Thông tư giãn thời gian đăng kiểm có hiệu lực: Doanh nghiệp vận tải thở phào, Cục Đăng kiểm thông tin "nóng"

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 22/03/2023 13:45 PM (GMT+7)
Từ ngày 22/3, Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kéo giãn thời gian đăng kiểm chính thức có hiệu lực thi hành.
Bình luận 0

Phù hợp với xu thế thực tiễn

Với quy mô doanh nghiệp 170 đầu xe chuyên phục vụ kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Hoàng Long, Công Ty TNHH TMSX và DV Hoàng Phương tỏ ra hoan hỉ khi biết được thông tin chu kỳ đăng kiểm phương tiện vừa được giãn. "Trước đây, mỗi lần xe đến chu kỳ kiểm định thì doanh nghiệp cần theo dõi chi tiết thời gian hết đăng kiểm và cho xe đi kiểm tra bảo dưỡng. Hoạt động này diễn ra thường xuyên nên tốn rất nhiều chi phí và thời gian", ông Hoàng Trọng Long chia sẻ.

Doanh nghiệp vận tải "giãn cơ mặt" sau khi Thông tư giãn thời gian đăng kiểm có hiệu lực - Ảnh 1.

Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kéo giãn thời gian đăng kiểm chính thức có hiệu lực thi hành từ 22/3.

Cụ thể, từ 0h ngày 22/3/2023, Thông tư số 2/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, thông tư có 2 nội dung đáng chú ý bao gồm: ô tô mới chưa qua sử dụng sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu, và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm và có đủ hồ sơ hợp lệ; được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Đồng thời, điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải; Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; Thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.

Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ: Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; Thời gian sản xuất đến 05 năm thì chu kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 05 năm thì chu kỳ giữ nguyên 06 tháng.

Với nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.

"Dựa trên nội dung mới ban hành, tôi cho rằng sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp tiết kiện về cả thời gian và chi phí. Đối với vai trò người đứng đầu doanh nghiệp vận tải, tôi hoàn toàn ủng hộ thay đổi này. Có thể nói, áp dụng chu kỳ đăng kiểm mới phù hợp với thực tế về chất lượng xe tại Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thế giới", ông Hoàng Trọng Long chia sẻ.

Thêm nguồn lực tái đầu tư

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nhận định, từ năm 2020 chính phủ đã ban hành NĐ10 và năm 2022 tiếp tục ban hành Nghị định 47 về kiểm soát xe hoán cải từ 16 chỗ xuống 9 chỗ, cũng như các loại phương tiện vận tải hành khách đường bộ. Do đó, việc Thông tư số 2 ngày 31/3/2023 tiếp tục sửa đổi Thông tư 16 điều chỉnh các qui định về đăng kiểm, thời hạn đăng kiểm xe cơ giới là điều hết sức cần thiết và kịp thời. Đặc biệt nhằm đồng bộ hóa với khuôn khổ pháp lý quốc tế chung.

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: "Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 22/3, tức là các quy định tại Thông tư sẽ được áp dung cho tất cả các xe ô tô mới và cũ đăng kiểm từ ngày 22/3. Những phương tiện đã được đăng kiểm trước ngày 22/3, thì vẫn giữ nguyên thời hạn đã được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

"Điểm mới của đăng kiểm là miễn đăng kiểm lần đầu 24 tháng rất phù hợp. Bởi đối với xe mới thì hầu hết các hãng sản xuất đã có các quy định kiểm tra, đo lường các tiêu chuẩn kỹ thuật như tính an toàn, tiêu chuẩn khí thải môi trường.. Không những thế, còn được test tính an toàn rất kỹ trước khi đưa ra thị trường. Miễn đăng kiểm là hợp lý", Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nói.

Mặt khác, đối với xe cũ, thay vì thiếu thốn phụ tùng như trước đây, vật tư thay thế nay đã có nhiều thay. Chất lượng sẽ đảm bảo cho các tiêu chuẩn kỹ thuật thời gian dài hơn. Chưa nói là công nghệ phát triển của ngành ô tô phát triển hơn nên việc kéo giãn thời gian kiểm định cũng là rất phù hợp.

Doanh nghiệp vận tải "giãn cơ mặt" sau khi Thông tư giãn thời gian đăng kiểm có hiệu lực - Ảnh 2.

Tiết giảm chi phí đăng kiểm, doanh nghiệp vận tải có thêm nguồn lực tái đầu tư

Lý giải về sự tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng theo thống kê kiểm định, xe hoạt động kinh doanh vận tải chiếm đến 3/4 số phương tiện.

Nếu tính mỗi năm, mỗi xe tiêu tốn là 340.000đ/xe/lần thì tổng chi phí rất lớn. Nên áp dụng theo Thông tư mới sửa đổi, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực rất lớn để tái cơ cấu đầu tư.

Tương tự, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng cũng nêu quan điểm đánh giá cao sự kịp thời của Thông tư mới. Theo đó, thời gian qua, những vấn đề khách quan như dịch bệnh, vật giá.. khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều vấn đề trong đảm bảo nguồn vốn điều hành, tái cơ cấu, đầu tư. Do đó, doanh nghiệp rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước nhanh chóng áp dụng chính sách hỗ trợ. Vì vậy, việc thông tư số 2 sửa đổi về kéo giãn thời gian đăng kiểm phương tiện là một trong những biện pháp hết sức thiết thực được người dân hết sức ủng hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem