Thủ tướng kiểm tra việc chống hạn, mặn tại Tiền Giang

23/09/2020 15:24 GMT+7
Trong điều kiện hạn, mặn, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần đa dạng các loại cây trồng thay vì chỉ tập trung vào một loại cây sầu riêng.

Sáng 23/9, tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây sầu riêng, loại cây nhạy cảm với hạn mặn và là loại cây thế mạnh của tỉnh Tiền Giang.

Tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, Thủ tướng đã thăm mô hình trồng sầu riêng của hộ ông Mai Văn Âu, một trong nhiều hộ nông dân ăn trồng sầu riêng bị ảnh hưởng của mặn xâm nhập từ các cửa sông Tiền và sông Hàm Luông.

Thủ tướng kiểm tra việc chống hạn, mặn tại Tiền Giang - Ảnh 1.

Thủ tướng gặp gỡ bà con nông dân

Do chưa có kinh nghiệm chống mặn nên năm nay 30% diện tích sầu riêng của hộ gia đình ông bị thất thu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Với diện tích còn lại, ông cho biết sẽ thu hoạch sớm để tránh mặn xâm nhập cao điểm vào thời điểm tháng 1 năm 2021. Hiện bà con nông dân đang tận dụng nước ngọt còn lại để tưới giữ cây.

Theo người nông dân xã Hiệp Đức, sau 5 năm trồng, mỗi ha sầu riêng có thể cho thu hoạch từ 20 đến 25 tấn (kể cả trái vụ). Với giá trung bình 60 đến 70 nghìn đồng 1 kg thì người nông dân thu về 1,5 tỷ. Sau khi trừ các loại chi phí, có thể thu về lợi nhuận 1,1 tỷ đồng mỗi năm. Điều đó cho cấy cây sầu riêng giá trị mang lại rất cao. Nhờ vậy nhiều bà con nông dân nơi đây đã làm giàu nhanh chóng.

Tuy nhiên năm nay, lần đầu tiên người dân trồng sầu riêng gặp khó khăn do mặn xâm nhập từ tháng 2/2020, kéo dài 4 tháng, đúng vào thời điểm cây đang cho trái, dẫn đến một số cây chết, sức sống của suy giảm.

Thủ tướng kiểm tra việc chống hạn, mặn tại Tiền Giang - Ảnh 2.

Thủ tướng thăm mô hình vườn cây sầu riêng của ông Mai Văn Âu.

Thay mặt bà con nông dân địa phương, ông Mai Văn Âu, kiến nghị: “Kiến nghị Thủ tướng và Nhà nước cấp kinh phí làm cửa ngăn mặn cho một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vì đây là giải pháp lâu dài. Bên cạnh đó là đầu tư hệ thống sông nội đồng để có lượng nước ngọt nhiều, phục vụ chống hạn mặn đối với cây ăn trái ở đây.”

Bà con nông dân cũng kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cử chuyên gia hỗ trợ người nông dân, sản xuất theo quy trình VietGap, có thương hiệu, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác, ổn định giá sầu riêng.

Chúc mừng bà con nông dân thời gian qua đã được mùa, được giá sầu riêng, mang lại nguồn thu lớn, đồng thời biểu dương bà con đã chia sẻ kỹ thuật canh tác để cùng nhau sản xuất, làm giàu.

Chia sẻ với khó khăn của người nông dân xã Hiệp Đức nói chung, nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng về tác động tiêu cực của hạn, mặn, Thủ tướng đề nghị bà con nông dân và địa phương phát động tinh thần nông dân tự cường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp.

Trong điều kiện hạn, mặn, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần đa dạng các loại cây trồng thay vì chỉ tập trung vào một loại cây sầu riêng. Cùng với đó là ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả trái vụ, vừa chống hạn mặn, vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Về phía Nhà nước, Chính phủ sẽ làm hết sức bằng các biện pháp cụ thể để giảm tác động của biến đổi khí hậu, hạn, mặn, hỗ trợ bà con nông dân.

Thủ tướng kiểm tra việc chống hạn, mặn tại Tiền Giang - Ảnh 3.

Thủ tướng tặng máy lọc nước cho nông dân xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Trước kiến nghị của ông Mai Văn Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Đối với đề xuất xây dựng cửa ngăn mặn, chúng ta cần có một chương trình quốc gia ngăn mặn cho vùng. Trước mắt, nước mặn sắp tới sẽ vào, thì việc tích nước rất quan trọng. Nếu ngăn các kênh, rạch chứa nước ngọt cũng sẽ chủ động chống mặn được vài tháng, vì hiện đang là mùa mưa. Về hỗ trợ của Nhà nước đối với bà con thiệt hại do hạn mặn, chúng tôi ghi nhận, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách”.

Hiện nay, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 22.000 ha sầu riêng thì riêng Tiền Giang có khoảng 14.000 ha. Đây là cây thế mạnh của địa phương này.

Dự kiến chiều nay, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì làm việc với lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về các giải pháp chống hạn, mặn./.

Vũ Dũng
Cùng chuyên mục