Thứ trưởng Bộ NNPTNT: "Thuận thiên" để ứng phó hạn mặn là sự thích nghi có kiểm soát

Anh Thơ (thực hiện) Thứ ba, ngày 23/06/2020 08:45 AM (GMT+7)
Tinh thần chủ động ứng phó, thích nghi một cách có kiểm soát đã giúp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua đợt hạn mặn được đánh giá khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn kỷ lục năm 2015 - 2016. Theo Thứ trưởng Bộ NPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tinh thần “thuận thiên” sẽ tiếp tục được phát huy trong ứng phó với hạn mặn.
Bình luận 0
Đồng bằng sông cửu long vượt qua hạn mặn khốc liệt: Ứng phó sớm, thích nghi có kiểm soát - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

 Nhìn lại công tác ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL trong thời gian qua, Thứ trưởng thấy đâu là điểm nhấn và kết quả tích cực nhất?

- Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô 2019-2020 xuất hiện sớm hơn so trung bình nhiều năm, thời gian hạn mặn kéo dài gấp đôi so với mùa khô năm 2016 và mức độ rất gay gắt, liên tục duy trì ở mức cao trong cả mùa khô. 

Xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 khu vực ĐBSCL được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong lịch sử, vượt qua cả kỷ lục của mùa khô năm 2015 - 2016.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình (đưa các cống ngăn mặn vào hoạt động) và phi công trình (chủ động đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy) mà thiệt hại so với năm 2015 – 2016 lại giảm đáng kể.

Dù xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng ĐBSCL nhưng diện tích lúa bị ảnh hưởng chỉ chiếm khoảng 2,7% (41.900/1.541.000ha).

Diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chủ yếu ở những nơi xuống giống muộn sau tháng 12/2019, do người dân tự phát thực hiện, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 6.650ha; cây rau màu bị ảnh hưởng khoảng 1.241ha.

Khoảng 96.000 hộ bị ảnh hưởng nước sinh hoạt trong đợt hạn, mặn vừa qua. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ.

Đồng bằng sông cửu long vượt qua hạn mặn khốc liệt: Ứng phó sớm, thích nghi có kiểm soát - Ảnh 2.

Nông dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cắt tỉa nhánh để khôi phục vườn chôm chôm sau đợt hạn mặn.  Ảnh: Lê Thúy Hằng

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, Thứ trưởng có thể cho biết quan điểm của Bộ NNPTNT về ứng phó với tình hình hạn, mặn tại ĐBSCL hiện nay và thời gian tới ra sao?

- Hiện nay, chúng ta xác định rất rõ các hình thái thiên tai của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (gồm 19 tỉnh) là: Bão lớn, hạn mặn, sụt lún đất và ngập lụt. Trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay các hình thái này có mức độ cao hơn và xuất hiện ngày một dồn dập hơn.

Điển hình như nói về việc xâm nhập mặn, so với năm 2016 – năm được đánh giá là hạn mặn kỷ lục trong vòng 100 năm tính đến thời điểm đó, thì đến năm nay mức độ đã nghiêm trọng hơn rất nhiều. 

Năm 2016 chỉ bị xâm nhập mặn tầm 2 tháng và vẫn còn 2 xã tại Bến Tre chưa bị ảnh hưởng, thì năm nay xâm nhập mặt đã lên đến 5 tháng và toàn bộ khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng.

Dù vậy, chúng ta vẫn phải tìm mọi giải pháp để ứng xử với các hình thái thiên tai mới. Hiện, có một số ý kiến cho rằng, ĐBSCL nên ứng xử với hạn mặn theo tinh thần "thuận thiên". 

Tuy nhiên, "thuận thiên" không có nghĩa là cứ mặc kệ cho những biến đổi cực đoan này diễn ra mà phải tìm cách chủ động thích nghi có kiểm soát, trong đó bao gồm các biện pháp công trình và phi công trình.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường:

Phải coi hạn mặn là hiển nhiên để chủ động ứng phó

Công tác phòng chống hạn mặn năm nay đã sớm nhận dạng được nguy cơ, và sớm đưa ra các nhóm giải pháp tổng thể.

Vì thế chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây trồng, thủy sản và nước sinh hoạt.

Các tác động, thách thức từ biến đổi khí hậu, các yếu tố từ thượng nguồn sẽ còn tiếp tục gây tổn thương đến sản xuất và sinh hoạt. Thậm chí còn nhiều yếu tố cực đoan hơn.

Mốc hạn mặn lịch sử này chưa phải là mốc cuối cùng.

Xác định như thế để thấy rằng, ĐBSCL phải coi hạn mặn là hiển nhiên để chủ động thích ứng; tìm các đối tượng mới, các phương thức sản xuất phù hợp để không chỉ hạn chế tác động tiêu cực mà còn khai thác lợi thế từ các nhóm sản phẩm chuyển đổi theo hướng thích ứng.

Nguyễn Vy (ghi)

Theo quan điểm của Thứ trưởng, chúng ta có kiểm soát được tình hình hạn mặn thời gian tới hay không?

- Tôi nghĩ là được. Đối với khu vực này, chúng ta phải chia theo tính chất từng vùng khác nhau để kiểm soát. 

Ví dụ sụt lún, mặn hiện có khoảng 7 tỉnh cần gấp rút xử lý, còn một số nơi như Đồng Tháp thì chưa bị tác động.

Bộ NNPTNT đang trình Chính phủ và Quốc hội về việc bảo đảm nước sạch bền vững cho người dân vùng ĐBSCL. Trong thời gian sớm nhất phải bảo đảm được điều này. 

Hiện vùng này có hơn 3.000 nhà máy nước tập trung ở vùng nông thôn, đợt hạn mặn cũng có một số nhà máy bị ảnh hưởng, Bộ NNPTNT cùng với địa phương đã ra phương án ngăn một số sông suối có nước ngọt dồn cho các nhà máy này để bảo đảm nguồn nước ngọt cho dân. 

Cùng với đó là kéo dài đường ống nước, có nơi kéo dài hơn 300km đường ống nước ngọt đến khu vực dân cư thiếu nước sinh hoạt. Phương án này rất khả thi vì vùng ĐBSCL dân ở tập trung.

Còn lại 20.300 hộ nằm rải rác không kéo được nước đến nơi thì có phương án tích nước không tập trung. 

Theo tính toán mỗi hộ cần 15 triệu đồng để xây bể xi măng tích trữ nước, mỗi bể tầm 10m3, chi phí khoảng 300 tỷ đồng.

Ngoài hạn, mặn thì câu chuyện về sụt lún cũng rất đáng quan tâm ở ĐBSCL. Theo nghiên cứu mới công bố thì tính đến năm 2050 sẽ có đến 70% diện tích đất khu vực này xuống dưới mực nước biển. Quan điểm của ông về nghiên cứu này?

- Theo tôi, nghiên cứu này hoàn toàn có giá trị cảnh báo. Giá trị này rất quan trọng. Nếu hỏi tôi có nguy hiểm không, tôi khẳng định là có. Nhưng có đáng sợ không? Tôi nghĩ không hề đáng sợ vì chúng ta thích nghi có kiểm soát và phải có tác động để khắc chế để không bị sụt lún.

Lý do sụt lún ở đồng bằng có nhiều nguyên nhân, có người nói rằng do khoan lấy nước ngầm nhiều nhưng rõ ràng có những nơi khoan nước ngầm không sụt lún nhưng cũng có nơi không khoan vẫn sụt lún. 

Đi sâu vào các nghiên cứu cũng có số liệu rất đáng lưu tâm là theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có khoảng 10% diện tích đất đang trồi lên và có khoảng 30% diện tích đất không bị sụt lún. Như vậy, 40% diện tích đất còn lại mới là tổng số diện tích bị sụt lún.

ĐBSCL là vùng đất non trẻ, chưa có nghiên cứu việc lún đến mức nào. Các giải pháp cho việc sụt lún thì sẽ có nhiều đơn vị, bộ ngành cần vào cuộc, nhưng theo quản lý chuyên ngành của Bộ NNPTNT sẽ đưa biện pháp cân bằng nước ngọt để hạn chế khoan ngầm. 

Giải pháp thứ hai là tích trữ nước ngọt rải rác để cân bằng các vùng. Nước ngọt khoan để uống chỉ 10% còn lại chủ yếu cho sản xuất, đặc biệt là dành cho thủy sản để nuôi tôm (nuôi tôm phải pha loãng nước và nước phải sạch nếu không tôm bị bệnh). 

Dự kiến từ năm 2021-2015 sẽ có những công trình chuyển nước và tích nước không tập trung bằng các cống cố định ở những kênh cụt, không có giao thông (tích nước ngọt đến mùa bị mặn sẽ đóng cống để trữ nước).

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem