Thống đốc Lê Minh Hưng “kích hoạt” tái cơ cấu ngân hàng

Trần Giang Thứ ba, ngày 21/06/2016 05:51 AM (GMT+7)
Với một vài động thái như trở thành cổ đông lớn của PVcomBank, cho phép SCB bán 50% cổ phần cho đối tác nước ngoài, sắp xếp lại nhân sự ở một vài ngân hàng thuộc diện bị kiểm soát…hệ thống NH dưới thời Thống đốc Lê Minh Hưng đã được kích hoạt.
Bình luận 0

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc về việc được nâng room lên trên 50% cho đối tác nước ngoài thông qua phương án phát hành hơn 170 triệu cổ phiếu riêng lẻ.

Mở cửa cho vốn ngoại

Đây là trường hợp đầu tiên được NHNN cho phép tìm kiếm đối tác nước ngoài với tỷ lệ sở hữu cao như vậy. Hiện room chính thức của ngành ngân hàng là 30% và việc nới room lên trên 50% là trường hợp ít thấy, là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu nhằm tăng thêm vốn cho ngân hàng.

Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được kích hoạt lại

Theo đó, năm 2016, SCB tiếp tục tái cơ cấu hoạt động với các mục tiêu như tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng, tăng vốn cấp 2 với 3.000 tỷ đồng; tập trung xử lý nợ xấu bằng việc bán nợ cho VAMC, giảm tỷ trọng cho vay liên quan đến dự án bất động sản, phát triển tín dụng bán lẻ; tăng tỷ trọng tiền gửi của khách hàng và của tổ chức kinh tế, giảm dần giá vốn đầu vào…

SCB là ngân hàng đầu tiên thuộc diện buộc phải tái cơ cấu hồi cuối năm 2011. Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Bình là Thống đốc NHNN đã cấp về việc thành lập và hoạt động SCB trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: SCB, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). SCB chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01.01.2012.

Vào thời điểm hợp nhất, SCB đã bị mất thanh khoản với các khoản vay liên ngân hàng không chi trả được; các tỷ lệ an toàn hoạt động như CAR, tỷ lệ thanh toán trong vòng 7 ngày kế tiếp, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đều không đạt mức quy định; tỷ lệ nợ xấu của cả 3 ngân hàng là 7,25% và tỷ lệ nợ quá hạn là 12,8%; đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đến ngày đáo hạn không thu hồi được nợ gốc và lãi; các khoản đặt cọc đầu tư chứng khoán khó có khả năng thu hồi; tài sản đảm bảo (BĐS và cổ phiếu của chính doanh nghiệp vay nợ) có giá trị thấp.

Tổng giá trị âm trạng thái vàng của 3 ngân hàng là 311.018 lượng vàng vào cuối năm 2011. Theo NHNN, trong năm 2011 SCB đã bán hết lượng vàng huy động để có tiền đồng giải quyết thanh khoản, dẫn tới âm trạng thái lớn về vàng.

Sau 4 năm tái cơ cấu, mặc dù đã có cải thiện nhưng hoạt động vẫn chưa thật sự hiệu quả. Năm 2015, lãi sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng, giảm 11%; dự phòng rủi ro cho vay là 1.233 tỷ đồng, tăng gần 70%. Tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ là 1,66% và tỷ lệ nợ xấu là 0,34%. SCB đã bán nợ xấu cho VAMC lên tới 17.764 tỷ đồng. Với kết quả này, SCB vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu trong năm 2016.

Tham gia trực tiếp vào từng ngân hàng

Một trường hợp khác là PVcomBank. Với vốn điều lệ là 9.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2015 chỉ đạt 70,6 tỷ đồng, giảm 56% so với năm ngoái; tổng tài sản cũng ghi nhận sụt giảm 9% so với đầu năm, xuống còn 98.605 tỷ đồng… Với kết quả đó, PVcomBank sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu trong giai đoạn tới. Đề án tái cơ cấu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và NHNN phê duyệt. Một trong những nội dung cần làm, đó là NHNN sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank.

Một trường hợp nữa mà thị trường đang rất chờ đợi, đó là Sacombank. Ngân hàng này cho biết sẽ hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sang tháng 6 do đang chờ hướng dẫn và phê duyệt Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập của NHNN. Tuy nhiên, đến nay, gần hết tháng 6 ngân hàng này vẫn chưa có thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ.

Thị trường đang ngóng thông tin tái cơ cấu của Sacombank

Sự bi đát của Sacombank được bắt đầu sau cuộc thâu tóm thành công của ông Trầm Bê và cuộc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank. Trong giai đoạn 2011-2014, Sacombank là một trong những ngân hàng có kết quả hoạt động kinh doanh khá tốt. Bất ngờ vào quý IV.2015, Sacombank báo lỗ hơn 580 tỷ đồng do trích lập dự phòng rủi ro tăng đột biến gấp hơn 6 lần.

Sự bi đát tiếp tục kéo sang quý I.2016, với lợi nhuận sau thuế của Sacombank chỉ khoảng 160 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên gần 2,3%, so với mức 1,85% hồi đầu năm.

Câu chuyện tái cơ cấu của Sacombank còn là vấn đề nhân sự. Sự thoái lui hoàn toàn của ông Trầm Bê cũng như thay gần hết thành viên HĐQT tại ĐHĐCĐ sắp tới cho thấy cuộc đại phẫu nhân sự tại ngân hàng này. Với cổ phần chi phối tại Sacombank, NHNN rất có thể sẽ điều động nhân sự tham gia điều hành ngân hàng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem