Thu thuế trên mạng xã hội còn khó hơn thu thuế taxi Uber, Grab

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ sáu, ngày 24/02/2017 06:30 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học Viện tài chính) khi trao đổi với Dân Việt xung quanh đề xuất thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng xã hội.
Bình luận 0

img

Thu thuế trên mạng xã hội còn khó hơn thu thuế taxi Uber, Grab (ảnh IT)

Thưa ông, mới đây TP. Hồ Chí Minh đã có đề xuất cần thu thuế trên Facebook, zalo, ông có nhận định gì về đề xuất này?

- Tôi cho rằng, việc đánh thuế đối với bán hàng trên Facebook, Zalo nói riêng hay trên mạng xã hội nói chung ở nước ta là cần thiết. Vì đây là hình thức bán hàng mà các quốc gia trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, nó đang trở thành xu thế trong việc mua bán các sản phẩm hàng hóa. Do đó, việc tính thuế cho hình thức kinh doanh qua mạng xã hội là rất cần thiết, nếu không sẽ trở thành sự bất bình đẳng.

Tôi được biết, hiện nay có nhiều địa phương cũng đã từng đề xuất và Tổng cục Thuế cũng đã bước đầu tổ chức nghiên cứu cơ chế, biện pháp để có thể tiến hành thu thuế được từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội.

Theo ông, liệu việc đánh thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng xã hội có khó khăn không, bởi vì mạng xã hội rất phức tạp?

- Chắc chắn là rất khó khăn vì mạng xã hội có hàng triệu trang mạng, làm thế nào để theo dõi, kiểm tra hết được các hoạt động giao dịch mua, bán để buộc họ đóng thuế là không hề đơn giản. Chưa nói tới, mỗi cá nhân, tổ chức cũng sở hữu nhiều trang mạng, nhiều tên khác nhau trên Facebook, Zalo khác nhau.

Mặt khác, đa phần người Việt Nam hiện nay vẫn có thói quen chi tiêu, thanh toán bằng tiền mặt nên khi họ mua bán với nhau trên mạng và trả bằng tiền mặt thì rất khó có cơ sở theo dõi và kiểm soát. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới phát triển, một đứa bé từ khi sinh ra thì đã có một tài khoản, cơ quan thuế  hoàn toàn có thể kết hợp với ngân hàng để đánh thuế mỗi cá nhân khi có tài sản phát sinh trong tài khoản. Tôi ví dụ, một tin giao bán trên mạng xã hội, có khi có tới hàng trăm, hàng nghìn người đăng ký mua sản phẩm đó, thậm chí người hàng xóm của người mua sản phẩm đó thấy hay cũng nhờ mua hộ…rất khó kiểm soát được lượng mua bán trên mạng xã hội.

Theo ông, hình thức đánh thuế kinh doanh trên mạng xã hội có giống như taxi Grab và Uber không?

- Về cơ bản nó cũng có nhiều nét tương đồng nhưng theo tôi nó còn phức tạp hơn vì Grab và Uber còn có đầu mối. Còn đối với kinh doanh trên mạng xã hội thì lại có hàng trăm nghìn, hàng triệu người với doanh thu cũng khác nhau nên sẽ khó kiểm soát hơn rất nhiều.

Theo tôi, cần phải chia ra đánh thuế trước hết là đối với cá nhân có kinh doanh trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter…cứ có kinh doanh là phải kê khai vào đóng thuế. Thứ 2 là, đối với các tổ chức bao gồm trong nước và nước ngoài, bởi hiện tại có những trang kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng đang có lợi nhuận rất khủng mà chúng ta không thu được thuế.

Có những người thắc mắc, trong trường hợp họ bán trên cả cửa hàng và FB thì có phải bị thu thuế 2 lần không?

- Bản chất vấn đề là người kinh doanh phải đăng ký kinh doanh trên cả mạng và đăng ký kinh doanh trên cửa hàng. Nếu có đăng ký thì hoàn toàn có thể tách biệt sản phẩm nào tính thuế trên cửa hàng và trên mạng nên sẽ không có chuyện thu thuế 2 lần. Còn khi anh mua lại của cửa hàng và bán trên mạng xã hội thì chưa cần biết anh có lợi nhuận hay không, về nguyên tắc cứ kinh doanh và có doanh thu là phải kê khai thuế.

img

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vấn đề quan trọng là phải bắt buộc những cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng phải đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, và nộp thuế cho cơ quan thuế và xuất hóa đơn khi bán hàng

Trước những khó khăn của việc kê khai thuế trên mạng xã hội, ông có những giải pháp cụ thể gì?

- Vấn đề quan trọng là phải bắt buộc những cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng phải đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, và nộp thuế cho cơ quan thuế. Ngoài ra, các cá nhân kinh doanh trên mạng cũng phải xuất hóa đơn, nếu không dù có mã số thuế mà vẫn thanh toán bằng tiền mặt sẽ không kiểm soát được. Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức cần phải tự giác, tự kê khai thuế cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ kết hợp với nhà mạng và ngân hàng để kiểm tra, nếu kê khai không đúng thì phải yêu cầu truy thu và phạt thật nặng.

Việc quản lý thuế trên mạng xã hội rất cần có điều kiện là phải kiểm soát được thanh toán. Tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai đề án từ này đến 2020 sẽ chỉ còn 10% dân số thanh toán bằng tiền mặt. Nếu đề án này triển khai được thì cơ quan thuế chắc chắn sẽ phối hợp với ngân hàng để kiểm soát được kinh doanh trên mạng. Ngoài ra, điều quan trọng là cơ quan thuế phải thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất để biết được mức độ tự giác của cá nhân, tổ chức khi tự kê khai thuế tới đâu.

Theo ông, ở nước ta khi nào thì có thể thực hiện được thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội?

- Tôi cho rằng, trong thời gian từ 3- 6 tháng tới, cơ quan thuế cần phải xây dựng được cơ chế cũng như mức thuế suất về đóng thuế đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng. Tất nhiên, có thể vừa làm vừa thí điểm nhưng riêng đối với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài thì cần phải truy thu vì họ đã và đang có nguồn thu rất lớn mà thuế đang bị thất thu. Đặc biệt là đối với các tổ chức kinh doanh lưu trú khách sạn, khu nghỉ dưỡng của nước ngoài đang có nguồn thu rất lớn.

Ông có nhắc tới trường hợp tổ chức nước ngoài, nếu họ đặt máy chủ ở nước ngoài thì cơ quan thuế có thu được thuế không?

- Tất nhiên là phải sự dụng nhiều biện pháp, chỉ cần dựa vào mức chuyển tiền qua biên giới là chúng ta có thể tính được để thu thuế. Nếu không nộp, chúng ta có thể nhờ tới cơ quan thuế của nước sở tại nhờ họ thu hộ vì hiện Việt Nam cũng đã có ký kết hợp tác về thuế với nhiều nước rồi. Trường hợp cố tình không nộp, đã liên quan tới vần đề pháp luật, cần nhờ tới Interpol. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI):

Để đảm bảo cho việc kinh doanh công bằng cần phải đánh thuế đối với hình thức kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, phương thức đánh thuế thì các cơ quan thuế đến nay cũng chưa có phương án khả thi. Về mặt chính sách, Tổng cục Thuế cần nghiên cứu giải pháp cụ thể và triển khai theo thông lệ của thế giới. Hiện các nước trên thế giới họ đã thực hiện hết rồi, việc để các loại hình kinh doanh mới vào Việt Nam mà không truy thu thuế trong suốt thời gian quan cho thấy, năng lực của ngành thuế là có “vấn đề”. Chỉ cần tham khảo và học hỏi các nước khác, xem kinh nghiệm của họ áp dụng vào Việt Nam cho khả thi là xong mà bấy lâu nay vẫn chưa làm được. Từ Uber, Grab hay các loại hình kinh doanh qua mạng ngày càng phát triển…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem