Thoả thuận Nga - Trung: Sẽ hình thành khối thương mại mới do Trung Quốc đứng đầu?

Huỳnh Dũng Thứ bảy, ngày 19/03/2022 08:58 AM (GMT+7)
Quan hệ thương mại Nga - Trung Quốc đã đặt ra một mục tiêu mới được công bố vào tháng trước hai bên muốn thương mại song phương tăng lên 250 tỷ USD và năm 2024. Liệu chiến sự Nga - Ukraine có thúc đẩy hình thành khối thương mại mới và từ đây Trung Quốc sẽ bứt tốc trong cuộc đua vị trí số 1 toàn cầu?
Bình luận 0

Thoả thuận thương mại Nga - Trung lên tầm cao mới khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra

Tháng trước, ngay trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cử lực lượng của mình vào Ukraine, ông và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Bắc Kinh về mối quan hệ đối tác "không có giới hạn", với lời hứa sẽ hợp tác nhiều hơn nữa để đối đầu với phương Tây.

"Tình hữu nghị giữa hai Nhà nước không có giới hạn, không có lĩnh vực hợp tác nào bị cấm", hai nước cho biết trong một tuyên bố chung. Putin cũng đã tận dụng cơ hội này để thổi bùng một thỏa thuận khí đốt mới với Trung Quốc trị giá khoảng 117,5 tỷ USD, hứa hẹn sẽ tăng cường xuất khẩu vùng Viễn Đông của Nga. Có thể thấy, thỏa thuận này đánh dấu tuyên bố chi tiết và quyết đoán nhất về quyết tâm của Nga và Trung Quốc trong việc cùng nhau xây dựng một trật tự kinh tế thương mại mới.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine đã dẫn đến một "cơn bão hoàn hảo" về hàng hóa có thể làm suy yếu hệ thống đồng Euro, Đô la góp phần vào lạm phát ở phương Tây, các nền kinh tế lớn như Mỹ và đe dọa sự ổn định tài chính. Ảnh: @AFP.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine đã dẫn đến một "cơn bão hoàn hảo" về hàng hóa có thể làm suy yếu hệ thống đồng Euro, Đô la góp phần vào lạm phát ở phương Tây, các nền kinh tế lớn như Mỹ và đe dọa sự ổn định tài chính. Ảnh: @AFP.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng 35,9% trong năm ngoái lên mức kỷ lục 146,9 tỷ USD, với Nga đóng vai trò là nguồn cung cấp dầu, khí đốt, than và nông nghiệp chính, dẫn đến thặng dư thương mại với Trung Quốc, và xu hướng này có thể được tăng tốc thêm nữa khi quốc tế áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm cắt Nga ra khỏi các thị trường phương Tây.

Tom James, giám đốc điều hành của TradeFlow Capital Management tại Singapore, một quỹ tài trợ thương mại cho biết: "Nga đã bắt đầu giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với Trung Quốc và nói thêm rằng, các ngân hàng có thể giao dịch với nhau bên ngoài mạng lưới hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, vì Moscow hiện đã bị chặn, vì thế Bắc Kinh có thể hưởng lợi rất nhiều, mặc dù không phải là không có rủi ro".

Ở một góc độ nào đó, Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên thân thiết trong những năm gần đây, kể cả với tư cách là đối tác thương mại, một mối quan hệ mang lại cả cơ hội và rủi ro khi Nga phải hứng chịu các lệnh trừng phạt mới cứng rắn do phương Tây dẫn đầu nhằm đáp trả cuộc xâm lược tại Ukraine.

Hiện tại, hơn một phần tư hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2021, tăng so với mức chỉ 2% trong năm 2013, do cả hai nước đều tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Không chỉ dừng tại đó, hai bên đang đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại lên 200 tỷ USD vào năm 2024, nhưng theo một mục tiêu mới được công bố vào tháng trước trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh dự Thế vận hội mùa đông, hai bên muốn thương mại song phương tăng lên 250 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các thị trường tài chính đang xoay chuyển vì lo ngại rằng một khối Nga -Trung có thể đối mặt với sự trả đũa của Mỹ, trong đó cổ phiếu của Trung Quốc nằm trong số lĩnh vực hoạt động kém nhất kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc (.SSEC) và Hang Seng ( .HSI) của Hồng Kông đều đã mất khoảng 6% kể từ khi chiến sự bắt đầu. Con số đó tụt giảm thê thảm so với mức tăng khoảng 1% của cổ phiếu toàn cầu (.MIWD00000PUS) và 1,6% đối với S&P 500 (.SPX).

Đồng tiền tệ của Trung Quốc nay cũng bắt đầu xuất hiện những điểm dễ bị tổn thương và biến động mạnh vào đầu tuần này, và cũng đã chạm mức thấp nhất trong ba tháng qua. "Áp lực là rất lớn vào lúc này", một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói với trang Reuters với điều kiện giấu tên.

"Thật thực dụng khi mua một số dầu và khí đốt từ Nga ngay tình hình lúc này, mọi người đang theo dõi chúng tôi", ông nói. "Chúng tôi không muốn làm Nga khó chịu, nhưng đồng thời rất khó để không đứng về phía đa số các nước".

Thương mại Trung Quốc-Nga đã tăng lên khi hai nước xích lại gần nhau hơn. Ảnh: @AFP.

Thương mại Trung Quốc-Nga đã tăng lên khi hai nước xích lại gần nhau hơn. Ảnh: @AFP.

Và thương mại của Trung Quốc với Nga bị hạn chế bởi những gì họ tiến hành với các nước phương Tây. Thương mại của Trung Quốc trong tháng trước đạt tổng giá trị 137 tỷ USD với Hiệp hội Châu Âu và 123,3 tỷ USD với Hoa Kỳ, nhưng chỉ 26,4 tỷ USD với Nga. Khi được hỏi về những rủi ro mà Bắc Kinh có thể gặp phải nếu cung cấp trợ giúp kinh tế cho Moscow, bao gồm cả đòn trừng phạt, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters trong một tuyên bố rằng: "Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi".

Hệ luỵ của những biện pháp cấm vận Nga từ chiến sự Nga - Ukraine

Nhưng căng thẳng đối với thương mại toàn cầu do chiến sự đã thể hiện rõ qua các lệnh cấm xuất khẩu và những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Điển hình là nguyên liệu từ than của Indonesia đến đường của Ai Cập không có sẵn để bán ra nước ngoài.

Những người mua lương thực thì đang tranh giành gạo để thay thế lúa mì của Ukraine và Nga, tình trạng thiếu phân bón bùng phát khi thế giới không còn kali của Nga - một thành phần quan trọng. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu cây trồng toàn cầu đang tranh giành nguồn cung sau khi Nga đổ bộ lên Ukraine cắt đứt các chuyến hàng ngũ cốc từ hai quốc gia, vốn chiếm khoảng 25% lúa mì thế giới và 16% lượng ngô xuất khẩu thế giới.  Vì thế, giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước trong khi ngô leo lên mức cao nhất trong một thập kỷ, sau khi Ukraine bị tàn phá phải đóng cửa các cảng và các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga.

Giá lúa mì và ngô tăng đột biến đã thúc đẩy người mua tìm kiếm các lựa chọn thay thế, kể cả ở Trung Quốc, thị trường thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới cho đến nay. Các nhà nhập khẩu đang đàm phán để mua thêm khối lượng gạo tấm - gạo kém chất lượng mà hạt đã bị gãy trong quá trình xay xát  để vỗ béo lợn và các động vật khác.

Gạo thường được giao dịch ở mức cao so với lúa mì, nhưng việc lúa mì tăng giá 50% so với tháng trước đã cắt giảm mạnh sự khác biệt giữa hai loại ngũ cốc và thậm chí còn khiến lúa mì đắt hơn một số loại gạo.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đặt tới hai triệu tấn ngô nhập khẩu của Ukraine trong năm nay, nhưng hầu hết các lô hàng này hiện đang gặp nguy hiểm do sự gián đoạn chuỗi hậu cần của Ukraine. Để thay thế lượng gạo bị mất đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo tấm, tăng từ khoảng 2 triệu tấn mỗi năm trong hai năm qua, một nhà kinh doanh gạo có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.

Một nhà nhập khẩu ở Quảng Đông đang tìm mua gạo tấm từ Thái Lan, trong khi những nhà nhập khẩu khác gần đây đã mua gạo tấm của Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi, theo một nguồn tin khác cho biết.

"Nhu cầu đối với gạo tấm của Ấn Độ đã tăng lên do giá ngô cao hơn. Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đang cố gắng thay thế ngô bằng gạo", BV Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ nói với trang Reuters.

Có thể thấy, dường như với tình hình căng thẳng hiện tại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có rất ít động lực để sửa chữa, phục hồi lại hệ thống an ninh lương thực, thương mại toàn cầu hóa. Thay vào đó là những gợi ý về một trật tự mới trong đó xuất khẩu hàng hóa và năng lượng của Nga tìm đến thị trường ở Trung Quốc và Ấn Độ trong khi khoáng sản và khí đốt của Australia cuối cùng sẽ đáp cánh ở châu Âu thay cho Nga.

Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Ảnh: @AFP.

Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Ảnh: @AFP.

Chiến lược gia Jonathan Garner của Morgan Stanley cho biết trong một podcast gần đây, ông thận trọng hơn đối với Ấn Độ và Trung Quốc và đang tìm cách tiếp xúc với Úc với tư cách là một nhà xuất khẩu phù hợp với các nguồn vốn toàn cầu. Trong khi đó, Ấn Độ, một khách hàng mua công nghệ quân sự của Nga đang cân nhắc lời đề nghị mua dầu thô giá rẻ của Nga. Ngoài dầu, Ấn Độ cũng đang tìm kiếm phân bón rẻ hơn từ Nga và đồng minh Belarus và theo các nguồn tin ngân hàng nội địa, Ấn Độ đang tìm cách thiết lập một cơ chế thanh toán qua giao dịch đồng rupee-ruble. Nga đã thúc giục những gì họ mô tả Ấn Độ là một quốc gia thân thiện để duy trì quan hệ thương mại và đầu tư.

Các quyết định ở Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới có khả năng thúc đẩy dòng tiền và hàng hóa lớn bên ngoài hệ thống do đồng đô la thống trị - điều mà Bắc Kinh đã tìm cách làm trong một thập kỷ. George Boubouras, trưởng nhóm nghiên cứu tại K2 Asset Management, công ty đầu tư toàn cầu từ Melbourne cho biết: "Về bản chất, họ đang tạo ra nền tảng hoạt động của riêng mình, khác với 70 năm qua ... của hệ thống vốn toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo".

Tuần này, Wall Street Journal đưa tin rằng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê Út về việc giao dịch dầu lấy đồng nhân dân tệ thay vì đô la đã tăng tốc, có lẽ là một bước tiến trong nỗ lực thúc đẩy đồng nhân dân tệ như một đồng tiền thương mại và dự trữ.

Hầu hết các chuyên gia thị trường cũng nghi ngờ rằng ,Trung Quốc sẽ bị loại trừ đột ngột khỏi các thị trường xuất khẩu sang phương Tây của họ. Chiến lược gia Zoltan Pozsar của Credit Suisse cho biết: "Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine đã dẫn đến một "cơn bão hoàn hảo" về hàng hóa có thể làm suy yếu hệ thống đồng Euro, đô la Mỹ góp phần vào lạm phát ở phương Tây, các nền kinh tế lớn như Mỹ và đe dọa sự ổn định tài chính".

"Khi cuộc khủng hoảng này (và chiến sự) này kết thúc, đồng đô la Mỹ sẽ yếu đi nhiều và ở chiều ngược lại, đồng Nhân dân tệ mạnh hơn nhiều", chiến lược gia Zoltan Pozsar của Credit Suisse cho biết trong một ghi chú phác thảo một "sự thay đổi trật tự kinh tế" khi Trung Quốc mua hàng hóa của Nga.

Huỳnh Dũng  -Theo Reuters

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem