Thủ phủ tôm hùm gượng dậy vào vụ mới
Khó khăn chất chồng thêm lên đôi vai người dân nuôi tôm cá Sông Cầu. Dù hầu hết hộ nuôi lâm vào cảnh trắng tay, nhưng họ vẫn nỗ lực vay mượn để khắc phục, gắng gượng bước vào vụ tôm mới, kỳ vọng trả bớt nợ.
Không đủ cơ sở để hưởng chính sách hỗ trợ
Vẫn với tâm trạng lo buồn nhưng có phần tự tin hơn trước, vợ chồng ông Trần Văn Cơ (52 tuổi, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu) cho biết, ông vừa phải bán đi một lô đất rộng gần 500m² lấy 500 triệu đồng để trả tạm các khoản nợ nóng. Trả được nợ, vơi bớt nỗi lo, vợ chồng ông Cơ bắt đầu khôi phục lại nghề nuôi tôm. Trận lũ sau cơn bão số 12 đã cướp trắng của vợ chồng ông Cơ 1,1 tỷ đồng. Sau hoạn nạn, ông Cơ lặng lẽ chạy vạy vay mượn họ hàng, xóm làng thêm 400 triệu đồng để mua tôm hùm giống, vào vụ mới.
“Ở đây, không nuôi tôm cá thì chẳng biết lấy nghề gì để sống hết. Mong rằng, vụ tôm năm tới trời thương tình đừng hành thiên tai để gia đình tôi có cơ hội vực dậy”, ông Cơ hy vọng. Cạnh nhà ông Cơ, còn có hộ anh Trần Yêm (42 tuổi) và Trần Yên (45 tuổi) và trên 60 hộ khác đều là nạn nhân của trận lũ sau bão số 12. Những ngày sau cơn lũ, người nuôi tôm cá ở Xuân Thành vẫn âm thầm giúp đỡ nhau khắc phục thiệt hại, gượng dậy làm lại từ đầu.
Tại làng tôm hùm Phước Lý, ông Nguyễn Ngọc Cường (60 tuổi) có gần 25 năm đeo đuổi nghề nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài và chịu đựng không biết bao nhiêu ngọt bùi, cay đắng của nghề. “Càng lúc, nghề nuôi tôm ở Sông Cầu càng khó khăn. Không thiệt hại vì thiên tai thì cũng dịch bệnh, ô nhiễm, thị trường…”, ông Cường thở dài.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, bão số 12 kéo theo lũ đã cướp mất gần 90 tỷ đồng của 329 hộ nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài. Nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, giám định thiệt hại thì địa phương xác định, các hộ dân nuôi tôm hùm bị thiệt hại không đủ cơ sở để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Chủ tịch UBND phường Xuân Thành Nguyễn Văn Hùng cho biết, dịch chưa qua, mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân, có hộ bị lũ cuốn chết cả tấn tôm hùm, thiệt hại hàng tỷ đồng.
“Do người dân nuôi tôm hùm tự phát, tự lấn chiếm vùng mặt nước giữa vịnh Xuân Đài nên khi giám định thiệt hại không đủ cơ sở để kiến nghị Trung ương hỗ trợ. Trước mắt, chúng tôi chỉ đề xuất cấp trên tác động phía ngân hàng để có chính sách cho vay thêm, giảm lãi suất để các hộ dân phục dựng lại nghề nuôi tôm, vớt vát nợ nần”, ông Hùng cho biết.
Xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản bền vững
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025. Phú Yên sẽ phát triển nuôi tôm hùm với 2 hình thức nuôi bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ, tập trung vào 2 vùng nuôi là vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, với tổng số 45.000 lồng (khoảng 405.000m³).
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, địa phương đã chỉ đạo Sở NN-PTNT khẩn trương nghiên cứu, thực hiện theo đề án của Bộ NN-PTNT và sớm lập đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Làm sao để quyết tâm xây dựng được ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng về các thiệt hại do bão lũ gây ra cho người nuôi thủy sản ở Sông Cầu, ông Thế cho biết, tỉnh sẽ nghiên cứu để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhất để giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt.
Về phía địa phương, để khắc phục các bất cập, từ năm 2018 thị xã Sông Cầu đã có nghị quyết về phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Lâm Huy Dũng, trong kế hoạch, tháng 10-2021, địa phương sẽ tập trung giải tỏa toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy hải sản không theo phương án sắp xếp đã được phê duyệt trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Trong giai đoạn 2020-2025, địa phương sẽ thực hiện xong phạm vi quy hoạch chỉ cho nuôi trồng thủy sản trên 1.000ha mặt nước (747ha vịnh Xuân Đài; 253ha đầm Cù Mông), đưa nghề nuôi thủy sản Sông Cầu đi vào trật tự.
Tuy vậy, nhiều người lo ngại, việc thiết lập lại trật tự cho thủ phủ tôm hùm Sông Cầu là việc rất khó thực thi và cần có kế hoạch dài hạn. Trong đó, nếu không đảm bảo sinh kế cho hàng ngàn người dân thì không thể đưa nghề nuôi thủy sản địa phương này phát triển bền vững.