Thống đốc chỉ đạo "nóng" về lộ trình thông báo nới room tín dụng cho các ngân hàng

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 26/08/2022 16:16 PM (GMT+7)
Chậm nhất là đầu tuần sau thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bình luận 0

Đó là yêu cầu được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31).

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Các NHTM phản ánh khó khăn, vướng mắc phải cụ thể, chi tiết

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31, nhận được sự quan tâm rất lớn của rất nhiều cấp lãnh đạo và cũng nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Qua kết quả khảo sát nhanh của Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế thế trên cơ sở 37/44 tổ chức tín dụng, số dư nợ của các khoản vay có ký hợp đồng và giải ngân từ 1/1/ 2022 đến nay và các khoản này sẽ tính lãi đến hạn từ ngày 24/05 cho đến hết năm 2023 khoảng 800.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để tổ chức tín dụng và doanh nghiệp xác định được trong số 800.000 tỷ đồng, bao nhiêu thuộc đối tượng hỗ trợ, bao nhiêu là không có giấy phép kinh doanh, bao nhiêu còn băn khoăn về những đánh giá liên quan đến khả năng hoàn thành khoản vay cũng như khả năng phục hồi... hỏi đòi hỏi phải có những tháo gỡ khó khăn, khắc phục.

Thống đốc chỉ đạo "nóng" về lộ trình thông báo nới room tín dụng cho các ngân hàng - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: SBV)

Thống đốc cũng cho biết, thông qua các phản ánh của các NHTM, NHNN nhận thấy có những điểm đã rất rõ ràng nhưng cũng có điểm cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp cùng nhau giải quyết trên tinh thần sẵn sàng phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định 31 để trong thời gian tới, tháo gỡ khó khăn, hoàn thành triển khai gói hỗ trợ lãi suất này.

Để triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ có kết quả trong thời gian tới, Thống đốc đề nghị các ngân hàng thương mại, phải phối hợp với khách hàng rà soát ngay các khoản vay đã ký kết hợp đồng và đã giải ngân từ 1/1/2022 đến nay. Bởi theo Nghị định 31 tất cả các khoản vay đã ký hợp đồng từ 1/1 đến nay nếu thuộc đối tượng đủ điều kiện thì sẽ được hỗ trợ. Vì vậy, việc này phải làm rất sớm.

"Các tổ chức tín dụng cần phải có số liệu để NHNN tổng hợp cùng với các bộ, ngành về kết quả thực hiện mới khi Chính phủ cũng như các cơ quan kiểm toán đưa vào trong báo cáo để trình bày trước Quốc hội. Đặc biệt các ngân hàng phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp các doanh nghiệp đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hưởng hỗ trợ lãi suất", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Thứ hai, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các tổ chức tín dụng cần phổ biến đầy đủ các nội dung, công việc phải triển khai đến với từng chi nhánh, từng phòng giao dịch trong hệ thống và xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Ba là, các ngân hàng thương mại chủ động xác định khó khăn, vướng mắc. Nếu trong điều kiện có thể giải quyết theo thẩm quyền, tùy thuộc vào từng ngân hàng thương mại thì có thể giải quyết luôn. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo với các đơn vị chức năng của NHNN để NHNN phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành liên quan có hướng tháo gỡ.

Đặc biệt là các NHTM phản ánh khó khăn, vướng mắc thì không phản ánh chung chung mà phải cụ thể, chi tiết để NHNN tổng hợp, phối hợp đưa ý kiến đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác để tháo gỡ - theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Bốn là, các tổ chức tín dụng cũng tăng cường truyền thông chính sách lên các kênh thông tin đại chúng để truyền thông đến với khách hàng, phải giải thích rất rõ cụ thể và tận tâm đến với khách hàng.

Doanh nghiệp nào tiếp cận được hoặc không tiếp cận phải có lý do rất rõ ràng

Đối với chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố - "cánh tay" nối dài của Thống đốc và NHTW để triển khai, chỉ đạo đến các địa phương phải theo dõi, giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này; chủ động hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn phát sinh tại địa bàn và kịp thời phản ánh đến NHNN những vấn đề vượt thẩm quyền. Các chi nhánh NHNN cũng cần chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng là các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương tổ chức hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại các địa bàn. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị tổ chức các buổi chuyên đề về để triển khai gói hỗ trợ lãi suất này.

Các doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng gói hỗ trợ lãi suất này cũng tham gia - theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. 

Theo đó, doanh nghiệp nào tiếp cận được hoặc không tiếp cận phải có lý do rất rõ ràng, các tổ chức tín dụng cũng phải giải thích rất rõ ràng. Nếu còn băn khoăn, thắc mắc thì tổng hợp để cùng tháo gỡ để minh bạch, công khai.

Đồng thời, chủ động truyền thông tại địa phương để đảm bảo doanh nghiệp, hộ kinh doanh… tại địa phương nắm rõ từ khung pháp lý của Nghị định 31 và Thông tư 03 của NHNN.

Đặc biệt Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành cũng phải phối hợp với các đơn vị chức năng của NHNN cũng như các đơn vị chức năng của các bộ ngành tại mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước thành lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân, các cơ quan phản ánh những vướng mắc phát sinh và xử lý nghiêm các trường hợp không triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ.

Thống đốc chỉ đạo "nóng" về lộ trình thông báo nới room tín dụng cho các ngân hàng - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: SBV)

Chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh

Đối với các đơn vị thuộc NHNN trung ương, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ trong nước và quốc tế; chủ động tham mưu điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ cũng như đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đây là điều kiện rất quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bởi doanh nghiệp và hợp tác xã đang khó khăn về dịch Covid-19 nhưng nếu có bất ổn về kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu chậm nhất là đầu tuần sau thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thống đốc đề nghị các vụ, cục chức năng, trong đó có Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẩn trương xây dựng nội dung chương trình cho các chi nhánh NHNN các tỉnh thành phố triển khai tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp; xây dựng chương trình công tác của ban lãnh đạo NHNN để phân công, trực tiếp tham gia chỉ đạo và tham dự một số số hội nghị tại địa phương.

Xây dựng chương trình khảo sát, giám sát và kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất, nắm bắt những khó khăn trong thực tiễn từ Hiệp hội ngân hàng và các cấp, các ngành theo đúng tinh thần của Phó thủ tướng đã đặt ra trong tháng 8 vừa qua.

Song song với đó các bộ, ngành phối hợp cùng với NHNN có những tham mưu đề xuất để xử lý những khó khăn, vướng mắc. Các đơn vị thuộc NHNN cũng phải phối hợp với các các đơn vị của các bộ, ngành để có hướng dẫn, giải đáp kịp thời trong phạm vi thẩm quyền nếu như vượt thẩm quyền không thể triển khai thì báo cáo Thống đốc để đề xuất Chính phủ báo cáo lên Quốc hội.

NHTW cũng phải lập đường dây nóng cùng với đường dây nóng của chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố để kịp thời khi tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đối với các Bộ ngành.

NHNN cũng đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thời gian vừa qua và mong rằng các Bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN để triển khai nghị định. Đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đầu tiên liên quan đến đối tượng hưởng gói hỗ trợ lãi suất, hồ sơ thủ tục để các ngân hàng tự tin khi quyết định cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đảm bảo quá trình thanh tra, kiểm tra sau này không có những vướng mắc phát sinh và cũng mong các đồng chí tích cực tham gia cùng đoàn khảo sát, giám sát, kiểm tra của NHNN để là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ này.

Cuối cùng là công tác truyền thông. Thông qua tổng hợp ý kiến từ các NHTM, có thể thấy được công tác truyền thông cần đặc biệt quan tâm hơn nữa và cần có sự vào cuộc từ tất cả các đơn vị của NHNN, các Bộ, ngành, các chi nhánh NHNN ở các tỉnh, thành, các tổ chức tín dụng, các ngành hàng để làm rõ ý cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh người dân nắm rõ điều kiện, đối tượng tiếp cận gói hỗ trợ này.

Triển khai truyền thông chính sách liên quan đến hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cũng là truyền thông để mỗi vướng mắc của đơn vị này được truyền tải đến tất cả tất cả các đơn vị khác và truyền thông dưới nhiều hình thức. NHNN giao nhiệm vụ này cho Vụ truyền thông phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành và đề nghị các cơ quan truyền thông báo chí sẽ truyền thông trên tinh thần như vậy.

"Tới đây NHNN sẽ có văn bản đề nghị các địa phương cùng đồng hành, hỗ trợ, vì hơn ai hết các doanh nghiệp tại địa phương cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa. Việc đồng hành hỗ trợ của các địa phương sẽ có thể thúc đẩy giải quyết được những khó khăn của gói hỗ trợ này", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh thêm

Ý kiến của các Bộ, ngành

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Khi xây dựng chính sách hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ Tài chính để nghiên cứu, rà soát và đánh giá tác động của chính sách. Để quy định ra 8 ngành như trong Nghị quyết 31, đã có sự tính toán kĩ lưỡng và đầy đủ. Chính sách hỗ trợ phải có trọng tâm trọng điểm, có mục đích.

Đối với các kiến nghị của NHTM về mở động đối tượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các NHTM gửi ý kiến lên NHNN, NHNN tổng hợp và gửi cho Bộ. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu và giải đáp. Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng thu hưởng sang những ngành khác, cần phải đánh giá kỹ lượng các đối tượng này và cân đối nguồn lực của Nhà nước khi nguồn lực Nhà nước đang có hạn. Một số vấn đề đánh giá một số tiêu chí mang tính định tính như có khả năng trả nợ, khả năng phục hồi,... vấn đề này Bộ sẽ phối hợp NHNN xem xét xem có khả năng phục hồi và sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Nguyễn Hoàng Dương, Vụ Phó Vụ Tài chính – ngân hàng

Nội dung về bố trí nguồn và quy trình thủ tục quyết toán hồ sơ đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm phát luật. BTC đề nghị các NHTM triển khai phải lưu ý.

Về nguồn vốn thực hiện chương trình này cơ bản được bố trí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì cùng phối hợp với NHNN, chính thức trình Quốc hội thông báo cụ thể sau đó Chính phủ triển khai và Bộ Tài chính cam kết khi nguồn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công, Bộ Tài chính sẽ thực hiện cấp kinh phí theo đúng quy định và kịp thời cho các NHTM có nguồn lực triển khai chương trình này. NHTM không lo không có nguồn.

Khâu quyết toán là quan trọng, các NHTM quan ngại, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có giải đáp thống nhất. Nếu không thống nhất, mỗi người hiểu cách khác nhau, kiểm toán thực hiện và Bộ Tài chính là đơn vị kiểm tra cuối cùng để chi ngân sách cũng gặp khó khăn.

Tôi đề nghị rằng, ngay từ đầu chúng ta phải thực hiện rõ ràng, hồ sơ giấy tờ thủ tục đầy đủ để khi quyết toán chỉ cộng trừ con số thôi.

Đại diện Thanh tra Chính phủ

Trong quá trình triển khai thực hiện sau này, kể cả công tác thanh tra, kiểm tra kiểm toán, chúng tôi chủ yếu bám sát trên cơ sở các quy định, vì vậy quy định càng rõ bao nhiêu các thống nhất bao nhiêu thuận lợi cho quá trình triển khai bấy nhiêu. Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan nghiên cứu xem xét thêm các kiến nghị của các NHTM.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN)

KTNN có 2 ý kiến. Với nội dung trong Nghị định hướng dẫn khiến các NHTM e ngại, theo KTNN, NHNN cần có phối hợp các Bộ ngành có quy định cụ thể hơn làm sao có định lượng trong quá trình thực hiện. KTNN cũng chỉ căn cứ các tiêu chí đã được xây dựng lên, căn cứ vào chuẩn mực quy định của KTNN để kiểm toán. KTNN không thể tự xây dựng các chỉ tiêu hay định lượng được.

Hai là, với những nội dung qua 7 tháng thực hiện thấy không thể thực hiện được, không xử lý được nên báo cáo các cấp có thẩm quyền. KTNN sẵn sàng tổng hợp ý kiến của các NHTN về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.

Thời gian vừa qua, KTNN chưa tổ chức kiểm toán chương trình hỗ trợ lãi suất 2% được vì trên thực tế chưa triển khai được nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có công văn đề nghị NHNN, NHTM báo cáo với KTNN để KTNN kịp thời báo cáo với Quốc hội vào cuối năm 2022 như quy định tại Nghị quyết 43.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem