Thống đốc Lê Minh Hưng đề xuất dùng ngân sách tăng vốn cho 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh

Huyền Anh Thứ hai, ngày 21/10/2019 06:05 AM (GMT+7)
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu những khó khăn trong việc tăng vốn cho 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV) và đề xuất dùng ngân sách để tăng vốn nhằm giải quyết những khó khăn của các ngân hàng này trong bối cảnh mới.
Bình luận 0

Đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở các giải pháp quy định tại Đề án 1058 và thực trạng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo quyết liệt các TCTD hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

Dùng ngân sách tăng vốn cho các NHTM Nhà nước

Đến nay, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Tính đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017.

Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.

Tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,81 triệu tỷ đồng tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.

img

Các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD. Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 04 NHTM Nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.

Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng của các NHTM Nhà nước đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank.

Riêng với Agribank, NHNN tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank.

Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTMNN là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.

Từ thực tế hiện nay, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp và tham gia hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến phương án tăng vốn của các NHTM Nhà nước và cổ phần hóa Agribank.

img

Đối với các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DongABank), NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại OceanBank. Còn với Ngân hàng Xây dựng, NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Việc triển khai cơ cấu lại 03 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư”, báo cáo đề cập.

Nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 tăng nhanh

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 xuống còn 1,98%. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến tháng 8/2019 ở mức 4,84%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% cuối năm 2018.

img

Theo NHNN, nợ xấu đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính.

Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản đảm bảo của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Riêng với cơ chế xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42, theo NHNN vẫn còn những khó khăn vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ. Đơn cử như số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn hạn chế; Việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu hay không còn phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng do chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 42.

Về cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản đảm bảo: Hiện Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết.

Đồng thời, chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định, để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42.

Cũng liên quan đến vấn đề nợ xấu, tại báo cáo của NHNN gửi Quốc hội lần này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã thông tin về tình hình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ.

img

Theo đó, cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay đạt 10.270 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến việc ngư dân không trả được nợ vay thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Theo báo cáo của 4 NHTMNN, hiện có 39 trường hợp đang khởi kiện chủ tàu ra tòa đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ì, không trả nợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem