Thu nhập giảm, chi tiêu tăng, lao động khốn đốn

Thùy Anh Thứ hai, ngày 25/01/2021 06:06 AM (GMT+7)
Sẽ mất nhiều thời gian để nền kinh tế có thể trở về trạng thái trước khi có dịch Covid -19. Đây là lý do khiến thu nhập của nhiều lao động bị giảm sâu, cuộc sống của họ bị đẩy vào tình cảnh cực kỳ khó khăn nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Bình luận 0

"Lấy tiền đâu về quê ăn tết?"

Trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2, gia đình chị Nguyễn Thị Trang (quê Ninh Bình) đang tất bật lo bữa cơm tối. Chị là 1 trong 20 công nhân thuê trọ ở gần khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Kể từ khi có dịch Covid-19, cuộc sống của chị cùng trăm lao động khác trong khu gặp nhiều khó khăn do thu nhập giảm sút nghiêm trọng. Chị Trang tâm sự: "Trước đây, mỗi tháng tôi làm được 10 triệu đồng, chưa kể vợ chồng cũng chịu khó lấy hàng hải sản ở quê lên Hà Nội bán. Mỗi tháng cũng kiếm thêm được 2-3 triệu đồng. Thế nhưng từ ngày có dịch, lương chính ở công ty giảm, buôn bán cũng khó khăn, người mua ít đi. Tổng thu nhập của tôi chỉ còn 5 - 6 triệu. Cả hai vợ chồng cả tháng chưa nổi 15 triệu".

Thu nhập giảm, chi tiêu tăng, lao động khốn đốn - Ảnh 1.

Bữa cơm đạm bạc của công nhân ở xóm trọ Mê Linh, khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: P.V

"Thu nhập của công nhân, lao động tại một số khu công nghiệp giảm từ 7,8 triệu đồng xuống còn 4,7 triệu đồng (giảm 3,1 triệu đồng/tháng). Thu nhập giảm nhưng chi tiêu lại tăng lên. Cụ thể, trước Covid-19, lao động chi tiêu chỉ 7,5 triệu đồng/tháng, nhưng trong giai đoạn giãn cách và sau đó chi tiêu lên tới 9 triệu đồng (tăng lên tới 1,5 triệu đồng/tháng)".

(Khảo sát của Viện Light tại các KCN ở

Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội).

Lương thấp, khiến gia đình chị phải co kéo đủ thứ. Chị phải cắt giảm ăn uống, tiền học hành của con, rồi tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí...

Nhìn mâm cơm đạm bạc, chỉ toàn rau, đậu, lạc và bát thịt băm cho con mà xót xa. Mặc dù đang mang bầu tháng thứ 3 nhưng chị Trang vẫn phải cắt giảm cả sữa, cả tiền ăn vì khó khăn.

Chị Trang cho biết, trước đây mỗi ngày chị chi 100.000 đồng cho tiền ăn, nhưng giờ giảm còn 70.000 đồng. Trước đây con chị học trường 3 triệu đồng/tháng thì nay chị xin cho con vào nhóm trẻ chỉ nhờ người trông với mức phí 2 triệu đồng/tháng. Ngay cả căn hộ thuê rộng 25m2 trước đây cũng phải trả để chuyển sang thuê căn hộ chưa đầy 20m2.

"Nhìn chung vợ chồng tôi đã phải tiết kiệm đủ đường rồi, thế nhưng vẫn khó khăn. Giờ làm không đủ ăn, mà chi tiêu lại tốn kém hơn trước nhiều, bao nhiêu tích lũy cũng tiêu bằng sạch. Cứ thế này không biết tới tết lấy tiền đâu mà về quê, lấy tiền đâu mà lo tết" - chị Trang ngậm ngùi.

Thu nhập giảm, chi tiêu tăng, lao động khốn đốn - Ảnh 3.

img

Tăng việc làm mới tăng thu nhập

"Trong bối cảnh cả thế giới bị tác động bởi dịch Covid-19, tình trạng lao động bị giãn việc, mất việc xảy ra khắp nơi. Không có việc làm cũng đồng nghĩa với việc không có thu nhập, hoặc thu nhập bị cắt giảm mạnh. Điều này khiến cho lao động lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

Để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động chỉ có cách tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chính phủ cần thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài chính sách vốn, tín dụng, cần tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian tạm hoãn đóng BHXH...".

Ông Phạm Minh Huân -

nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

img

Thu nhập giảm do không tăng ca

"Xác định khi có dịch thì DN gặp khó khăn, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Những DN khó khăn, họ vẫn duy trì đơn giá tiền lương, nhưng cắt giảm công việc vì vậy công nhân không tăng ca, thu nhập giảm. Các cấp công đoàn đã cùng thảo luận để tháo gỡ khó khăn, duy trì việc làm, chuyển đổi công việc nghề nghiệp phù hợp với tình hình mới. Công đoàn cũng luôn đồng hành, chăm lo trực tiếp cho người lao động".

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban

Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn

Lao động Việt Nam)

Mặc dù không phải là lao động di cư, nhưng Nguyễn Thị Hà - một công chứng viên tại Văn phòng Luật ở Hà Nội cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cô cho biết, trước đây mỗi tháng, tổng thu nhập của cô khoảng 15 triệu đồng. Thế nhưng từ ngày có dịch, công việc giảm nhiều, không ký được hợp đồng ngoài giờ. Lương cứng cũng giảm chỉ còn 3-4 triệu đồng/tháng. Giờ tổng thu nhập chỉ còn tầm 6-7 triệu. Hai vợ chồng tháng chỉ làm được tầm 13-15 triệu mà phải trả tiền nhà, nuôi hai con ăn học thì rất áp lực. Chị phải vay mượn vòng tròn liên tục.

Thu nhập của công nhân giảm một nửa

Mới đây, Viện Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (Light) đã công bố một nghiên cứu về tác động của dịch Covid-19 tới người lao động di cư.

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Light kiêm Trưởng ban điều hành mạng lưới M.net cho biết, các kết quả nghiên cứu của mạng lưới M.net cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến người lao động di cư với 72% người di cư trong nghiên cứu cho biết đã bị giảm thu nhập từ 50% trở lên.

Hầu hết các doanh nghiệp phải giãn việc, cho người lao động làm việc chỉ còn 3-4 ngày/tuần. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người lao động, do trước đây thu nhập có được là từ lương làm đủ 7 ngày/tuần, lương làm thêm ca, lương chuyên cần. Phần lớn người lao động không nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ do không đủ điều kiện.

Bà Nguyễn Hoàng Yến - cán bộ quản lý chương trình Viện Light thì khẳng định: "Đặc biệt, từ khi có dịch, lao động phải chịu tác động kép. Tức là thu nhập giảm nhưng chi phí phát sinh, sinh hoạt phí lại cao hơn rất nhiều".

Lý giải điều này, bà Yến cho biết, các nghiên cứu đều chỉ ra nguyên nhân là thời gian lao động đi làm ít, thời gian ở nhà nhiều nên chi phí cho ăn uống, điện nước, xe cộ đi lại... cũng nhiều hơn. Nhiều gia đình không có tích lũy, bị lạm phát, lương không đủ sinh hoạt.

Để giải quyết các khó khăn, hỗ trợ lao động, các chuyên gia của viện Light cho rằng địa phương, Liên đoàn lao động và Bộ LĐTBXH cần có giải pháp tổng thể, toàn diện hỗ trợ cho người lao động.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng cho biết, công đoàn khu kinh tế cũng đã có thương lượng với doanh nghiệp theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt, sau khi nắm bắt được có một bộ phận doanh nghiệp cố tình đẩy trách nhiệm hỗ trợ lao động sang cho Chính phủ thì công đoàn đã tiến hành thương lượng tập thể. Ngoài ra công đoàn cũng thương lượng với chủ nhà, với doanh nghiệp hỗ trợ tiền thuê trọ, giảm tiền thuê nhà, tiền điện nước cho lao động.

"Nhờ có thương lượng tập thể mà nhiều lao động gặp khó khăn, mất việc đã được hỗ trợ tiền lương bằng tiền lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng). Với khoản tiền lương này, các lao động cũng vơi bớt khó khăn" - ông Quang nói.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động cho rằng, việc lao động bị giảm thu nhập trong bối cảnh này là chuyện không thể tránh khỏi. Vấn đề là người lao động và doanh nghiệp cùng phải tìm ra tiếng nói chung, cùng chia sẻ khó khăn với nhau. "Doanh nghiệp có khỏe mạnh thì người lao động mới có việc làm, và đời sống công nhân có ổn định thì họ mới yên tâm gắn bó với công ty. Đây là điều chắc chắn. Vì vậy, cần cùng nhau cố gắng"- bà Hương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem