Thủ tướng làm việc với 2 Hiệp hội, tháo gỡ khó khăn lĩnh vực xuất khẩu lâm sản, thủy sản

P.V Thứ năm, ngày 13/04/2023 11:10 AM (GMT+7)
Các lĩnh vực lâm sản, thủy sản bị sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Số đơn hàng giảm mạnh, khiến doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động...
Bình luận 0

Sáng nay 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Thủ tướng làm việc với 2 Hiệp hội, tháo gỡ khó khăn lĩnh vực xuất khẩu lâm sản, thủy sản - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xuất khẩu lĩnh vực thuỷ sản, gỗ và lâm sản đều giảm

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ, lâm sản và thủy sản.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản và ngành thủy sản nước ta luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự, chủ trì nhiều hội nghị của ngành nông nghiệp nói chung và ngành lâm sản, thủy sản nói riêng.

Hai ngành này cũng đã trở thành những ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp, đem lại giá trị xuất siêu cao trên 10 tỷ USD. Ngành chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản và thuỷ sản đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo của đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD. 

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cả 2 ngành hàng này đều bị sụt giảm mạnh về kim ngạch.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022... Tăng trưởng có xu hướng chậm lại, không đạt kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý I/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%.

Số đơn hàng giảm mạnh, khiến doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, cũng như ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Tập trung tìm ra các giải pháp hay, cách làm mới để vượt qua thách thức

Tại  hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp gỗ, lâm sản, thủy sản nói riêng đã đồng hành cùng đất nước, cùng nhân dân trong phòng chống đại dịch COVID-19, góp phần củng cố, tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để ứng phó với những khó khăn, thách thức rất lớn, chưa có tiền lệ, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu tác động kép từ bên trong và bên ngoài.

Những kết quả, thành tựu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ, lâm sản, thủy sản đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước năm 2022, nổi bật là thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng làm việc với 2 Hiệp hội, tháo gỡ khó khăn lĩnh vực xuất khẩu lâm sản, thủy sản - Ảnh 3.

Quý I/2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại một doanh nghiệp xuất khẩu ở Bình Dương. Ảnh: BBD

Năm 2023, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 cần tiếp tục phải khắc phục; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do tổng cầu giảm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; giá cả nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu biến động, nhất là xăng dầu; nhiều nước điều chỉnh chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ, một số ngân hàng lớn phá sản, sụp đổ… Ở trong nước, chúng ta phải tiếp tục xử lý các vấn đề nội tại của nền kinh tế, nhiều công việc tồn đọng, kéo dài.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần bình tĩnh, kiên định các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản, nhưng linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện; nhận diện tình hình để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tìm ra giải pháp phù hợp.

Hội nghị này được tổ chức tiếp nối nhiều hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trì thời gian qua nhằm quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

"Tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tìm ra các giải pháp hay, cách làm mới, thích ứng với tình hình thị trường trong nước, khu vực và thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản phát triển bền vững, bảo đảm tiêu dùng trong nước và đưa giá trị xuất khẩu: lâm sản năm 2023 đạt 17,5 tỷ USD và thủy sản đạt 10 tỷ USD" - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Hội nghị làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần phải triển khai cấp bách cũng như lâu dài; trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội, của các cơ quan quản lý nhà nước.

Về nguồn nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, Việt Nam vẫn phải nhập nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ (trên 20%) và thủy sản, đối mặt với nguy cơ điều tra nguồn gốc nguyên liệu và các biện pháp phòng vệ thương mại. Giống vẫn là khâu yếu đối với tất cả các lĩnh vực trong nông nghiệp. Vậy phải làm gì để chủ động cung cấp nguồn giống tôm, cây trồng có chất lượng cao, giá thành hợp lý? 

Đối với nguyên liệu chế biến gỗ, cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn để đạt được mục đích kép: vừa chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất, minh bạch xuất xứ, vừa tạo công ăn việc làm và góp phần giảm phát thải khí nhà kính? 

Về thị trường, Thủ tướng yêu cầu trả lời câu hỏi làm gì để tận dụng được cơ hội, lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTTP, EVFRT, RCEP,…; khắc phục các vướng mắc, rào cản của các thị trường nhất là EU, Mỹ và Trung Quốc. 

Đối với thị trường xuất khẩu cần tìm ra các dư địa và mở rộng các thị trường mới nào? Cơ cấu lại những mặt hàng nào, thay vì từ trước đến nay chỉ tập trung vào một số mặt hàng đồ nội thất, bàn ghế ngoài trời giá rẻ với số lượng lớn, với tình hình hiện nay thì có nên đa dạng hóa sản phẩm hay không.

Ví dụ như chuyển hướng làm các đồ nội thất cao cấp, đắt tiền, có giá trị gia tăng cao cho thị trường Trung Đông, Đông Bắc Á và các mặt hàng nguyên liệu trung gian (ván ép, viên nén, dăm gỗ). Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp cần làm gì để tận dụng tiềm năng của thị trường nội địa với 100 triệu dân; công tác quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cần phải triển khai như thế nào cho hiệu quả...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem