Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 31/10/2020 16:05 PM (GMT+7)
Phát biểu tại lễ khai mạc "Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ 30/10 - 2/11/2020, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, doanh nghiệp phải là trung tâm của đổi mới sáng tạo.
Bình luận 0

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, trong các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo hiện đang được diễn giải theo hai cách: Thứ nhất, đổi mới sáng tạo là tạo ra những thứ hoàn toàn mới mà trước đó chưa từng có; thứ hai, đổi mới sáng tạo là thay thế những cái đang có bằng những cái khác mang lại hiệu quả cao hơn, tạo ra giá trị lợi ích cho cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

"Trong những năm gần đây, Việt Nam đã luôn duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, đã dần dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo" - Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn, điển hình là năm 2020, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. 

Dịch tả lợn châu Phi đã giảm nhưng chưa khống chế hoàn toàn nên gây khó khăn cho tái đàn, tăng đàn. Biến đổi khí hậu gây ra hạn hán ở cả 3 miền, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, mưa lớn, bão mạnh, lụt diện rộng, sạt lở đất ở miền Trung.

Thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân trên cả nước, sự thống nhất cao trong toàn ngành nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Lan cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020.

Theo đó, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. 

Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường. Trong 9 tháng năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trên phạm vi cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thành tích phát triển kinh tế đã giúp Việt Nam nâng cao thu nhập và giảm nghèo, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ứng dụng công nghệ và quy trình quản lý sáng tạo trong nông nghiệp, công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, truy xuất nguồn gốc, logistics, chế biến sâu đang từng ngày làm tăng chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như việc phát triển các chuỗi nông sản toàn cầu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, logistics trong nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ trong nông thôn, chương trình mỗi xã một sản phẩm,... đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy nông sản Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế. 

Hàng chục doanh nghiệp đã đầu tư vào xây dựng các nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu với dây chuyền công nghệ hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho nông sản Việt.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan cũng nêu một thực tế, hiện nay, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, nguồn tăng trưởng trước đây đang suy giảm, làm tăng nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình". 

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ công nghệ cao, phức tạp hơn và có hàm lượng tri thức cao hơn vẫn còn diễn ra khá chậm chạp. 

Việt Nam vẫn còn mắc kẹt trong các hoạt động tạo ít giá trị gia tăng đã hạn chế khả năng học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo.

"Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo, chúng ta cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước" - Thứ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng thăm các gian hàng tại Triển lãm công nghệ nông lâm thủy sản trong khuôn khổ Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020.

Tại "Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh một số giải pháp để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Một là, đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Xây dựng chương trình đào tạo để nâng cao nhận thức trong hệ thống giáo dục, cơ sở nghiên cứu và thị trường về việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nền kinh tế tri thức, cạnh tranh toàn cầu.

Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao và là thế mạnh của Việt Nam.

Ba là, hoàn thiện hệ thống chính sách để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ công.

Bốn là, triển khai mạnh mẽ đề án chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các cơ quan của Nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Phát triển và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo,... Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông minh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo; tư duy thị trường hóa thị trường khoa học công nghệ, tạo điều kiện cạnh tranh, phát triển và sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo môi trường pháp lý thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là định hướng chính sách của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua.

"Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NNPTNT tổ chức là nơi tạo môi trường kết nối cung cầu, hợp tác để chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ, đặc biệt là công nghệ cho nông nghiệp vào sản xuất kinh doanh" - ông Tùng nhấn mạnh.

Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 gồm chuỗi các hoạt động: Lễ Khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020; Hội thảo "Ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa cho nông nghiệp công nghệ cao"; Hội thảo "Kết nối chuyển giao Công nghệ cho ngành sản xuất Hoa của Việt Nam"; Hội thảo "Kết nối cung cầu công nghệ trong nông nghiệp; Diễn đàn "Xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế; Hội thảo Tổng kết Chương trình phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2015 - 2020"; Chung kết "Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo 2020"...

Trong khuôn khổ Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 cũng có triển lãm chuyên ngành về thiết bị và công nghệ nông lâm ngư nghiệp với khoảng 200 gian hàng và 1.000 công nghệ được trình diễn.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem