Thử tìm mẫu số chung cho những dự án ngàn tỷ đắp chiếu

Nguyễn Trung Dân Chủ nhật, ngày 10/04/2016 06:30 AM (GMT+7)
Cần làm rõ yếu tố Trung Quốc trong việc tham gia vào nhiều dự án trọng điểm. Cần làm rõ trách nhiệm của từng người đã xây dựng, tham gia, phê duyệt các đầu tư thất bại này.
Bình luận 0

Ngày nay với các  phương tiện truyền thông, người dân bắt đầu biết, làm quen với các con số ngàn tỷ đồng thất thoát, thua lỗ, hoặc các dự án đắp chiếu, hiệu quả không có hay không sản xuất ra được sản phẩm. Ai cũng biết những con số hàng chục ngàn tỷ bị thất thoát, thua lỗ như Vinashin, Vinalines đã rơi vào im lặng , không có khả năng thu hồi sau khi các giám đốc vào tù.

Có những dự án đã đầu tư đến hơn 5.800 tỷ đồng như Dự án mở rộng Nhà máy luyện cán thép Thái Nguyên đến nay vẫn dở dang sau 10 năm xây dựng, muốn đầu tư tiếp phải có trên dưới 4.000 tỷ nữa mà hiệu quả đã thấy trước là thua lỗ . Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (thuộc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam) đã đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, chỉ giữa năm 2015 đã lỗ đến 1.732 tỷ đồng và từ tháng 9.2015 đến nay, nhà máy đã dừng sản xuất mà theo Tổng giám đốc nhà máy thì đó là cách tiết kiệm nhất để chống thua lỗ kéo dài!

Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi Hà Tĩnh, đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng vốn của các Ngân hàng quốc doanh (chiếm hơn 85%) chưa ra một sản phẩm nào thì đến nay UBND tỉnh Hà Tỉnh chính thức chấm dứt, xoá bỏ thu hồi đất của dự án. Nhưng có dự án gây phản ứng dư luận ngay từ ban đầu nghiên cứu là các dự án Bauxite ở Tây Nguyên. Dự án Tân Rai, vốn ban đầu dự kiến trên dưới 8.000 tỷ thì khi hoàn thành lên đến 687 triệu USD (hơn 14000 tỷ đồng) và đã được dự kiến lỗ trong 3 năm là 460 tỷ đồng; còn Nhân Cơ sẽ lỗ hơn 3.000 tỷ trong 5 năm. 

 Ngược lại thời gian trước, từ 1995 đến năm 2000, Chương trình 1 triệu tấn đường với số vốn bỏ ra hơn 8.200 tỷ đồng (tương đương 750 triệu USD) xây dựng ồ ạt 44 nhà máy đường ở 29 tỉnh , thành phố, đã để lại số nợ khó đòi không có khả năng thanh toán là 7.158.863 triệu đồng. Những năm 90 cuối thế kỷ trước, Chương trình 3 triệu tấn xi măng lò đứng được nhanh chóng triển khai với hơn 40 nhà máy có vốn đầu tư là hơn 160 triệu USD cũng nhanh chóng tan biến vì chất lượng xi măng quá kém, ô nhiễm môi trường nặng nề. 

Năm 1997, triển khai Chương trình đánh bắt xa bờ được Chính phủ giao cho Bộ Thuỷ sản chủ trì cho ngư dân vay 1340 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD) đóng mới và cải tiến hơn 1.000 chiếc tàu thì chỉ hơn nửa năm sau đã có 250 chiếc nằm ụ phơi sương, còn 520 chiếc thì đánh bắt không hiệu quả nên không ra khơi mà chỉ đánh quanh quẩn gần bờ. Kết quả bán đấu giá 250 tàu còn khá nhất chỉ thu lại 26,5% giá trị đầu tư. 

Còn khá nhiều dự án hạ tầng, dự án phục vụ dân sinh như các dự án làm đường, làm giếng nước,  bỏ nhà sàn để tái định canh, định cư cho người dân tộc miền núi đã gần như thất bại hoàn toàn. Hầu hết những dự án thất bại có những điểm tương đồng cho ta rút ra được những mẫu số chung như sau: 

 Trước hết những dự án này đều rơi vào doanh nghiệp nhà nước. Có doanh nghiệp đang làm ăn bình thường, sau đầu tư mới, mở rộng sinh ra lụn bại như Nhà máy gang thép Thái nguyên. Những "quả đấm thép" này của nhà nước đã cố chạy cho được dự án và chú trọng khâu xây dựng hòng kiếm chác quyền lợi riêng mà bất chấp hiệu quả công trình. Họ luôn xem việc xin cho từ ngân sách như "chùm khế ngọt" mà ai cao thì hái được nhiều! Nạn tham nhũng chỉ có thể trong sự thực hiện các đầu tư mới, càng lớn càng tốt.

img

Nhiều vật liệu xây dựng đã bị gỉ sét tại dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai - Ảnh: Nguyễn Khánh- Tuổi trẻ.

Lập và thẩm quyền phê duyệt dự án không đúng, chỉ là hình thức. Chính cơ quan chủ trì phê duyệt lại có Công ty tư vấn hay bộ phận giúp chủ đầu tư xây dựng dự án. Như Dự án đánh bắt xa bờ thì Bộ Thuỷ sản có Công ty Tư vấn Thiết kế đầu tư thuộc Bộ lập các dự án hầu hết giống nhau để Bộ phê duyệt. Tương tự các dự án xi măng lò đứng; Chương trình 1 triệu tấn đường cũng vậy.

Với cách làm đó, hầu hết các dự án đều được lập với những dữ kiện giả tạo, đẹp đẽ, thuận lợi, cầm chắc thua lỗ mà các chủ đầu tư luôn đổ lỗi tại sự biến động thị trường, tại phát sinh các yếu tố khác. Như Nhà máy xơ sợi Đình Vũ cho là mình xây dựng phương án giá sợi polyester khi giá dầu còn cao, giá dầu biến động nên mua nguyên liệu về đã lỗ, sản phẩm làm ra giá thành cao hơn thị trường. Nhà máy đường thì không quy hoạch vùng nguyên liệu, không đầu tư chuyên canh cây mía nên mía có năng suất thấp, nông dân trồng mía bị ép giá bán thấp. Nhà máy gang thép Thái Nguyên thì dự án kéo dài hơn 10 năm, phát sinh hơn gấp đôi dự toán đầu tư ban đầu. 

 Phát sinh do chậm tiến độ hay do giá nguyên liệu , thiết bị tăng hoặc do tỷ giá ngoại tệ tăng cao so với tiền đồng. Các hợp đồng thường được các chủ đầu tư "ưu ái" để kẽ hở cho bên nhận thầu có những thuận lợi tăng giá. Các dự án Bauxite đã tách rời đường vận chuyển để giảm giá đầu tư để lại khó khăn cho xã hội khi vận chuyền nguyên liệu, thành phẩm hư hỏng đường. Phát sinh có khi gấp đôi, gấp ba giá tổng dự toán ban đầu. 

 Yếu tố Trung Quốc là rõ nhất trong việc gây thất bại của nhiều dự án. Gang thép Thái Nguyên đã ứng đến hơn 93% tiền mua thiết bị nhưng thiết bị theo tổng thầu EPC Trung quốc đã không đưa sang phần điện và điều khiển nên chỉ có họ nắm giữ, vận hành , nếu không nó chỉ là những đống sắt rời rạc phơi mưa nắng hàng năm bảy năm nay.

Năm 1996, Trung Quốc đã có chủ trương phá bỏ 300 triệu tấn xi măng lò đứng thì lập tức các thiết bị ấy được chuyển sang ta để chỉ trong vòng 3 đến 5 năm, nước ta cũng phải dẹp các sản xuất lạc hậu này. Công nghệ lạc hậu của Trung Quốc được lắp đặt với giá không còn có thể cao hơn. Để chỉ mở rộng thêm 500 ngàn tấn thép và phôi, nhà máy gang thép Thái Nguyên đã ứng cho nhà thầu Trung Quốc là hơn 5.800 tỷ đồng (tính theo từng thời điểm thì tương đương 320 triệu USD) mà vẫn chưa xong. Chính phủ đã thống nhất điều chỉnh lên 8.109 tỷ đồng , nhưng theo các chuyên gia thì cần đến hơn 4.500 tỷ đồng mơi mong hoàn thành.

Trong khi đó, thép Pomina III đầu tư tổng vốn chỉ hơn 300 triệu USD để thực hiện 1 nhà máy luyện thép (phôi) 1 triệu tấn/năm; 1 nhà máy cán thép công suất 500 ngàn tấn/năm; một cảng biển bốc dỡ 3 triệu tấn/năm. Mà công nghệ của Pomina III là công nghệ tiên tiến của Ý, Đức, Mỹ.  Vậy với dự án Thái Nguyên,  chúng ta có cần phải bỏ thêm 200 triệu USD để rước về một dây chuyền công nghệ lạc hậu mà sự thua lỗ đã cầm chắc khi giá thành cao. Hơn nữa sự chậm trễ 10 năm qua đã biến sự đầu tư này không còn có ý nghĩa khi thị truòng nước ta đã có nhiều ông lớn ngành thép nhảy vào như Formosa (Hà Tĩnh), Pomina, Kyoie, Hoà Phát ... 

Có thể thấy yếu tố Trung Quốc trong khá nhiều trường hợp là tác nhân chính đưa đến thất bại của các dự án. Ham rẻ, dễ dàng tiêu cực, giá bỏ thầu và được chọn bao giờ cũng thấp bằng một nửa hay có khi bằng 1/3 giá hoàn thành dự án. Chậm tiến độ là nguyên nhân gây mất cơ hội đầu tư, khiến thị trường và giá cả biến động không còn thuận lợi như thời điểm đầu tư. 

Có yếu tố chính trị muốn phá hoại kinh tế nước ta hay không cũng cần xem xét nhiều mặt, nhưng chậm trễ, tăng giá, công nghệ lạc hậu của các nhà thầu Trung Quốc đã gây khó khăn không ít, hay có thể phá hỏng dự án là điều khá rõ. Về phía chủ quan cũng cần làm rõ yếu tố Trung Quốc trong việc tham gia vào nhiều dự án trọng điểm. Cần làm rõ trách nhiệm của từng người đã xây dựng, tham gia, phê duyệt các đầu tư thất bại này. Gần như chưa hề có quy tội cho những người khởi xướng, đứng đầu dự án khi đổ vỡ. Chính sự nhập nhèm, bao che đã đưa đến nền kinh tế bị suy yếu, gây khó khăn cho phát triển vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem