dd/mm/yyyy

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại Lai Châu

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc và khảo sát thực tế khu vực trồng sâm Lai Châu tại bản Pá Hạ (xã Pa Vệ Sủ, Mường Tè, Lai Châu).

Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Lai Châu đạt khoảng 5%

Buổi làm việc và khảo sát thực tế của Đoàn công tác làm căn cứ đánh giá kết quả chương trình phối hợp về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Lai Châu.

Báo cáo nhanh kết quả thực hiện chương trình phối hợp về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Lai Châu đạt khoảng 5%. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh lúa gần 23.000 ha, trong đó có gần 4.000 ha phát triển lúa đặc sản, hàng hóa chất lượng cao; gần 13.000 ha cây cao su, hiện đang khai thác mủ khoảng 9.000 ha; trên 8.000 ha chè gắn liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; gần 6.400 ha cây mắc-ca; trên 10.300 ha cây quế; trên 8.200 ha cây ăn quả các loại.... Trong đó có những mặt hàng đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: chè, chuối, cao su...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại Lai Châu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác thăm khu trồng sâm của Công ty CP Sâm Pu Si Lung, ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Nguyễn Chanh)

Tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt hơn 336.100 con. Toàn tỉnh có 151 cơ sở chăn nuôi trâu, bò từ 15 con trở lên; 24 cơ sở chăn nuôi lợn từ 150 con trở lên; có gần 9.000 đàn ong. Toàn tỉnh có 19 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản; 1 doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh; có 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, 2 sản phẩm tham gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao gồm: Trà Ô Long và Trà Đông Phương Mỹ Nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường. Cùng với đó, tỉnh Lai Châu khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất và chế biến, bảo quản nông, lâm sản, thủy sản theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung thu hút các nhà đầu tư phát triển sâm Lai Châu. Đến nay, toàn tỉnh đã bảo tồn được 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng hơn 21.000 cây mô hình. Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu" cho sản phẩm sâm củ tươi được trồng tại Lai Châu và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu". Tỉnh Lai Châu đề ra mục tiêu, đến năm 2030 sẽ tập trung phát triển vùng trồng sâm khoảng 3.000 ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại Lai Châu - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Chanh)

Xây dựng cây sâm Lai Châu thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

Tại buổi làm việc, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị: Sớm ban hành Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng (nhất là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng), Đề án phát triển cây sâm Việt Nam, trong đó có sâm Lai Châu. Đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm ưu tiên bố trí vốn để thực hiện 3 dự án, đề tài khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lai Châu mà UBND tỉnh đang đề xuất; xem xét, tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng 5 sao mà tỉnh Lai Châu đã trình…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại Lai Châu - Ảnh 3.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn làm việc tại Lai Châu. (Ảnh: Nguyễn Chanh)

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tỉnh Lai Châu trong thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, nhất là công tác phát triển sâm Lai Châu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNN đề nghị: Tỉnh Lai Châu tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, quy mô các ngành hàng, sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển theo chuỗi liên kết nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm hữu cơ. Phát triển đặc sản gắn với du lịch sinh thái. Bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để duy trì nguồn nước, bảo vệ đất, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ xói mòn cao...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT từng bước tham mưu giải quyết các kiến nghị của tỉnh Lai Châu; Kêu gọi các nhà đầu tư để giúp tỉnh Lai Châu phát triển một số lĩnh vực: nuôi cá nước lạnh, nuôi trồng thủy sản; phát triển cây dược liệu; Tập trung giúp tỉnh Lai Châu triển khai các bước xây dựng cây sâm Lai Châu thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

PV Tây Bắc