Nhắc đến các "đại án trái phiếu", Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đừng để khuyết điểm nhỏ thành sai phạm lớn

An Linh Thứ hai, ngày 19/12/2022 18:43 PM (GMT+7)
Đề cập đến một loại các vụ đại án trái phiếu mới xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm soát đừng để khuyết điểm nhỏ trở thành sai phạm lớn.
Bình luận 0

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo với lãnh đạo và toàn ngành tài chính tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính chiều nay 19/12.

Đừng để khuyết điểm nhỏ thành sai phạm lớn

Thủ tướng cho biết, thời gian vừa qua Bộ Tài chính và toàn ngành tài chính có những thành tích rất lớn về thu ngân sách, kiểm soát nợ công, bội chi và các biện pháp giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu. Tuy nhiên, một số điểm "mờ" vẫn xảy ra như về thị trường chứng khoán, trái phiếu với một số vụ doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi, gian dối huy động tiền của nhà đầu tư.

Nhắc đến các "đại án trái phiếu", Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đừng để khuyết điểm nhỏ thành sai phạm lớn - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị ngành tài chính.

Thủ tướng cho biết, hiện quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ nhưng độ mở nền kinh tế lớn, GDP khoảng 400 tỷ USD, nhưng xuất nhập khẩu đã trên 700 tỷ USD. Trong khi đó, sức chống chịu, cạnh tranh còn yếu, tác động nhỏ bên ngoài cũng ảnh hưởng đến bên trong, như các vấn đề xăng dầu, tỷ giá, tăng giá đồng tiền mạnh tác động mạnh.

Thị trường chứng khoán các nước sáng diễn biến như thế nào thì buổi chiều chúng ta bị ảnh hưởng ngay. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định vừa qua Thủ tướng đã có công điện về thị trường trái phiếu với chủ trương là các bên ngồi lại và cùng phối hợp xử lý để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên.

"Cần cơ cấu lại thời hạn, cách trả lãi suất trái phiếu ra sao để người dân, nhà đầu tư chấp nhận được. Những lúc khó khăn, thì cần ngồi lại với nhau để đàm phán mới xử lý được".

Thủ tướng nói đến việc sửa đổi Nghị định 65/2022 chỉ sau 4 tháng ban hành và cho biết: Khi chính sách chưa phù hợp với thực tại, nên cởi mở và lắng nghe thực tiễn, lấy thực tiễn là cơ sở để sửa đổi chính sách nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Thủ tướng cho biết: "Bản thân tôi và Chính phủ khi chỉ đạo xử lý các vụ hình sự về trái phiếu cũng không sung sướng gì". Chính vì vậy, ông yêu cầu Bộ Tài chính cần làm tốt việc thanh kiểm tra "đừng để khuyết điểm nhỏ để thành sai phạm lớn".

Về chiến lược phát triển thị trường tài chính, chứng khoán và trái phiếu, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp nghiên cứu, học tập các kinh nghiệm và bài học của Luxembourg và Hà Lan về phát triển thị trường tài chính, khi hai nước này từ nông nghiệp, công nghiệp ô nhiễm chuyển hẳn sang dịch vụ tài chính cao cấp, đất nước phát triển cao.

Thủ tướng nói: "Sau đợt tổng kết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nên sang Luxembourg và Hà Lan để học hỏi kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính. Tôi thấy họ có hai thứ mà Việt Nam đáng học. Đó là họ đều là nước nông nghiệp chuyển đổi mau lẹ trở thành nước phát triển có thị trường tài chính hàng đầu.

Thủ tướng dẫn chứng, Luxembourg bắt đầu từ nước nông nghiệp, họ phát triển ngành thép, nhưng thấy ô nhiễm sau đó họ vượt qua, đi thẳng lên lĩnh vực tài chính ngân hàng để đi thẳng lên trở thành nước phát triển.

Nhắc đến các "đại án trái phiếu", Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đừng để khuyết điểm nhỏ thành sai phạm lớn - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Bộ Tài chinh chủ động học hỏi kinh nghiệm của Luxembourg và Hà Lan để đưa thị trường tài chính Việt Nam phát triển.

Hà Lan cũng vậy, họ là nước nông nghiệp, đi lên công nghiệp hoá, đổi mới sáng tạo gắn với đô thị thông minh. Đường lối phát triển rất rõ. Bộ trưởng nên đi để học hỏi phát triển thị trường tài chính trái phiếu của Việt Nam, chúng ta có thể làm được.

Thủ tướng gợi mở: "Tôi đã trao đổi, đặt vấn đề về việc hợp tác học hỏi của Việt Nam với Bộ trưởng Tài chính Luxembourg rồi, sẽ cử Bộ trưởng Bộ Tài chính của chúng tôi sang tận nơi để học hỏi. Đất nước họ nhỏ nhưng vẫn tự chủ, bởi họ có kinh tế mạnh, kết nối hệ thống ngân hàng tài chính hàng đầu, nơi đây quỹ đầu tư tài chính bỏ vốn vào và kết nối thông suốt".

Thủ tướng khẳng định: "Việc đi nước ngoài trao đổi kinh nghiệm, đánh trống, gõ chiêng là chuyện đương nhiên. Còn việc đi học hỏi thì cần phải ra đi học".

Liên quan đến vấn đề tăng thu, giảm chi, giảm cơ chế xin cho - vấn đề đã và đang gây nhiều hệ luỵ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu có công cụ để kiểm soát và chặn đứng cơ chế xin cho, xà xẻo ngân sách.

"Ai cũng muốn ngân sách được nhiều thì phải nuôi dưỡng nguồn thu đất nước to ra. Bây giờ bánh bé, ai cũng muốn miếng to", Thủ tướng nêu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, địa phương cần xin cơ chế để tạo ngân sách to ra, chứ đừng xin % hưởng ngân sách lớn. Người này nhiều thì người khác ít đi, lại sinh ra xin cho, tiêu cực, chạy trọt. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính thiết kế chính sách để sao không chạy, xin ngân sách được, không để Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải lên xin, làm việc với trung ương.

Thủ tướng yêu cầu tất cả phải có trách nhiệm, tất cả phải vì lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết, đừng tư lợi. 

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính có chính sách khuyến khích mở rộng sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu, giảm thuế phí và lệ phí… góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn để phục hồi nhanh và mạnh mẽ hơn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách cả nước năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu NSTW vượt 19,3% dự toán; thu NSĐP vượt 20,4% dự toán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem