Sau khi ca bệnh 416 được phát hiện tại Đà Nẵng (ngày 24/7), ca bệnh Covid-19 tại cộng đồng đầu tiên sau 100 ngày Việt Nam không có ca bệnh ở cộng đồng, Bộ Y tế đã cử nhiều Đội công tác vào tăng cường cho Đà Nẵng, từ dịch tễ, điều trị đến xét nghiệm.

Ngày 30/7, Bộ Y tế đã thành lập "Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng" để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị bệnh nhân tại khu vực này. Đội được đặt dưới sự chỉ huy của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 1.

Ông có thể nói gì về thời điểm phát hiện ra ca bệnh 416 tại Đà Nẵng, ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại cộng đồng sau 100 ngày Việt Nam không có ca mắc tại cộng đồng nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Cảm xúc của tôi và nhiều anh em khác khi nghe tin về ca bệnh 416 là rất lo lắng. Đây là một bệnh nhân được phát hiện mắc Covid-19 tại Bệnh viện (BV) C Đà Nẵng. Bệnh nhân này trước đó đã điều trị tại Trung tâm tim mạch tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và được phát hiện mắc thêm Covid-19. Ngay khi nghe tin về ca bệnh 416, chúng tôi đã xác định đây là dấu hiệu rất lo ngại.

Diễn biến bệnh dịch mà Bộ Y tế lo lắng nhất chính là có sự lây nhiễm, bùng phát trong bệnh viện. Đây chính là môi trường mà tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân đều tiếp xúc rất gần, thực hiện các thủ thuật, chăm sóc rất dễ lây nhiễm chéo.

Đáng lo ngại hơn nữa là việc lây nhiễm Covid-19 cho các bệnh nhân vì đây là các đối tượng yếu thế vốn có nhiều bệnh nền, người cao tuổi, đang điều trị các bệnh lý khác, thậm chí có nhiều bệnh nặng sức đề kháng suy giảm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 2.

Do đó, với Đà Nẵng, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã nhận định đây là tình huống nghiêm trọng, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như các Vụ, Cục làm công tác dự phòng đều khẳng định, ca bệnh 416 là 1 chỉ dấu cho thấy nhiều bệnh nhân khác tại BV Đà Nẵng cũng có nguy cơ cao mắc Covid-19, trong đó có cả nhân viên y tế.

Hàng chục bệnh nhân Covid-19 được phát hiện mỗi ngày, nhiều bệnh nhân nặng, hàng trăm nghìn người du lịch từ Đà Nẵng đổ về các tỉnh... Các con số vào thời điểm đó đều dự báo một cuộc "đại lây nhiễm". Khi ấy, Ban Thường trực đặc biệt đã có những động thái gì?

- Ngay khi phát hiện ca bệnh 416, một ê kíp từ BV Bạch Mai đã được điều động vào Đà Nẵng (đây là ê kíp thứ 6) trong đó có nhân viên y tế dự phòng, có chống nhiễm khuẩn, điều dưỡng... với mục tiêu "làm sạch bệnh viện".

Đến giờ tôi vẫn rất tự hào là nhiều bạn khi nhận được quyết định đã sẵn sàng lên đường ngay, không có cả thời gian thu xếp chuyện gia đình, chuẩn bị tư trang. Các bạn đã làm việc rất nhiệt tình, quyết liệt để làm sạch các BV, xây dựng các "căn cứ địa" để điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là các bệnh nhân nặng tại BV Phổi và Trung tâm Y tế Hòa Vang.

Chúng tôi cũng đánh giá rất cao phản ứng của BV Trung ương Huế. Ngay khi phát hiện các ca Covid-19 ở các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, biến chứng nặng ở BV Đà Nẵng thì những chuyến xe cấp cứu đã hối hả liên tục vượt đèo Hải Vân đưa bệnh nhân từ BV Đà Nẵng sang BV Trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị.

Một tin vui là ngày 18/8 vừa qua, 5 bệnh nhân Covid-19 nặng, chạy thận nhân tạo đã được điều trị ổn định tại BV Trung ương Huế và được xe cấp cứu đưa trở lại BV Da liễu Đà Nẵng để tiếp tục chạy thận và chăm sóc sức khỏe.

img
img
img
img

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 4.

Sau khi có thêm hàng chục ca Covid-19 là bệnh nhân chạy thận, Hồi sức tại BV Đà Nẵng, đã có hàng chục chuyến xe vượt đèo Hải Vân đưa bệnh nhân sang BV Trung ương Huế. Điều gì khiến ông ra quyết định nhanh như vậy?

- Khi dịch bùng phát chúng tôi nhận định các ca Covid-19 lúc đó nhiều ca rất nặng. Lúc đó, chúng tôi phải quyết định đưa các bệnh nhân vượt đèo Hải Vân sang BV Trung ương Huế.

Cuộc vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng vượt đèo Hải Vân đó gặp rất nhiều khó khăn. Đã có nhiều bác sĩ đầu ngành về hồi sức, cấp cứu từ các BV Trung ương tới Đà Nẵng hỗ trợ đã cùng tham gia vận chuyển. Chúng ta đã chuẩn bị các phương tiện máy móc cấp cứu đi theo bệnh nhân như các máy thở, máy monitor...

Đến giờ nhìn lại mới thấy hành trình vận chuyển đó vô cùng khó khăn gian khổ. Nhưng lúc đó quyết định như vậy là tốt nhất, phù hợp với tình thế nhất. Chúng ta không thể để bệnh nhân tại Đà Nẵng để cấp cứu được vì không thể biết hệ thống hồi sức của cả 3 BV lớn tại Đà Nẵng đã sạch Covid-19 hay chưa.

Thứ 2 là nguồn nhân lực lúc bấy giờ đang bị cách ly, không thể điều động để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Thứ 3 là BV Trung ương Huế cũng là cơ sở y tế được giao phụ trách cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở khu vực miền Trung.

Lãnh đạo BV Trung ương Huế và tập thể nhân viên đều quán triệt về trách nhiệm, nghĩa vụ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 vào lúc đó, sẵn sàng "chia lửa" với Đà Nẵng.

Cũng để đảm bảo an toàn cho các công tác khám chữa bệnh khác, BV đã dành hẳn 1 cơ sở để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đến nay, việc điều trị đã có hiệu quả tốt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 5.

Chống dịch như chống giặc, chống giặc giữa tâm dịch càng vất vả hơn. Việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch, cách ly, khử khuẩn, điều trị bệnh nhân... đều vô cùng khẩn trương, đòi hỏi sự thần tốc và quyết liệt. Ông và đồng nghiệp đã trải qua những ngày làm việc như thế nào?

- Giữa tâm dịch bạn luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Chúng tôi thường trao đổi giữa các tổ nhóm ở các BV vào buổi tối. Sáng sớm hôm sau Bộ phận Thường trực đặc biệt (bao gồm 2 nhóm Dịch tễ và Điều trị) lại tỏa đến từng đơn vị điều trị, có thể là BV Trung ương Huế, có thể BV Phổi hay BV Đa khoa Quảng Nam, Quảng Ngãi... để tìm hiểu khó khăn để hỗ trợ kịp thời hoặc đi đến các ổ dịch để có hỗ trợ năng lực về cách ly, khoanh vùng, dập dịch cho địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 6.

Sau đó lại phải chuẩn bị các báo cáo về tình hình dịch, bàn thảo để đưa ra các quyết định phòng chống dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân.

Theo chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thì Bộ phận Thường trực đặc biệt tại Đà Nẵng được quyền đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại khu vực miền Trung.

Đến nay tôi rất vui là tất cả các quyết định của Ban Thường trực về điều chuyển sinh phẩm máy móc, trang thiết bị, con người từ các BV, từ các viện nghiên cứu đều được đáp ứng nhanh chóng, thời gian tính bằng ngày. Và nhờ đó, việc dập dịch, cứu chữa cho các bệnh nhân đã nhanh chóng đạt được những kết quả khả quan như thời gian qua...

Khi Thứ trưởng nhận nhiệm vụ vào Đà Nẵng để chỉ huy cuộc chiến chống dịch tại đây, ông đã từng đề nghị với Thủ tướng "hết dịch mới về", ông chia sẻ sao về điều này?

- Ngay sau khi nhận quyết định phân công, ngày 31/7 chúng tôi đã vào trong Huế để tổ chức hội chẩn cho các bệnh nhân nặng tại BV Trung ương Huế, sau đó lại ra Đà Nẵng để chỉ huy các đơn vị được Bộ Y tế điều động vào miền Trung để hỗ trợ dập dịch, điều trị, xét nghiệm... 

Việc chúng tôi hứa với Thủ tướng "hết dịch mới về" vừa là vì trách nhiệm vừa là mệnh lệnh từ trái tim. TP Đà Nẵng là TP đáng sống, chúng tôi rất yêu mến nên mong muốn giúp cho chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng ổn định dịch, đảm bảo cuộc sống an toàn.

Đến giờ, chúng tôi rất mừng là những gì chúng tôi kỳ vọng khi vào TP Đà Nẵng đã đạt được kết quả bước đầu. Chúng ta có thể khẳng định dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã được kiểm soát. Tôi hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được dập tắt hoàn toàn.

Tất nhiên, cũng không thể ngày một ngày hai có thể hoàn toàn chấm dứt nhưng với sự đồng lòng của chính quyền, của ngành y tế và người dân Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung thì dịch sớm được đẩy lùi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 8.

Giai đoạn 1 chúng ta không để một bệnh nhân Covid-19 nào tử vong, cho dù có những ca rất nặng như bệnh nhân 19 (Hà Nội), bệnh nhân 91 - phi công người Anh (TP.HCM). Trong khi đó, giai đoạn này đã có 25 bệnh nhân Covid-19 tử vong và có một số ca khác tiên lượng xấu. Cảm xúc của ông ra sao khi nhận được những thông tin này?

- Chúng tôi là cán bộ y tế, là người làm khoa học nên chúng tôi có những tiên lượng trong quá trình điều trị người bệnh. Khi tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng lần này, chúng tôi đã biết các bệnh nhân rất nặng, khác hẳn tình trạng bệnh nhân Covid-19 giai đoạn trước.

Trước đây cũng có những ca Covid-19 nặng, nhưng đó là những bệnh nhân khỏe, sau đó bị Covid-19 và có biến chứng, khi được cấp cứu, hối sức thì các cơ quan hồi phục, khỏe trở lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 9.

Còn đợt này là các bệnh nhân vốn đã rất yếu, nhiều bệnh nhân suy thận mãn, có biến chứng tiểu đường, suy tim, sự xâm nhập của Covid-19 giống như giọt nước tràn ly. Chúng tôi đã hội chẩn với ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia y tế đầu ngành của Việt Nam, đánh giá tiên lượng các bệnh nhân đó nặng, nguy cơ tử vong cao và rất tiếc tiên lượng đó vẫn xảy ra.

Chúng tôi rất đau buồn khi có bệnh nhân Covid-19 tử vong. Mỗi lần phải soạn thông tin về một ca tử vong là một lần lòng tôi lại như xát muối. Chúng ta không muốn điều đó, chúng ta đã nỗ lực hết sức, tuy nhiên, trên thực tế khi bệnh dịch xảy ra trên một quần thể người bệnh yếu thế như vậy, việc tiên lượng tử vong là khó tránh khỏi.

Hiện tại chúng tôi vẫn đang thực hiện các biện pháp tốt nhất để cứu chữa cho các bệnh nhân khác trong đó có 354 bệnh nhân ở Đà Nẵng, gần 100 bệnh nhân ở Quảng Nam.

Chúng tôi tiến hành hội chẩn thường xuyên, dành trang thiết bị hiện đại nhất, nhân lực giỏi nhất để điều trị cho các bệnh nhân, giảm thiểu ca tử vong xuống mức thấp nhất. 

Thời khắc nào mà ông biết rằng tình hình dịch tại Đà Nẵng đã ổn định, việc dập dịch đã thành công?

- Thời điểm dịch tạm ổn là khi các số liệu dịch tễ chúng ta phân tích được, tìm ra được điểm nóng, nguy cơ ở các vùng dịch tễ trong TP Đà Nẵng. Hơn nữa, sau khi có khuyến cáo, chính quyền Đà Nẵng, ngành y tế đã triển khai rất quyết liệt những biện pháp cách ly, phong tỏa các khu dân cơ có ca bệnh.

Đặc biệt năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã tăng lên rất mạnh trong thời gian từ hơn 1.000 xét nghiệm/ngày, đến giờ đã thực hiện hơn 50.000 xét nghiệm/ngày và có thể hơn nữa.

Đến giờ, đội xét nghiệm đã hoàn thành hơn 150.000 mẫu người dân TP. Đà Nẵng. Nhờ đó chúng ta đã sàng lọc được đối tượng F0 trong cộng đồng, rà soát F1 và đưa đi cách ly tập trung, thực hiện cách ly tại nhà với F2.

Khi những biện pháp đó được thực thi một cách hoàn chỉnh tại TP Đà Nẵng thì chúng tôi nhận định tình hình dịch đã tương đối ổn. Đến giờ có thể khẳng định là tình hình dịch tại miền Trung đã được kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 10.

Tình hình dịch được kiểm soát, kế hoạch rút khỏi Đà Nẵng được cân nhắc như thế nào, thưa ông?

- Theo kế hoạch, trong sáng nay (21/8) tôi cùng một số nhân sự chỉ đạo của Ban Thường trực sẽ rời Đà Nẵng. Vì tình hình trong nước cũng có một số địa phương có diễn biến phức tạp cần sự hỗ trợ. Hai là dịch tại Đà Nẵng cũng đã được kiểm soát và ngành y tế Đà Nẵng đã đáp ứng được việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Bước đầu chúng tôi có báo cáo với TP Đà Nẵng cho rút một phần nhân lực, một số bộ phận.

Trước mắt là bộ phận chống dịch, dịch tễ học sau khi đã tập huấn đầy đủ cho y tế dự phòng Đà Nẵng cũng đã rút về Hà Nội. Các bộ phận hỗ trợ xét nghiệm, đã chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực xét nghiệm khá hoàn chỉnh nên chúng tôi cũng đã chuẩn bị rút về để hỗ trợ cho các địa phương khác.

Còn bộ phận điều trị sẽ ở lại, để tiếp tục chuyển giao kỹ thuật điều trị, hồi sức bệnh nhân Covid-19 cho BV Đà Nẵng sau khi BV này được gỡ phong tỏa. Chỉ khi việc tiếp nhận kỹ thuật thật tốt, các bác sĩ tại Đà Nẵng đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì mới rút ra.

Tuy nhiên, việc "rút quân" này không có nghĩa để mặc Đà Nẵng, mà chúng tôi sẽ liên tục có các buổi hội chẩn, liên hệ trực tuyến để tiếp tục hỗ trợ nều ngành y tế Đà Nẵng cần.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 11.

Qua đợt dịch Covid-19 này có bài học nào cho ngành y tế Đà Nẵng nói riêng và ngành y tế miền Trung nói chung, thưa ông?

- Thời gian qua, năng lực của y tế của Đà Nẵng đã nâng lên rất nhiều. Năng lực này từ 2 điểm: Trước hết là năng lực nội tại của ngành y tế Đà Nẵng. Khi các BV lớn bị phong tỏa, chính quyền và ngành y tế Đà Nẵng đã nỗ lực đầu tư xây dựng BV Dã chiến tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, Bệnh viện Phổi trở thành các đơn vị hồi sức, điều trị rất tốt cho bệnh nhân Covid-19. Trước đó về chuyên môn, đặc biệt là hồi sức 2 BV này còn nhiều hạn chế mà giờ đã thành 2 đơn vị chủ lực về hồi sức ở TP.

Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng cơ bản xong Bệnh viện dã chiến nữa ở Khu thể thao Tiên Sơn. Nếu trong tình hình dịch diễn biến xấu hơn thì có thể đáp ứng việc thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 với số lượng lớn hơn.

Thứ hai là trong thời gian ngắn, Bộ Y tế đã điều động nhiều đoàn bác sĩ, dịch tễ, xét nghiệm có chuyên môn cao để vào hỗ trợ cho các BV từ xây dựng, thiết lập cơ sở vật chất đến chuyên môn. Chỉ trong 3 ngày, các ê kíp đã hỗ trợ thành lập 2 đơn vị hồi sức tại BV Phổi và Trung tâm y tế Hòa Vang, giúp các đơn vị này có năng lực tiếp nhận tất cả các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 12.

Ngoài ra, chúng tôi đã thành lập các ê kíp hồi sức bao gồm cả bác sĩ địa phương và bác sĩ tuyến trung ương hỗ trợ và đã hoạt động rất trơn tru. Đến giờ hoạt động tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, hồi sức cấp cứu đều đã thành hoàn chỉnh, đã được tiêu chuẩn hóa.

Tôi nghĩ đó là năng lực lớn lao của ngành ý tế Đà nẵng nói riêng và toàn ngành y tế Việt Nam nói chung, khi mà chúng ta tập trung mọi nguồn lực từ nhân lực đến trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt là sự hỗ trợ của người dân, của các doanh nghiệp.

Tôi cũng phải nhấn mạnh về sự đóng góp của các doanh nghiệp. Khi nhận được đề nghị, các bạn không đắn đo mà chuyển thẳng những máy chạy thận nhân tạo đến Trung tâm y tế Hòa Vang, chuyển thẳng máy hồi sức, máy thở đến BV Phổi Đà Nẵng. Những máy móc đó giúp anh em ngành y có thêm vũ khí mạnh mẽ để chiến thắng Covid-19.

Những ngày qua, người dân đã ấn tượng về việc xây dựng thần tốc BV dã chiến Tiên Sơn. Nhưng giờ dịch đã kiểm soát thì có vẻ chúng ta lại không cần đến nó?

- Như tôi đã nói ở trên, tình hình dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã tương đối ổn, do đó, chúng ta thật may mắn khi chưa cần đưa BV dã chiến Tiên Sơn vào sử dụng.

Tuy nhiên, tình hình bệnh dịch Covid-19 hiện tại rất phức tạp, đặc biệt diễn biến dịch trên thế giới khó lường, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều rủi ro bùng phát dịch bệnh. Do đó, đối với BV Tiên Sơn, sau khi hoàn tất, việc quyết định công nhận BV, việc tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ vẫn phải tiến hành hoàn chỉnh và đây là khâu cực kỳ quan trọng.

Trong thời gian qua cũng đã có nhiều BV dã chiến được thành lập ở Hà Nội, TP.HCM, giờ là Đà Nẵng. Kinh nghiệm, quy trình thành lập BV dã chiến sẽ cho chúng ta những bài học quý giá của ngành y tế, khi mà chúng ta cần thành lập chỉ trong vài ngày chúng ta đã có 1 số lượng giường đầy đủ, có trang thiết bị đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo, tập huấn từ quy trình chống nhiễm khuẩn, theo dõi chăm sóc người bệnh, đến quy trình xử lý rác thải chống lây nhiễm...

Đó là những kinh nghiệm vô cùng quan trọng và cần thiết. Mặc dù chúng ta không mong muốn BV dã chiến Tiên Sơn được đưa vào hoạt động, nhưng chính việc xây dựng xong BV này đã giúp cho ngành y tế có những mô hình hoạt động cần thiết trong phòng chống dịch bệnh, khi cần chúng ta có thể triển khai một cách nhanh nhất.

img
img
img

Trong giai đoạn này đã có gần 600 bệnh nhân liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng, hàng chục bệnh nhân Covid-19 nặng. Vậy trong điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện nay có kinh nghiệm gì cần lưu ý không, thưa Thứ trưởng?

- Việc điều trị phụ thuộc 2 yếu tố, thứ nhất là phác đồ điều trị, thứ hai là tình trạng sức khỏe, diễn tiến bệnh của từng bệnh nhân.

Phác đồ chỉ là nguyên tắc cơ bản trong quá trình điều trị bắt buộc phải tuân theo. Nhưng đối với từng bệnh nhân việc điều trị luôn phải linh hoạt vì tình hình khó thở ở người bệnh này khác tình hình khó thở ở người bệnh khác, diễn biến suy thận người này khác người khác.

Do đó, việc cân đong đo đếm, "cá thể hóa" trong quá trình điều trị luôn được Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 quan tâm và thường xuyên thực hiện Hội chẩn Quốc gia để hội chẩn cho từng bệnh nhân Covid-19 nặng.

Tôi nghĩ việc chúng ta "cá thể hóa" việc điều trị dựa trên phác đồ điều trị chung là rất cần thiết. Đặc biệt là với các bệnh nhân Covid-19 nặng, có nhiều bệnh nền, người cao tuổi, có biến chứng càng cần phải "phân tích" rõ để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 14.

Thứ trưởng có thông điệp gì gửi gắm với người dân Đà Nẵng?

- Tôi nghĩ tất cả các anh em trong Bộ phận Thường trực đặc biệt tại Đà Nẵng, tất cả bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế tăng cường cho Đà Nẵng đều tự hào về những sự đóng góp của mình cho ngành y tế Đà Nẵng trong việc cứu chữa các bệnh nhân Covid-19, giảm thiểu các rủi ro cho bệnh nhân, hạn chế bệnh dịch lây lan.

Tôi cũng hết sức cảm ơn Chính phủ cùng Ban Chỉ đạo và người dân TP Đà Nẵng, các đơn vị y tế tiếp nhận làm việc, hợp tác hỗ trợ rất tốt trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thường xuyên luôn theo sát, đóng góp ý kiến từ giám sát điều tra, cách ly khoanh vùng, đến việc điều trị, truyền thông giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng với người dân Đà Nẵng rằng, thực hiện giãn cách xã hội kèm theo việc phát hiện sớm, cách ly sớm là các biện pháp cơ bản để phòng dịch, giúp bảo vệ toàn bộ cộng đồng. Việc chấp hành của người dân là những điều kiện quan trọng nhất.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các tổ phòng chống Covid-19 trong cộng đồng. Những tổ nhóm này cần cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Đồng thời phát hiện các đối tượng có nguy cơ, tiềm tàng trong cộng đồng như người ho sốt, mất vị giác, khứu giác...

Đây là những yếu tố giúp chúng ta thực hiện một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để phòng chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 15.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 16.

Hơn 20 ngày "kề vai sát cánh" chiến đấu chống dịch cùng đồng nghiệp, chính quyền và người dân Đà Nẵng, có điều gì khiến ông xúc động, ấn tượng?

- Tôi đã gặp nhiều điều xúc động trong cuộc chiến ở nơi đây. Đó là khi chúng tôi nhìn các đồng nghiệp trong các trang phục bảo hộ kín mít, không phân biệt ai với ai. Trang phục bảo hộ đó vô cùng nóng nực, khó chịu, các bạn chỉ mặc 15-20 phút là mồ hôi túa ra ròng ròng, vậy mà các nhân viên phải mặc 6-7 tiếng đồng hồ, trong phòng không bật điều hòa, chạy qua chạy lại như con thoi để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, thậm chí thực hiện các kỹ thuật cấp cứu vô cùng căng thẳng, mất sức...

Hoặc là những cán bộ y tế dự phòng phải mặc bảo hộ đi điều tra dịch tễ, dưới cái nắng chang chang. Không ít nhân viên y tế sau khi cởi đồ bảo hộ đã kiệt sức vì mệt, vì mất nước...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 17.

Đó là các buổi họp xuyên đêm, xuyên trưa không ngơi nghỉ của các Ban Chỉ đạo, của Sở Y tế, của đội điều trị, của đội dịch tễ... Đó là những đêm bác sĩ vừa về nơi nghỉ ngơi vào nửa đêm, vừa đặt lưng xuống giường đã vội bật dậy lao đi cấp cứu giữa đêm khi nhận được điện thoại có bệnh nhân nặng. Cấp cứu xong thì trời đã sáng, lại tiếp tục đi điều trị cho bệnh nhân khác...

Hay như trưa nay tôi gặp 1 bạn từ quận Bình Tân ở TP.HCM, bạn này không hề có chuyên môn y tế gì nhưng vẫn tìm ra BV 199 tại Đà Nẵng để "giúp được gì thì giúp". Bạn đó đã ở BV 199 từ đầu mùa dịch, làm nhiều việc cho BV như vận chuyển máu cho BV, tiếp nhận máu từ nơi khác. Vô vàn những hành động trân quý rất cảm động...

Trong cuộc chiến này, những hình ảnh cảm động chỗ nào cũng gặp.

20 ngày xa nhà đi "trực chiến", Thứ trưởng có thấy nhớ nhà?

- Bây giờ rút khỏi Đà Nẵng tôi lại phải ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới, trong khi nhà tôi ở TP.HCM. Tuy nhiên cuộc sống hiện tại có nhiều hình thức trao đổi, liên lạc dễ dàng, thoải mái rút gần khoảng cách hơn với các người thân. Tôi gặp gia đình tôi hàng ngày qua facetime.

Tôi đã có cháu ngoại, cháu rất nhớ ông ngoại nhưng không gặp được thường xuyên. Cháu ngoại tôi lúc nào nhìn thấy ông cũng hỏi: "Ông ngoại đã bắt được virus chưa?".

Cho nên tôi cảm thấy vui vẻ, vinh dự khi có gia đình hậu phương giúp mình hoàn thành nhiệm vụ.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện này. Chúc Thứ trưởng và các đồng nghiệp luôn bình an và vững tâm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go này!

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Lòng tôi như xát muối mỗi lần soạn thông tin bệnh nhân tử vong - Ảnh 18.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem