Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Không có căn cứ khoa học khẳng định virus SARS-CoV-2 lây sang người qua thực phẩm

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 03/08/2021 08:35 AM (GMT+7)
Sau khi phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 là nhân viên giao hàng của Công ty Thực phẩm Thanh Nga (Hà Nội), nhiều người lo ngại liệu virus có lây qua thực phẩm?. Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hiện không có căn cứ khoa học nào nói virus SARS-CoV-2 lây cho người qua thực phẩm, bao bì.
Bình luận 0

Chưa có bằng chứng virus SARS-CoV-2 trên thực phẩm lây sang người

Tối 1/8, CDC Hà Nội có báo cáo nhanh về chùm ca dương tính mới trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Những người này đều làm việc tại Công ty thực phẩm Thanh Nga (phường Thanh Lương). 

Sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên là sinh viên thực tập tại Công ty thực phẩm Thanh Nga, CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định và phát hiện thêm 20 trường hợp dương tính, là nhân viên của công ty này.

Việc phát hiện chùm ca dương tính liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga, trong đó có nhân viên giao hàng khiến nhiều người bày tỏ sự lo lắng về việc liệu virus SARS-CoV-2 có lây sang người qua thực phẩm?.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, hiện chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định việc virus SARS-CoV-2 trên vỏ bao bì, nông sản, thực phẩm lây sang người. 

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khi Trung Quốc kiểm tra SARS-CoV-2 trên sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang nước này, Bộ NNPTNT đã đề nghị phía bạn bỏ qua bước này để tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu.

Dưới góc độ một chuyên gia về thực phẩm, PGS.TS. Phan Thanh Tâm, Viện Công nghệ sinh học  và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, bất kỳ loại thực phẩm sống nào mà có nhiễm virus, vi khuẩn nếu được gia nhiệt chín thì sẽ không ảnh hưởng gì.

"Theo nghiên cứu, SARS-CoV-2 sẽ chết trong nhiệt độ 70 độ C, lưu ý là đối với chế biến thực phẩm, chỗ sâu nhất phải đạt 70 độ C chứ không phải trên bề mặt. Do vậy, chọn loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nấu chín kỹ thì không có gì phải lo lắng" - bà Tâm khẳng định.

Cũng theo bà Tâm, Trung Quốc cũng đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bề mặt thực phẩm như cá hồi nhưng theo ngành y tế, cho đến nay, chưa có một công bố nào khẳng định virus SARS-CoV-2 lây qua đường tiêu hóa.

"Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng khi xuất hiện những ca dương tính là người giao hàng thực phẩm. Cứ đảm bảo nấu chín, sản phẩm đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc thì yên tâm sử dụng" - bà Tâm nói.

Thịt mát - Ảnh 1.

Hiện chưa có một căn cứ khoa học nào khẳng định việc virus SARS-CoV-2 trên vỏ bao bì, nông sản, thực phẩm lây sang người. Ảnh: Khánh Vũ.

Xử lý thực phẩm hoặc tiêu thụ thực phẩm không liên quan tới Covid-19

Theo báo cáo của ngành y tế, hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng việc xử lý thực phẩm hoặc tiêu thụ thực phẩm có liên quan tới Covid-19.

Covid-19 lây lan chủ yếu từ người sang người thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp khi ai đó ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Một người có thể nhiễm Covid-19 bằng việc chạm vào bề mặt hoặc vật dụng, bao gồm thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm có virus trên đó, rồi lại chạm vào miệng, mũi hoặc có thể là mắt của họ. Tuy nhiên, người ta không cho rằng đây là con đường chính lây lan virus.

Theo các chuyên gia ngành y tế, hiện tại, nguy cơ nhiễm virus từ các sản phẩm thực phẩm, bao bì hoặc túi đựng thực phẩm được cho là rất thấp.

Hiện tại, chưa có ca bệnh Covid-19 nào được xác định là phương thức lây nhiễm là qua việc chạm vào thực phẩm, bao bì thực phẩm hoặc túi đựng hàng.

Dù một số người làm việc trong các cơ sở chế biến và sản xuất thực phẩm đã mắc Covid-19, vẫn chưa có bằng chứng lây lan virus cho người tiêu dùng qua thực phẩm hoặc bao bì mà công nhân tại các cơ sở này có thể đã cầm nắm vào.

Sau khi đi mua sắm, cầm nắm vào bao bì thực phẩm hoặc trước khi chuẩn bị đồ ăn hoặc ăn uống, điều quan trọng là luôn rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

Nếu không có sẵn xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch sát trùng tayexternal icon có chứa ít nhất 60% cồn.

Xoa dung dịch đều ra toàn bộ bàn tay và chà hai tay vào nhau cho đến khi khô.

Việc tuân thủ các phương thức thực hành an toàn thực phẩm tốt là việc luôn quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh từ các mầm bệnh truyền qua thực phẩm thông thường.

Sử dụng phương thức an toàn thực phẩm trong nhà bếp không lo dịch bệnh

Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy virus gây ra Covid-19 lây sang người từ thực phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần xử lý an toàn và tiếp tục nấu thực phẩm theo nhiệt độ nấu khuyến nghị để ngăn chặn các bệnh lây qua thực phẩm.

Thường xuyên vệ sinh quầy bếp; khi lấy các đồ thực phẩm khỏi bao gói, hãy làm lạnh hoặc đông lạnh thịt, gia cầm, trứng, hải sản và các đồ dễ hỏng trong vòng 2 giờ kể từ khi mua hàng. 

Không rửa sản phẩm bằng xà phòng, thuốc tẩy, nước sát trùng tay khô, cồn, chất khử trùng hoặc bất kỳ hóa chất nào khác. 

 Rửa nhẹ nhàng hoa quả và rau tươi dưới vòi nước chảy bằng nước lạnh. Chà xát các sản phẩm cứng chưa cắt.

Sử dụng các phương thức thực hành an toàn thực phẩm khi cầm nắm thực phẩm, trước, trong và sau khi chuẩn bị thực phẩm hoặc ăn uống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem