Thông tin mới nhất về sức khỏe lễ tân khách sạn và 4 chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19

Thứ năm, ngày 29/04/2021 06:43 AM (GMT+7)
Đoàn chuyên gia gồm 11 người Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam cách ly tại Yên Bái đã ghi nhận 4 người mắc COVID-19, ngoài ra có 1 nhân viên lễ tân khách sạn nơi cách ly bị lây nhiễm. 7 chuyên gia còn lại và 1 cán bộ y tế người Việt Nam đang được cách ly nghiêm ngặt.
Bình luận 0

Các bệnh nhận COVID-19 sức khỏe ổn định

Ngày 28/4, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19. (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết về tình hình sức khỏe của 4 bệnh nhân là chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19 và 1 người Việt Nam là lễ tân khách sạn tại Yên Bái lây nhiễm COVID-19 từ các chuyên gia này.

Theo đó, 4 bệnh nhân là chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn này đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Sức khoẻ ổn định, biểu hiện lâm sàng chưa thấy rõ sự khác biệt so với các bệnh nhân COVID-19 thông thường khác.

Các bệnh nhân có sốt cao 38,5 độ C, đến ngày thứ 4 đã ổn định sức khỏe. Các bác sĩ tại đây đang theo dõi sát đề phòng các diễn biến bất thường. Hình ảnh chụp Xquang phổi cho thấy có bệnh nhân có tổn thương kính mờ tuy nhiên chưa có bệnh nhân nào phải thở máy hay thở oxy.

Theo ông Kính, đóng góp của vắc xin trong phòng chống COVID-19 là điều được khẳng định. Tuy nhiên hiện nguồn cung vắc xin vẫn thiếu và chúng ta chưa tiêm trên diện rộng được. Việt Nam có 100 triệu dân, mới chỉ có 260.000 người tiêm mũi ban đầu (theo khuyến cáo mỗi người phải tiêm đủ 2 mũi).

Ông Kính khuyến cáo, chiến lược 5K + vắc xin vẫn phải duy trì. Trong đó, đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người là điều rất quan trọng. Lý do bởi virus SARS-CoV-2 được khẳng định lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc. Virus SARS-CoV-2 cũng có khả năng lây truyền qua đường khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín.

5 đối tượng được xem xét đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa có công văn hoả tốc về việc tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý đối với các trường hợp đề nghị nhập cảnh Việt Nam để phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn này ban hành kèm theo hướng dẫn quản lý các trường hợp đề nghị nhập cảnh Việt Nam đề phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có quy định 5 đối tượng được xem xét đề nghị nhập cảnh.

Theo công văn hoả tốc này, Bộ Y tế đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc xem xét phê duyệt các đối tượng xin nhập cảnh, trong đó chú ý việc xác nhận, xác thực đối tượng nhập cảnh của các doanh nghiệp phải bảo đảm đúng đối tượng ưu tiên đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia chỉ đạo.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên và các trường hợp nhập cảnh trái phép.

5 đối tượng được xem xét đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam, gồm: (1) Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý kinh doanh, lao động kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên gia) và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con); (2) Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con); học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam; (3) Công dân Việt Nam: doanh nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài, người ra nước ngoài khám, chữa bệnh, người hết hạn visa; (4) Các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo và (5) Các trường hợp đặc biệt khác.

Hướng dẫn này cũng đề ra các yêu cầu đối với việc quản lý người xin nhập cảnh. Cụ thể, việc tổ chức đưa công dân Việt Nam về nước, người nước ngoài xin nhập cảnh phải đúng theo lộ trình kế hoạch được duyệt, phù hợp năng lực cách ly y tế và phòng chống dịch COVID-19; bảo đảm chặt chẽ, an toàn, công khai, minh bạch, tránh trục lợi.

Ngoài ra, các trường hợp được xem xét nhập cảnh phải phù hợp với đối tượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19; trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo, các trường hợp đặc biệt khác phải có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia.

Cũng theo Bộ Y tế, các tổ chức, đơn vị đứng tên đề nghị xin phép người nhập cảnh phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với mục đích đề nghị nhập cảnh cho công dân Việt Nam và phải có đầy đủ chữ ký, dấu đã đăng ký của tổ chức, đơn vị.

Đối với các tổ chức, đơn vị có chức năng kinh doanh đưa đón công dân Việt Nam đứng tên đề nghị tổ chức chuyến bay thương mại (trọn gói) để đưa đón công dân Việt Nam có nhu cầu về nước còn phải có ý kiến đồng thuận bằng văn bản của 5 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công an và có văn bản đồng ý tiếp nhận cách ly người nhập cảnh của UBND thành phố và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đơn vị mới được tổ chức triển khai thực hiện…

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh, tổ chức giám sát chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ khu vực cách ly ra cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng trục lợi và không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có dấu hiệu làm giả hồ sơ tài liệu liên quan đến nội dung này, thông báo ngay cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Quảng An - Lê Vũ (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem