Thu phí tự động không dừng, tài xế cố tình vi phạm bị xử lý như thế nào?

Thế Anh Thứ bảy, ngày 30/07/2022 06:31 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, do mới áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng nên sẽ có những vấn đề trục trặc xảy ra, nếu phản ánh của người dân kịp thời, cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý.
Bình luận 0

Phát sinh lỗi thu phí không dừng đều đã được lường đến

Dịch vụ thu phí tự động không dừng sẽ chính thức triển khai rộng rãi trên toàn quốc từ 1/8 tới. Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm. Đồng thời, thu phí tự động không dừng có thể giúp nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại…

Thu phí tự động không dừng, tài xế cố tình vi phạm bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Ảnh: Nhật Bắc

Đánh giá về hiệu của của thu phí tự động không dừng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Thu phí tự động không dừng đang phát huy hiệu quả, giúp các phương tiện giảm thời gian di chuyển".

"Các tuyến cao tốc sẽ áp dụng hoàn toàn công nghệ thu phí tự động không dừng từ ngày 1/8. Bộ GTVT phấn đấu áp dụng công nghệ này ở tất cả các tuyến đường trên toàn quốc vào thời điểm 1/8", Thứ trưởng Thọ nêu.

Theo Thứ trưởng Thọ, riêng với các tuyến quốc lộ đang đầu tư, nâng cấp theo hình thức BOT, áp dụng thu phí tự động không dừng nhưng vẫn dành một làn hỗn hợp để xử lý một số trường hợp chưa đủ điều kiện. Đến năm 2025, sẽ thực hiện toàn bộ thu phí không dừng ở tất cả các trạm thu phí.

Thứ trưởng Thọ cho rằng: "Quan điểm của Bộ GTVT là sẽ làm những gì tốt nhất cho người dân".

"Những tình huống khi áp dụng thu phí không dừng đều đã được lường đến. Mục tiêu là tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích khi sử dụng dịch vụ và ủng hộ, đồng hành để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này", Thứ trưởng Thọ chia sẻ.

Về những phát sinh, Thứ trưởng Thọ cho hay: "Do chúng ta mới áp dụng hệ thống này nên trong quá trình sử dụng sẽ có những vấn đề trục trặc xảy ra. Nếu phản ánh của người dân kịp thời, chúng tôi sẽ tập trung xử lý".

Cũng theo ông Thọ, đã có rất nhiều trường hợp chủ phương tiện đi vào làn tự động mà không đủ tiền, hoặc không dán thẻ nhưng đi vào làn thu phí tự động, các trạm có phương án phối hợp với người dân để xử lý vừa mang tính nhân văn, vừa tôn trọng nhau, như hướng dẫn làn xe đưa phương tiện đến nơi dán thẻ ngay.

"Những trường hợp xe biển số giả, cố tình vi phạm, chống đối, gây mất trật tự thì chúng tôi có chế tài để xử lý theo pháp luật" Thứ trưởng Thọ nói.

Thu phí tự động không dừng, tài xế cố tình vi phạm bị xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Trạm thu phí Liêm Tuyền đã lắp đặt xong làn thu phí tự động không dừng. Ảnh: TA

Thu phí tự động không dừng khó liên thông tài khoản ngân hàng

Chia sẻ về việc khó khăn trong dán thẻ thu phí tự động không dừng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC Hồ Trọng Vinh cho biết: Đến nay, số lượng thẻ được dán đã tăng lên rất nhiều. VETC và ePass đã phối hợp với nhau để triển khai, hy vọng hoàn thành khoảng 80-90% trong năm 2022".

Về tài khoản thu phí tự động không dừng, ông Vinh thông tin, trên thế giới chưa có đơn vị nào trừ trực tiếp trên tài khoản ngân hàng, bởi vấn đề timeout (thời gian chờ đợi - PV) chỉ đủ 200 mm/giây để mở barrie.

"Từ lúc đọc đầu thẻ cho đến barrie chỉ 18m, không đủ thời gian để truy cập vào hệ thống ngân hàng", ông Vinh giải thích về việc không liên thông tài khoản thu phí với tài khoản ngân hàng.

Theo ông Vinh, tài khoản ngân hàng là tài khoản mật của cá nhân, chủ phương tiện, không đơn vị ngân hàng nào cho phép đơn vị thứ ba truy cập vào hệ thống ngân hàng để lấy tiền của khách hàng. Đây là vấn đề bảo mật của ngân hàng.

VEC và VETC cho phép thanh toán trực tiếp từ ví điện tử, hay kết nối liên thông đến ngân hàng, khách hàng không cần phải quan tâm đến việc nạp tiền.

 "Như hai cái bình thông nhau, tài khoản giao thông hết tiền sẽ được tài khoản ngân hàng tự động đổ tiền sang, bảo đảm sự thuận tiện cho khách hàng", ông Vinh nói.

Lý giải về việc không tích hợp tài khoản giao thông vào tài khoản ngân hàng mà phải nạp tiền ra một tài khoản giao thông riêng biệt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC Bùi Trình phân tích, tốc độ xe qua trạm phải đạt được tối thiểu 3 km/h và khi xe qua trạm, nhận diện của trạm sẽ gửi lên hệ thống tính cước.

"Nếu hệ thống e-banking của các ngân hàng không đủ tốc độ xử lý sẽ dẫn đến việc barrie đóng - mở không đúng thời điểm, gây ra sự cố cho các phương tiện", ông Trình giải thích.

Cũng theo ông Trình, bản chất tài khoản giao thông theo định nghĩa ở Quyết định 19 /2020/QĐ-TTg chỉ là tài khoản giao thông, không phải là ví điện tử, vì thế chủ phương tiện phải nạp tiền vào thẻ giao thông.

Viettel đã có ví điện tử Viettel Pay, Viettel Money, chủ phương tiện hoàn toàn có thể kết nối, liên kết trực tiếp sang Viettel Money để lưu thông qua trạm. Khi không đi đường, số tiền dư trong tài khoản có thể dùng vào các việc khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem