Thu tiền… chữ

Chủ nhật, ngày 12/09/2010 16:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc Trường tư thục PTTH Trần Hưng Đạo (Thừa Thiên - Huế) ra lệnh: Bất cứ học sinh nào không nộp đủ tiền trường (gồm học phí và 12 khoản thu khác) với số tiền 1.355.000-1.520.000 đồng, hạn chót là 12-9-2010, sẽ lập tức bị đuổi học đã khiến không chỉ phụ huynh TP.Huế, mà phụ huynh cả nước bất bình.
Bình luận 0

Ai cũng biết, trường tư thục thì phải tự thu tự chi, nhưng không có luật nào quy định nếu không nộp đủ tiền học trong thời hạn quy định nào đó thì phải bị đuổi học. Ngay ngoài chợ, bán mua sòng phẳng mà nhiều khi người ta còn cho nhau nợ hay trả "gối đầu", nữa là… nhà trường! Nhưng tôi lại không quá ngạc nhiên trước cái tin hết sức phản cảm này.

Vì như lâu nay mọi người đã biết, một khi nền giáo dục theo định hướng XHCN của nước nhà đã "đi trước một bước" tới kinh tế thị trường, tới việc bán, mua, mặc cả, bằng các khoản thu không nộp không xong mà người ta gọi là "xã hội hoá", đưa việc dạy và học ra chợ trời, thì mọi điều đều có thể xảy ra. Nếu mai đây có trường "tự thu tự chi" nào đó bắt và "tra tấn" học sinh vì tội… không nộp kịp tiền học, dù đó là điều phạm pháp, thì có thể người ta sẽ chống chế là do… bức xúc vì không thu được tiền trường và học phí nên đã "hành động quá đà".

Đúng là khi chuyện "thu tiền chữ" này không phải xảy ra ở "hóc bò tó" nào, mà xảy ra ngay tại kinh đô Huế, nơi vốn nổi tiếng bao đời là đất học, thì người ta không khỏi xót xa gấp mấy lần. Ai cũng biết, mặc dù là một thành phố trung tâm du lịch dịch vụ, nhưng ở Huế còn rất nhiều gia đình nghèo. Những gia đình có con bị đuổi học do chưa lo kịp học phí, chẳng phải họ chây ì hay cố tình thách thức nhà trường (cho ăn kẹo họ cũng không dám làm vậy, khi con cái họ theo học ở trường đó) mà cơ sự chỉ vì họ nghèo quá, phải lo một khoản tiền lớn so với khả năng của họ, ngay một lúc, thì họ thật khó xoay xở. Những lời than của phụ huynh Trường PTTH Trần Hưng Đạo có con sắp bị đuổi học vĩnh viễn nghe mà chảy nước mắt!

Đây không nên coi là trường hợp cá biệt, mà phải coi là một "điển hình" dù là điển hình xấu, rất xấu, về chuyện xã hội hoá trong giáo dục theo kiểu "bán chữ, mua bằng", và không chỉ ngành giáo dục Thừa Thiên - Huế phải lập tức vào cuộc, mà Bộ GD&ĐT cũng cần nhanh chóng làm rõ về cái gọi là "xã hội hoá" này, để nhà trường không phải thành… chợ, một kiểu chợ cạn tình, phi đạo lý, phản giáo dục và không được phép tồn tại trong chế độ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem