dd/mm/yyyy

Thời điểm bùng nổ đầu tư nước ngoài vào nông thôn Việt Nam

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định đây là thời điểm hứa hẹn bùng nổ đầu tư nước ngoài cho vùng nông thôn Việt Nam bởi nhiều yếu tố tổng hợp.
Thời điểm bùng nổ đầu tư nước ngoài vào nông thôn Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân tại một nhà máy ở Bắc Giang. Ảnh: SCMP

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Việt Nam đang trở thành nơi thu hút sản xuất hiện đại.

Một ví dụ được nêu là tỉnh Bắc Giang. Gần đây, đại diện của Apple đã đến tỉnh đông dân thứ 12 tại Việt Nam này. Đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang có tốc độ tăng gấp đôi mỗi năm và dự đoán kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của tỉnh là 11 tỷ USD.

Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tại Bắc Giang là 650 USD. Nhưng đến năm nay, dự báo thu nhập bình quân đầu người của tỉnh là 3.000 USD. Kinh tế Bắc Giang đã tăng trưởng 10,9% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019. Các nhà sản xuất từ năm 2016 đã “rót” 3,8 tỷ USD vào tỉnh Bắc Giang, tăng gấp 4 lần so với 4 năm trước đó.

Ông Nguyễn Đại Lượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, Bắc Giang chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu”. Hiện tại 4 trong 5 khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang đều nằm ở huyện Việt Yên.

Ông Nguyễn Đại Lượng cho biết nhân công làm việc tại các nhà máy lắp ráp điện tử có thể nhận được mức lương lên tới 5.500 USD/năm. Chị Nguyễn Thị Hà làm việc tại một nhà máy ở Bắc Giang chia sẻ trước khi trở thành công nhân khu công nghiệp và nhận mức lương 431 USD/tháng, chị từng đi làm trộn bê tông cho công ty xây dựng và chỉ nhận được số tiền bằng một nửa khi phải làm dưới trời nắng, mưa.

Theo báo trên, nhiều tập đoàn nước ngoài, trong đó có Samsung, đã đến “gõ cửa” các tỉnh miền Bắc và hứa hẹn hàng tỷ USD để thiết lập hoạt động sản xuất. Đối tác lắp ráp của Apple là Pegatron cũng đầu tư 1 tỷ USD vào thành phố Hải Phòng.

Apple gần đây còn đăng tin tuyển dụng tại Việt Nam cho các vị trí kỹ sư đảm bảo chất lượng, quản lý chuỗi cung cấp và quản lý cấp cao quan hệ chính phủ.

Ở thời điểm này, đầu tư từ các doanh nghiệp điện tử tiếp tục tăng trong bối cảnh những lĩnh vực khác đang gặp khó khăn trong dịch COVID-19.

Ông Gene Tyndall tại công ty tư vấn eMATE (Mỹ) nhận định những yếu tố khiến Việt Nam được ưu ái là ổn định chính trị, chính sách thân thiện với đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và nỗ lực của chính phủ trong đẩy mạnh khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Nhà kinh tế học Scott Rozelle tại Đại học Stanford (Mỹ) nhận định Việt Nam cần đảm bảo nâng cao nhận thức để tránh “bẫy thu nhập trung bình” ở thời điểm các nhà máy rời đi.

Hà Linh