“Thoát” áp lực chi tiền mặt, ngân hàng “xông xênh” chia cổ tức

10/03/2021 12:13 GMT+7
Chính sách cổ tức luôn là tâm điểm tại mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên của các ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, phần nào “bức tranh” cổ tức của ngành ngân hàng năm nay đã được hé lộ. Trong đó, có nhà băng chia cổ tức, cổ phiếu thưởng lên tới 40%.

Ngân hàng "xông xênh" chia cổ tức bằng cổ phiếu

Theo tài liệu đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa được VIB công bố, dự kiến tại ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 24/3 tới, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Năm 2020, VIB cũng chia cổ tức, cổ phiếu thưởng gần 30%.

Tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

“Thoát” áp lực chi tiền mặt, ngân hàng “xông xênh” chia cổ tức - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu

Tương tự, MSB cũng cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.

Vì thế, theo lãnh đạo cấp cao MSB, sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại ĐHĐCĐ thường niên dự kiến thực hiện trong quý I/2021.

Còn lãnh đạo OCB cho hay, ngân hàng dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%.

HĐQT VietinBank cũng vừa ban hành nghị quyết về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, dự kiến tổ chức vào ngày 16/4. Một số nội dung sẽ được lấy ý kiến cổ đông như: hoạt động năm 2020 và định hướng năm 2021, phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, mức thù lao đối với HĐQT và Ban Kiểm soát...

Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2020, phương án chia cổ tức được phê duyệt và đã được cổ đông chấp thuận là: chia cổ tức tiền mặt 5% và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ hơn 28,7899%.

Mới đây, VietinBank thông báo đã thanh toán cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt (5%) cho cổ đông, tương đương với quy mô hơn 1.800 tỷ đồng. Còn phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 28,7899% sẽ hoàn tất muộn nhất vào quý I/2021.

Thị trường cũng đang chờ đơi thông tin về HDBank. Vì trong năm qua, HDBank chia cổ tức, cổ phiếu thưởng lên đến 65%. Năm 2020, HDBank đạt 5.818 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15,9%, nợ xấu chỉ 0,93%.

Hợp thức hóa điệp khúc "không cổ tức"?

Việc các ngân hàng thương mại lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay, thay vì trả cổ phiếu bằng tiền mặt như những năm trước không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức tín dụng cũng phải tuận thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kể cả chính sách cổ tức chia trả cho cổ đông.

Cụ thể, theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Thoát” áp lực chi tiền mặt, ngân hàng “xông xênh” chia cổ tức - Ảnh 3.

Chính sách cổ tức được nhiều cổ đông đề cập tại các kỳ ĐHĐCĐ ngân hàng

Đây tưởng như là "rào cản" với các ngân hàng muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, nhưng thực tế trong vài năm trở lại đây, dù lợi nhuận của tăng cao thì vẫn chỉ có một vài nhà băng chia cổ tức bằng tiền mặt, còn đa số vẫn là chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Thậm chí, có những ngân hàng gần 10 năm không trả cổ tức bằng tiền mặt, khiến cổ đông bức xúc "đòi" cổ tức trong các kỳ họp cổ đông. Điển hình là cổ đông của MSB, Techcombank,…

Thậm chí, cổ đông một ngân hàng thương mại đặt vấn đề: "Ngân hàng cổ phần, lời ăn lỗ chịu chứ sao giờ làm ăn có lãi lại không cho chia cổ tức. Lẽ ra Ngân hàng Nhà nước chỉ giữ vai trò giám sát thôi".

Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân để các ngân hàng đưa ra quyết đinh trên nhưng có thể chỉ ra một số lí do chính như: giữ lợi nhuận để tăng vốn chủ sở hữu, làm nguồn xử lí nợ xấu, theo lộ trình được đề ra tại đề án tái cơ cấu,...

Thế nhưng, việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt thời điểm hiện tại đã "vô tình" giúp cho các ngân hàng này "thoát" áp lực trả cổ tức bằng tiền và chỉ trích từ cổ đông trong mùa ĐHĐCĐ năm nay. Hay nói cách khác, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước "bất đắc dĩ" trở thành "cái cớ" để các ngân hàng nối dài điệp khúc "không cổ tức"?

H.Anh
Cùng chuyên mục