Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đóng góp 4,8% GDP, kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu hướng tất yếu

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 22/12/2020 14:00 PM (GMT+7)
Sáng 22/12, dự và chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Kinh tế tập thể, hợp tác xã xu hướng tất yếu trong hội nhập, mở cửa; là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".
Bình luận 0

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế hợp tác, hợp tác xã là 1 bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhìn lại quá trình phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã nước ta thời gian qua có thể nhận thấy nét văn hóa đặc trưng nhất đó là dân chủ, đồng thuận, tự nguyện, tự quyết, tự chịu trách nhiệm cùng góp sức, cùng hưởng lợi.

 Các nét văn hóa đặc trưng nói trên đã và đang khắc họa bức tranh kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta, trong đó Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trở thành ngôi nhà chung của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu" - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu". Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nước ta với dân số gần 100 triệu người, gần 27 triệu hộ cá thể trên toàn quốc, trong đó, thành thị 9,5 triệu hộ, nông thôn gần 18 triệu hộ, cho thấy nhu cầu rất lớn trong liên kết hợp tác theo mô hình hợp tác xã để sản xuất và giải quyết nhu cầu đời sống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bài học thực tiễn thành công trong nước và các nước phát triển trên thế giới đều chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng hợp tác xã và trên cơ sở đó dần hình thành các liên hiệp hợp tác xã là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ cá thể và nông dân. 

Vì thế, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế tập thể, hợp tác xã, để khu vực này có đóng góp xứng đáng vào những mục tiêu từ nay đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ đề ra.

Thủ tướng cho rằng, cần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển hiệu quả bền vững đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thực hiện mục tiêu đến 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Qua báo cáo và theo dõi tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ vui mừng, giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đến cuối năm 2020, có 26.040 hợp tác xã; thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước); tăng 4,5% so với năm 2015.

Hiện nay, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số HTX (tăng 3 lần so với năm 2015); số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị tăng 6,8 lần so với năm 2015. 

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP của cả nước; gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Đóng góp 4,8% GDP của cả nước, kinh tế tập thể, HTX là xu hướng tất yếu"  - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương độc lập hạng nhì tặng Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, thừa nhận rằng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; sự liên kết, hợp tác với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã. 

Hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tổ chức bộ máy cơ chế chính sách và điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, thiếu nguồn lực hỗ trợ các thành viên.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về hiệp định thương mại tự do; vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể.

"Bài học thực tiễn thành công trong nước và các nước phát triển trên thế giới đều chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng hợp tác xã và trên cơ sở đó dần hình thành các liên hiệp hợp tác xã là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ cá thể và nông dân" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu hướng tất yếu trong hội nhập, mở cửa; là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 21/12 - 22/12/2020) tại Hà Nội.

Trước đó, ngày 21/12/2020, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bầu ra 27 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam khóa VI, tại đại hội bầu 22 đồng chí, thiếu 05 ủy viên sẽ kiện toàn trong nhiệm kỳ 2020- 2025.

Thường trực Liên minh HTX Việt Nam gồm 04 đồng chí, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn được bầu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy; Lê Văn Nghị - Ủy viên Đảng đoàn và Nguyễn Văn Thịnh - Ủy viên Đảng đoàn được bầu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem