cùng OPEC có thể là hành động nhắm mục tiêu vào ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Các công ty dầu đá phiến Mỹ có chi phí sản xuất cao hơn hẳn và phải vật lộn để hòa vốn khi giá dầu rớt xuống dưới 50 USD/ thùng. Nhưng hồi tháng 3, có thời điểm giá dầu WTI của Mỹ thậm chí thủng ngưỡng 20 USD/ thùng, mức giá thấp kỷ lục khiến các công ty Mỹ lao đao, buộc Tổng thống Donald Trump phải hành động. 

Dù OPEC+ đã hoàn tất thỏa thuận, giá dầu WTI vẫn giảm trong phiên giao dịch hôm 13/4 do lo ngại tình trạng dư cung từ nay đến hết tháng 4. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,54% xuống mức 22,41 USD / thùng, trong khi giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng nhẹ 33 cent lên 31,81 USD / thùng. Trước đó trong phiên giao dịch, giá dầu WTI có thời điểm tăng tới 8%.

Cho đến nay, giá dầu vẫn thấp hơn khoảng 50% so với đầu năm, theo Giám đốc điều hành quỹ đầu tư RDIF. “Nếu không có thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất lịch sử này, giá dầu sẽ giảm xuống dưới 10 USD/ thùng” - ông Kirill nói thêm.

Ông Kirill cũng chỉ ra rằng ông tin tưởng tổng mức giảm cung dầu trên toàn thị trường sẽ lên tới hơn 15 triệu thùng/ ngày nếu tính cả các nhà sản xuất ngoài OPEC+ như Mỹ, Na Uy, Canada, Brazil. Dù chưa chính thức thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng nào, các công ty dầu khí Mỹ đang tự điều chỉnh hạ sản lượng dầu do giá dầu giảm sâu và nhu cầu dầu rất thấp trên thị trường do đại dịch Covid-19.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục