Thu hơn 4 tỷ USD một loại hạt dễ "gây nghiện", doanh nghiệp Việt tìm thêm chỗ đứng tại châu Âu

Thiên Hương Thứ năm, ngày 11/05/2023 05:37 AM (GMT+7)
Năm ngoái, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần thế giới, giữ vị trí thứ hai toàn cầu về xuất khẩu cà phê và số một về xuất khẩu cà phê robusta.
Bình luận 0

Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết thị trường trong khối EU đều tăng trưởng cao, nhờ các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ngành cà phê Việt Nam khẳng định vị thế tại EU

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 46% xuất khẩu của toàn ngành, sau đó là Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản. 

Theo Bộ Công Thương, việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào EU sẽ giúp ngành hàng tăng trưởng ổn định và khẳng định chỗ đứng vững trên thị trường thế giới. Ngay từ khi có hiệu lực, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) đã đưa mức thuế đối với nhiều dòng sản phẩm cà phê của Việt Nam về 0%, tạo điều kiện giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU.

Cà phê Việt tìm thêm chỗ đứng tại châu Âu   - Ảnh 1.

Nông dân TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) thu hoạch cà phê Arabica. Ảnh: Tuệ Linh

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá gần 1,23 tỷ USD, tăng 36,3% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với quý IV/2022.

Trong đó, khu vực Bắc Âu là nơi đang có nhu cầu tiêu thụ lượng cà phê bình quân đầu người lớn nhất thế giới. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các nước Bắc Âu đứng đầu thế giới về khối lượng cà phê mỗi người dân tiêu thụ trong 1 năm. 

Trong 6 nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới tính theo đầu người thì có đủ cả các nước Bắc Âu, ngoài khu vực lọt vào duy nhất là Hà Lan đứng thứ 5. Trong đó, Phần Lan là quốc gia có lượng tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới với con số khoảng 26,45 pound, tương đương 12kg/người/năm, gấp 2 lần so với Việt Nam. 

Đứng thứ 2 là người dân Na Uy tiêu thụ khoảng 9,9kg/người/năm, Iceland đứng thứ 3 với mức 9kg/người/năm, Đan Mạch và Thụy Điển đứng thứ 4 và 6, lần lượt tiêu thụ 8,7 và 8,2kg/người/năm.

Cũng như nhiều quốc gia châu Âu, người tiêu dùng ở khu vực Bắc Âu rất quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao và thương mại công bằng, nên các chứng nhận về tích hợp sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển con người như Rainforest Alliance-UTZ, Fairtrade thường đóng vai trò rất quan trọng.

Tại đây, cà phê đen được tiêu thụ nhiều nhất, người dân chủ yếu sử dụng loại hạt cà phê giá thành cao hơn là Arabica và một lượng nhỏ hạt cà phê Robusta. Các quốc gia như Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch được coi là những thị trường quan trọng trong tiêu thụ cà phê đặc sản toàn cầu và là đầu mối nhập khẩu cà phê chất lượng cao trọng tâm của cả khu vực Bắc Âu.

EU đòi hỏi ngày càng khắt khe

Mặc dù có nhu cầu cao về cà phê, song EU cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn, khó hơn về chất lượng. Trong đó, phiên bản quy định mới nhất của EU là yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê. 

Và từ cuối năm 2022, các nhà xuất khẩu cũng phải đảm bảo không lấy cà phê từ nguồn có rừng bị phá hoặc suy thoái mới có thể xuất khẩu cà phê sang EU nói chung cũng như các nước Bắc Âu nói riêng. Đây vừa là thử thách, song cũng là lúc ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng bền vững hơn, ít rủi ro hơn.

Bên cạnh đó, khu vực EU vẫn còn rất nhiều biến động do chiến sự Nga - Ukraine, cùng với đó là lạm phát của các nước trong khu vực vẫn tăng cao. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Âu.

Theo kinh nghiệm của ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu nông sản vào châu Âu, các doanh nghiệp có thể lựa chọn FTA nào có lợi nhất để thỏa mãn xuất xứ hàng hóa, từ đó hưởng ưu đãi thuế quan tốt nhất. 

Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp phải đến tận nơi gặp gỡ khách hàng, tiếp xúc trực tiếp với thị trường, tham gia các hội chợ ngành hàng thì chúng ta mới biết khách hàng muốn gì và xu hướng tiêu dùng sắp tới của thế giới là như thế nào. 

Cũng như thế, Phúc Sinh đã xoay xở khá tốt trước tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nga từng là một thị trường lớn của Phúc Sinh, chiếm khoảng 10% cơ cấu doanh thu (30 triệu USD). Khi xung đột giữa hai nước nổ ra, thay vì đưa các container hàng quay trở lại Việt Nam như nhiều đồng nghiệp khác, Phúc Sinh chuyển tiếp đến cảng Barcelona (Tây Ban Nha) hay Hamburg (Đức) để bán cho các đối tác khác tại châu Âu với giá cao hơn trước đây.

Ông Thông cho biết, từ đầu năm 2022, sau khi Việt Nam và thế giới bắt đầu mở cửa và bình thường trở lại sau dịch Covid-19, thay vì ngồi đợi thêm chút nữa như các doanh nghiệp khác, Phúc Sinh đã ngay lập tức xuất ngoại để đến gặp gỡ đối tác và khách hàng của mình sau vài năm xa cách.

Theo tính toán của doanh nghiệp này, năm 2023, tình hình sẽ khó khăn hơn do nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn của nước ta rơi vào tình trạng lạm phát cao, đối diện suy thoái. 

"Tuy nhiên, thực phẩm vẫn có lợi thế xuất khẩu, trong đó có cà phê do đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cụ thể là từ đầu năm 2023 đến nay, doanh số xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hoa hồi, hạt điều của Phúc Sinh sang châu Âu tăng lên đáng kể. Trong đó, mặt hàng trà Cascara (chế biến từ vỏ cà phê chín) của Phúc Sinh đã được xuất khẩu nhiều sang Italia nhờ tận dụng tốt FTA" - ông Thông tiết lộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem