Thứ trưởng Bộ Y tế: Hà Nội cần thay đổi chiến lược, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 02/02/2021 22:32 PM (GMT+7)
"Đối với Hà Nội, cần thay đổi chiến lược, nâng cấp lên 1 mức, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15 phù hợp theo từng địa bàn", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay.
Bình luận 0

Dịch Covid-19 ở Hà Nội có thể kéo dài hơn dự kiến 

Ngày 2/2, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Quảng Ninh và Hà Nội là hai vùng dịch ghi nhận số ca nhiễm đang tăng, trong khi số ca nhiễm tại Hải Dương hằng ngày giảm. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Bộ Y tế đã tăng cường hơn 1.200 cán bộ y tế đến Hải Dương, nay tình hình dịch ở địa phương này cơ bản được xử lý.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, virus lần này là một trong những biến thể nCoV ở Anh theo kết quả phân lập 11 mẫu ở miền Bắc và một mẫu ở TP.HCM.

"Đây là chủng có khả năng lây nhiễm rất cao, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn. Tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với trước nên trong thời gian ngắn đã lan rất nhanh", ông Long cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Hà Nội cần thay đổi chiến lược, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Tuy vậy, người đứng đầu ngành Y tế khẳng định, ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong thời gian ngắn tới. Riêng Hà Nội "có thể kéo dài hơn dự kiến vì lây nhiễm ở đây tương đối phức tạp".

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ.

"Lần này, virus lây nhiễm chủ yếu qua không khí thay vì tiếp xúc gần như trước đây", ông Long nói và yêu cầu toàn bộ người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; khai báo y tế bắt buộc thay vì khuyến khích như trước đây. Đồng thời hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện trong không gian kín.

Trước các câu hỏi liên quan đến dịch bệnh Covid-19: Khả năng kiểm soát địa bàn nóng thế nào? Dân về quê ăn Tết nhiều, Chính phủ có hướng chỉ đạo nào, để việc cách ly và ăn Tết đảm bảo? Tiêm vắc xin cho người dân như thế nào? Có tính đến giãn cách toàn TP.Hà Nội hay không? Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đến ngày 2/2, thế giới có hơn 103 triệu ca, Việt Nam có 1881 ca, sáng nay có thêm 1 ca ở Hải Dương, 12h cùng ngày thêm 6 ca nữa cũng ở Hải Dương.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đặc thù dịch bệnh lần này, chúng ta đã nhắm trúng được 2 ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh), và Chí Linh (Hải Dương). Trong đó, bệnh nhân 1660 là chủng mới, lây lan nhanh ở Anh. Điều đó gây quan ngại, dịch bệnh lần này nhanh, dễ lây lan hơn trước, lây qua không khí, chứ không chỉ tiếp xúc gần.

Bộ Y tế sau khi phát hiện 2 ổ dịch, đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Công an, các bộ khác đã khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm rộng, không để dịch bệnh lây lan quá rộng.

Hà Nội cần thay đổi chiến lược

Về vaccine, ông Thuấn cho hay, hiện Bộ Y tế đã ký nguyên tắc với công ty của Anh, năm nay sẽ cung cấp 30 triệu liều cho Việt Nam, đang đàm phán, sớm nhất trong quý 1 bắt đầu có vaccine. Trong đó, chắc chắn phải dùng cho đối tượng ưu tiên, gồm cán bộ y tế liên quan trực tiếp, đối tượng nhiều tuổi, có bệnh nền nguy cơ cao, cán bộ ngoại giao…

Tuy nhiên, theo ông Thuấn, khó khăn ở chỗ EU hạn chế xuất khẩu, Bộ đang đàm phán làm sao có vaccine nhanh nhất. Ngoài ra Bộ cũng đang đàm phán mua vaccine với một số công ty ở Nga, Trung Quốc, Mỹ. Cùng với đó, dự kiến cuối 2021, đầu 2022 sẽ có vaccine trong nước. "Cùng với vaccine trong nước và nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có đủ vaccine tiêm cho cộng đồng", ông Thuấn nói.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo triển khai triệt để Chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành, cùng hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn lây lan. Quảng Ninh, Hải Dương cần tăng cường nguồn lực tối đa, xét nghiệm diện rộng, phong toả nhiều lớp, truy vết đối tượng tiếp xúc gần để cách ly hiệu quả.

Đối với Hà Nội, cần thay đổi chiến lược, nâng cấp lên 1 mức, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15 phù hợp theo từng địa bàn. Coi F2 gần như F1, truy vết, khoanh vùng ngay, lấy mẫu, yêu cầu người dân toàn thành phố đeo khẩu trang, khu vui chơi giải trí tạm dừng hoạt động. Các địa phương sẵn sàng chống dịch, không để bị động bất ngờ.

Đáng chú ý, về chủ trương giãn cách toàn thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Hà Nội sẽ cùng Bộ Y tế xem xét, có nên thực hiện giãn cách hay không.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem