Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công nghệ là yếu tố quan trọng của tăng trưởng

Huyền Anh Thứ tư, ngày 15/05/2019 14:28 PM (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Bình luận 0

Ngày 15.5 tại Hà Nội, Bộ KH-CN phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Liên minh Đổi mới sáng tạo phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trên hành tinh này thứ tài nguyên càng khai thác sẽ càng nảy nở chính là chất xám, là sự sáng tạo. “Tôi nhớ một khẩu hiệu của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc nêu rằng: Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn”

Công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng

Theo Thủ tướng, các mô hình tăng trưởng tân cổ điển nhấn mạnh vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng. Trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ cho con người.

Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng.

img

Dẫn ra mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh, chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Thực tiễn đã cho thấy, nhiều nước giàu tài nguyên nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững. Ngược lại, có nước rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là cái gì?Theo Thủ tướng, yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt chính là con người và công nghệ.

“Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta có thứ tài nguyên vô tận là chất xám, là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta. Nếu như tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở. Trong doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, mà chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. “Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, tôi tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc và tâm huyết đóng góp cho đất nước vì sự phồn thịnh của đất nước.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập”, Thủ tướng bày tỏ.

Theo Thủ tướng, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Vẫn còn ít hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực kinh doanh.

Số lượng doanh nghiệp theo đuổi các chiến lược về đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao. “Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia”, Thủ tướng chia sẻ thêm.

Dẫn chứng cho vấn đề này, người đứng đầu Chính phủ cho biết, cả khu vực Nhà nước và tư nhân, chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%).

Chính vì vậy, nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam sẽ bị mắc kẹt trong hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bìn. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu, Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí, ứng dụng thấp.

Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối

Từ thực tiễn nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần hiểu rằng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. “Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu phát triến chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh.

Bên cạnh đó, cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

img 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.

Riêng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ một số vấn đề lớn như đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

“Cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin...”, Thủ tướng chỉ đạo.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp ngay sau Hội nghị này.

Bộ Khoa học và Công nghệ cần khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; trình Thủ tướng phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem