img
img

Trong kế hoạch năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,8%, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng cao trong điều kiện thu NSNN năm 2019 vượt rất lớn so với dự toán (9,9% - tương đương 134.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân khiến ước thực hiện thu năm 2020 sụt giảm so với dự toán.

Ngành Tài chính đã phải thừa nhận, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách vô cùng khó khăn bởi 2020 là năm đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cấp, các ngành một mặt phải thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mặt khác phải tăng chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh cộng với an sinh xã hội.

Thay mặt Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2020, Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu ngân sách năm 2020 là khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Con số này được đưa ra trên cơ sở kết quả làm việc với các địa phương tháng 8 - thời điểm bùng phát dịch lần 2 ở Đà Nẵng và một số địa phương.

img

Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, liên tục, đến hết năm 2020, ước thực hiện thu cân đối NSNN năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP, trong đó, thu nội địa cơ bản đạt dự toán; thu từ dầu thô đạt 98,3%; tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng, phần cân đối NSNN đạt 86,2% dự toán.

Có thể nói, trong điều kiện năm 2020 gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91% (thấp hơn nhiều so mục tiêu 6,8%), đồng thời thực hiện gia hạn, hoặc miễn giảm tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí khoảng 128 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, thì hiệu quả thu ngân sách như trên là rất tích cực.

img
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Đánh giá chung năm 2020, việc triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh, nhưng nhờ dư địa tài khóa chúng ta tích lũy được qua 4 năm (2016 - 2019) do thực hiện cơ cấu lại NSNN, quản lý an toàn nợ công theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính NSNN 5 năm (2016 - 2020) nên chúng ta vẫn đảm bảo được yêu cầu chi tiêu cho các nhiệm vụ quan trọng, kể cả các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh, cho quốc phòng an ninh và đảm bảo nguồn cho đầu tư phát triển theo dự toán năm 2020 (dự toán là 470,6 nghìn tỷ đồng, cả các năm trước chuyển sang là khoảng 630 nghìn tỷ đồng) để kích cầu trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn tới đây. Đây có thể coi là điểm sáng của công tác tài chính – NSNN trong giai đoạn 2016-2020.
img

Dịch bệnh Covid-19 phức tạp, thiên tai lũ lụt, dịch bệnh triền miên trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn khiến công tác chi NSNN của Chính phủ khá "đau đầu". Trên cả nước, các địa phương, bộ ngành đã cùng "bảo nhau" chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao chỉ để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng. Cùng với đó là rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Cũng vì cân đối NSNN khó khăn, năm 2020 Quốc hội quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người lao động.

Đến ngày 30/12/2020, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ 12,95 triệu người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngân sách trung ương cũng đã sử dụng gần 12,4/17,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, đầu tư các dự án khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,....

img

Cùng với đó, các địa phương cũng đã chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính và nguồn cải cách tiền lương còn dư của địa phương để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương chi khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, đã xuất cấp 36,57 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm - mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Nhờ chủ động trong điều hành, chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra, với tổng số chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

img
img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Tài chính: Với nỗ lực của ngành Tài chính, số thu năm nay đạt trên 98% dự toán, nợ công hơn 55% GDP, nợ Chính phủ dưới 49,6% GDP, là những con số rất có ý nghĩa. Những con số này làm chúng ta thở phào, qua đó đánh giá thực lực nền kinh tế, quản lý tài chính đúng mức, chặt chẽ, đặc biệt là hỗ trợ tăng trưởng. Chính vì vậy, thiên tai, bão lũ nhiều, nhưng chưa bao giờ để các địa phương quá khó khăn, người dân được bảo đảm đời sống, hàng vạn lượt người trong cách ly được đảm bảo quyền lợi. Không bao giờ Bộ trưởng Bộ Tài chính để Thủ tướng phải khó khăn trong việc giải quyết các khoản chi cần thiết.
img
img

Có thể nói, do công tác thu NSNN khó khăn cộng với những tác động khách quan khiến việc bội chi trở thành một nỗi lo lớn của Chính phủ. Thế nhưng, đến những ngày cuối năm 2020, nhờ thu NSNN khả quan hơn và triệt để tiết kiệm các khoản chi, nên bội chi NSNN ước khoảng 265 nghìn tỷ đồng (tăng 30,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán), tương ứng khoảng 4,2%GDP ước thực hiện, trong phạm vi Quốc hội cho phép điều chỉnh (dưới 4,5%GDP).

Để có được kết quả này, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc, phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước. Theo đó đã thực hiện phát hành 333 nghìn tỷ đồng, với kỳ hạn bình quân là 13,94 năm (tăng 0,5 năm so với năm 2019), lãi suất bình quân là 2,86%/năm (năm 2019 là 4,51%/năm).

img

Nhờ đó, công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, góp phần giảm nợ công.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,9% GDP (năm 2019 là 55%GDP), nợ Chính phủ khoảng 49,7% GDP (năm 2019 là 48%GDP), trong phạm vi giới hạn cho phép.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh; nhưng nhờ dư địa tài khóa tích lũy được từ việc cơ cấu lại NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2019, đồng thời sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, nên cân đối ngân sách năm 2020 kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương cơ bản được đảm bảo.

 

Bài viết: Thùy Linh

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem