Thủ tục làm thẻ căn cước công dân gắn chíp

Bảo Linh Thứ tư, ngày 09/12/2020 07:17 AM (GMT+7)
Thủ tục làm thẻ căn cước công dân gắn chíp được Bộ Công an đề xuất tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết Nghị định 137/2015/NĐ-CP và Luật Căn cước công dân (lần 02).
Bình luận 0

Thẻ căn cước công dân gắn chíp dự kiến sẽ bắt đầu được phát hành vào tuần đầu tiên của tháng 1/2021.

Thủ tục làm thẻ gắn chíp mới được Bộ Công an đề xuất tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết Nghị định 137/2015/NĐ-CP và Luật Căn cước công dân (lần 02).

Cụ thể, trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại Điều 11 dự thảo như sau:

Làm thẻ căn cước công dân gắn chíp ở đâu?

Công dân đến địa điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân, xuất trình Sổ hộ khẩu, các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền để chứng minh nội dung thông tin của công dân.

Theo điều 14 dự thảo, nơi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp là cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại địa phương đó.

Thủ tục làm thẻ căn cước công dân gắn chíp - Ảnh 1.

Thủ tục làm thẻ căn cước công dân gắn chip được đề xuất tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết Nghị định 137/2015/NĐ-CP và Luật Căn cước công dân (lần 02)

Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó; các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân và cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.

Quy trình làm thẻ căn cước công dân gắn chíp 

Cán bộ thu nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân trong phần mềm cấp Căn cước công dân đã được cập nhật, đồng bộ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với thông tin trong Sổ hộ khẩu, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh nội dung thông tin của công dân để xác định chính xác người được cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân tiến hành chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhân dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Ảnh chân dung của công dân là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt;

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay bằng hình thức thu nhận vân tay phẳng 4 ngón chụm bàn tay phải, 4 ngón chụm bàn tay trái, 2 ngón cái và lần lượt từng vân tay lăn; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân cho công dân, cán bộ thu nhận hồ sơ in Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân để công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin.

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ Căn cước công dân.

Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân thực hiện việc trả thẻ Căn cước công dân theo thời gian và địa điểm ghi trong giấy hẹn. Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ Căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan Công an lập danh sách, phối hợp với bưu điện để thực hiện và công dân phải trả phí chuyển phát theo quy định.

Đối với người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định tại điểm a, b, c, đ, e khoản 1 Điều 11 của dự thảo.

Dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem