Thời điểm thích hợp gỡ bỏ trần lãi suất?

Hoàng Thắng (thực hiện) Thứ hai, ngày 07/11/2016 06:20 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, lãi suất huy động và cho vay đều ở mức thấp. Tuy nhiên, tiến trình xử lý nợ xấu chậm, việc giảm lãi suất vẫn còn “gian nan”. NTNN - Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

img

TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Thưa ông, một trong những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp quan tâm là giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo quyết liệt, theo đánh giá của ông, về phía các ngân hàng thương mại đã thực sự vào cuộc cao độ?

- Trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10.2016, căn cứ vào tình hình kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những chỉ đạo đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) là chủ lực trong lĩnh vực tín dụng tiền tệ nghiên cứu phương án giảm lãi suất.

Đặc biệt, tới nửa sau của tháng 10.2016, 4 NHTM đã có những động thái quyết liệt để giảm lãi suất. Có những ngân hàng như Ngân hàng NNPTNT dự kiến điều chỉnh giảm từ 1,2% tới 1,4% lãi suất cho vay, còn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng đã giảm tới 1%.

Trong số các ngân hàng này, ngoại trừ Ngân hàng NNPTNT, các ngân hàng khác đều hoạt động theo hình thức cổ phần. Vậy nên, muốn hạ lãi suất, các phòng ban chuyên môn của ngân hàng phải tính toán dựa trên thực lực, hiệu quả hoạt động của mình để đưa ra mức hạ lãi suất hợp lý, thu hút nguồn vốn trong dân nhiều hơn. 

Ngược lại, đối với các NHTM cổ phần nhỏ, do tiềm lực kinh tế kém hơn buộc họ phải nâng trần lãi suất huy động lên để có thể đảm bảo khả năng thanh khoản tốt cho dòng tiền và cân đối với chi phí họ phải bỏ ra trong bối cảnh hiện nay. Đây chính là một bước đi trên con đường hình thành mối quan hệ thị trường trong thị trường tín dụng.

img

Một số ý kiến cho rằng đây là thời điểm phù hợp để gỡ bỏ trần lãi suất huy động. Ảnh: Trần Việt

Có ý kiến cho rằng đây là thời điểm phù hợp để bỏ trần lãi suất huy động. Quan điểm của ông thế nào?

-Mỗi biện pháp quản lý của Nhà nước đều phục vụ cho một mục tiêu nhất định. Việc giữ trần lãi suất đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ không xảy ra tình trạng các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, phá vỡ thị trường như cách đây vài năm.

Nhưng tính tới thời điểm này, nền kinh tế vĩ mô vẫn giữ được sự ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được mức dự báo là từ 6,3% tới 6,5% thì phương án gỡ bỏ trần lãi suất huy động cũng là một trong những phương án mà những nhà điều hành kinh tế vĩ mô cần tính tới.

Tỷ lệ nợ xấu cao và sự yếu kém của một số NHTM thì dù lãi suất trái phiếu chính phủ tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao gây khó khăn trong việc hạ mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn. Để giải quyết nút thắt nợ xấu, theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì?

-Nợ xấu hiện nay hình thành từ 3 yếu tố. Thứ nhất, là nền kinh tế vĩ mô do Nhà nước điều hành. Thứ hai, là các tổ chức tín dụng. Thứ ba, là các doanh nghiệp. Ba yếu tố đó phải được đặt trên một nền tảng là các văn bản pháp lý.

Từ trước tới nay, chúng ta chưa hình dung hết những diễn biến phức tạp của thị trường tài sản đảm bảo. Vấn đề tài sản đảm bảo chúng ta mới phát hiện ra nó bắt đầu sôi động vào năm 2014, sau khi chúng ta thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Vấn đề ở đây là khi chúng ta tôn trọng quyền tài sản, quyền sở hữu nhà ở của người dân thì chúng ta lại vướng phải hợp đồng giao dịch dân sự tự nguyện giữa doanh nghiệp, người dân và các tổ chức tín dụng. Điều này dẫn tới việc xử lý tài sản đảm bảo của chúng ta gặp nhiều khó khăn.

Hiện, Quốc hội và Chính phủ đang thảo luận để Luật Đấu giá tài sản được ban hành và thông qua trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Như vậy, đó sẽ là một công cụ nữa để cùng với Nghị định 53 của Chính phủ về thành lập tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết, mua bán nợ. Mặt khác, trong chương trình xây dựng luật của Chính phủ trong quý IV.2016, Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành liên quan phải thống kê lại những vướng mắc, thủ tục cần tháo gỡ để có thể khơi thông luồn tín dụng đang nằm đọng trong số tài sản xấu.

Thưa ông, tại thời điểm và bối cảnh này, đâu là phương án tối ưu nhất để xử lý số nợ xấu còn lại?

-Vấn đề này bắt đầu nảy sinh từ năm 2015 chứ không phải là vấn đề mới. Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta không thể đòi hỏi sửa toàn bộ những các bộ luật đã ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thương mại... Nếu chúng ta coi đây là những hợp đồng kinh tế dân sự giữa những nhà đầu tư vay tiền của các ngân hàng thì theo đúng nguyên tắc cuả kinh tế thị trường, những nhà đầu tư đó phải phá sản. Phương án giải quyết tốt nhất là họ phải phá sản.

Song ở đây, chúng ta mong muốn hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện phát triển. Vậy nên, chúng ta mới đưa toàn bộ nợ xấu của họ sang VAMC, rồi căn cứ vào tình hình cụ thể của từng khoản nợ để có cách giải quyết phù hợp bởi nó còn liên quan tới quyền tài sản của doanh nghiệp và quyền tài sản của công dân.

Nhưng trên nguyên tắc, chúng ta vẫn tôn trọng quyền tự do giao kết hợp đồng giữa hai doanh nghiệp với nhau. Trong đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Không nên đặt toàn bộ trách nhiệm giải quyết nợ xấu lên vai ngân hàng. Chúng ta cần đặt câu hỏi ngược lại là: “Những doanh nghiệp để phát sinh nợ xấu, cụ thể ở đây là những doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản trong giai đoạn bong bóng đã phải chịu trách nhiệm chưa?”.

Thực tế, VAMC vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo do không phải chủ sở hữu của tài sản đó. Đâu là “liều thuốc” căn cơ, thưa ông?

-Trường hợp này chỉ xảy ra đối với tài sản là bất động sản chứ không xảy ra với các loại tài sản khác như nhà máy, ôtô... Đối với nhà ở, cần phân biệt rõ giữa quy định trong Hiến pháp rằng đất đai là tài sản toàn dân với tài sản trên đất, gắn liền với đất.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư bất động sản đang lập lờ trong chuyện này. Họ định giá quyền sử dụng đất cao hơn giá trị thực tế để có thể vay vốn từ ngân hàng. Tới bây giờ, khi chúng ta làm rạch ròi mọi thứ, các nhà đầu tư bất động sản không thể bán đất, bán nhà khi chưa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì lại nảy sinh một vấn đề là họ - các nhà đầu tư bất động sản đã “ốm” rồi, “viện phí” còn chưa trả nhưng lại mắc thêm “bệnh” mới. Liệu có nên bắt họ trả “viện phí” rồi mới “điều trị” tiếp hay không?  Cần phải đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của ngân hàng, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, ông đánh giá giữa hai phương án mua lại NHTM với giá 0 đồng và cho họ phá sản, đâu là phương án phù hợp?

-Việc lựa chọn bất kỳ phương án nào cũng đều phụ thuộc vào tình trạng của mỗi ngân hàng và bối cảnh chung của nền kinh tế trong thời điểm đó. Năm 2015, phương án mua lại một số NHTM với giá 0 đồng là chính xác. Nó đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tiền tệ, với một chi phí chấp nhận được.

Song ở thời điểm này, chưa chắc chúng ta đã chọn phương án mua 0 đồng. Ví dụ, chúng ta từng mua Ocean Bank với giá 0 đồng bởi có rất nhiều tài sản của các cơ quan, tổ chức gửi ở đó. Ngoài ra, Ocean Bank còn sở hữu một hệ thống doanh nghiệp của Tập đoàn Ocean đứng phía sau. Chúng ta có thể yêu cầu các nhà đầu tư trong Ocean Bank phải chịu trách nhiệm về các quyết định của họ. Tới thời điểm hiện tại, vấn đề của Ocean Bank cơ bản đã được xử lý xong.

Còn đối với Ngân hàng Xây dựng, vấn đề nằm ở sợi dây liên kết giữa Ocean Bank, Ngân hàng Xây dựng và một loạt dự án bất động sản khác. Đã từng có thời gian, chúng ta đã cho quyền sử dụng đất như một tài sản có thể đem đi thế chấp, thậm chí góp vốn liên doanh với nước ngoài. Liên quan tới vụ việc tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam mà điển hình là ông Phạm Công Danh và các chủ đất đã cố tình nâng giá đất nông nghiệp lên để trở thành đất ở để có thể rút tiền vay từ ngân hàng, trong khi bản thân họ chưa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Trong trường hợp này, chúng ta phải yêu cầu những người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu như muốn chuyển ra phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước. Bên cạnh đó, còn cần tạo cơ hội để họ tự khắc phục những khuyết điểm của mình. Nếu họ không khắc phục được, việc xử lý mạnh tay là đương nhiên.

Xin cảm ơn ông!

Liên quan tới phương án cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, rõ ràng, hiện nay chúng ta không cấm họ tham gia vào quá trình này. Nhưng những nhà đầu tư nước ngoài, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tại thị trường Việt Nam, việc họ đưa ra quyết định có tham gia hay không lại là một câu chuyện khác. Luật Đầu tư cũng đã cho phép các pháp nhân, thể nhân (kể cả nước ngoài) mua tới 30% vốn của ngân hàng”.

TS Nguyễn Đức Kiên

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem