dd/mm/yyyy

Thủ tướng đề nghị Quốc hội chưa tăng lương cán bộ, công chức từ 1/7/2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.

Đề nghị chưa tăng lương cán bộ công chức

Cụ thể, đề xuất thứ nhất, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Thứ hai là chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).

Thủ tướng đề nghị Quốc hội chưa tăng lương cán bộ, công chức từ 1/7/2020 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.

Thứ ba, Thủ tướng đề nghị miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ 4, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1 tháng 7 năm 2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Thứ 5, xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021, trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng báo cáo.

Kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo

Theo Thủ tướng, với chủ trương tập trung quyết liệt tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, quy định pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi, bảo đảm thượng tôn pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, Chính phủ kiên quyết chống sự bảo thủ, trì trệ; tư duy cục bộ, lợi ích nhóm; sự tha hoá quyền lực, tham nhũng, lãng phí, xuống cấp về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Kiên quyết chống tư tưởng trì trệ, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nêu nguyên tắc điều hành, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. Chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm; giảm số lượng và tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết ngăn chặn hiệu quả vấn đề "tham nhũng vặt" trong hệ thống hành chính nhà nước.

Quan trọng hơn hết, Thủ tướng khẳng định kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế

Tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng các cấp. Đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường an ninh kinh tế, trấn áp các loại tội phạm.

Đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiệm vụ khôi phục và phát kinh tế xã hội đất nước đòi hỏi cần đánh giá đúng tình hình, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và khả thi. Nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn nghiêm trọng; trong khi kinh tế thế giới, nhiều quốc gia, đối tác lớn (5 thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm 70% kim ngạch thương mại, xuất khẩu của Việt Nam) và đa số các nước ASEAN đều dự báo tăng trưởng âm; thương mại quốc tế giảm sâu tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.

So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được, Chính phủ đánh giá.

"Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện; để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương; với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách, bội chi ngân sách, nợ công" - Thủ tướng báo cáo.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ báo cáo Quốc hội cụ thể về nội dung này sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị .

Hoàng An