Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Tôi lo nhất là chính sách nguồn nhân lực"

Nhóm PVTS Thứ sáu, ngày 12/11/2021 11:50 AM (GMT+7)
"Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm được nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Bình luận 0

Phải tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng

Sáng 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) nêu vấn đề, việc đẩy mạnh kết cấu hạ tầng là mong muốn và kỳ vọng của cử tri, với nhiệm kỳ của Chính phủ để đẩy mạnh tốc độ kinh tế xã hội. "Xin Thủ tướng cho biết giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới?".

Trả lời đại biểu Vương Thị Hương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng, mềm; hạ tầng kinh tế xã hội, y tế, giáo dục, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu...

Thủ tướng: Tôi lo nhất là chính sách nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 12/11. Ảnh: Quochoi.

Để phát triển hạ tầng, phải tổng kết, rà soát, xem quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã làm được gì, chưa làm được gì, nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển hạ tầng phù hợp. Quy hoạch này phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, gắn với chủ trương Đại hội XIII.

Thủ tướng đề ra 5 giải pháp phát triển hạ tầng thời gian tới

Thứ nhất, là phải hoàn thiện thể chế, quy định về phát triển hạ tầng, giải quyết vướng mắc, bổ sung để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện phát triển. "Cái gì thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương thì địa phương lo, cái gì thuộc Chính phủ thì Chính phủ lo, cái nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền để ban hành đầy đủ và từng bước hoàn thiện thể chế", ông nói.

Thứ hai, phân tích tại sao chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo Thủ tướng Chính phủ việc này có nguyên nhân của T.Ư và địa phương chứ không riêng cấp nào. "Theo tôi nguyên nhân chính do con người, nên phải tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng", ông nhấn mạnh.

Thứ 3, về nguồn vốn, phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, gồm cả nguồn lực nhà nước và tư nhân, lấy nguồn lực nhà nước làm vốn mồi dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư hạ tầng.

Thứ 4, phải có công nghệ để phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng, cần tính đến việc quản trị trong phát triển hạ tầng, đảm bảo không lãng phí, chống tiêu cực, công khai, minh bạch.

Thủ tướng: Tôi lo nhất là chính sách nguồn nhân lực - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Quốc hội sáng 12/11. Ảnh: Quochoi.vn

Cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) về giải pháp để khắc phục tình trạng về những bất cập trong chính sách hỗ trợ người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thời gian qua là "rất tích cực", nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Chính phủ và các cơ quan liên quan đề xuất các chính sách chủ động theo thẩm quyền. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận đúng như ý kiến của đại biểu là "còn nhiều bất cập". Theo đó, Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, Chính phủ và các đơn vị liên quan sẽ rà soát, đánh giá lại các chính sách vừa qua. "Cái gì được, chưa được, phải xác định nguyên nhân từ đâu. Trên cơ sở đó chúng ta rà soát đối tượng, phạm vi, mức độ, từ đó làm căn cứ định ra chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách, bỏ sót", Thủ tướng nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về chương trình hành động ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trong hai năm thực hiện chống dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. "Chúng ta có trả giá, có cái chưa được, qua chống dịch đã rút được nhiều kinh nghiệm và dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh và một phần hiểu được virus", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, tuy chưa tổng kết một cách toàn diện nhưng Việt Nam đã đưa ra các trụ cột phòng chống dịch. Thứ nhất, phải cách ly nhanh chóng, diện hẹp nhất, nhanh nhất có thể. Thứ hai là chiến lược xét nghiệm. Ông nhấn mạnh, virus nhìn không thấy, nếm không được, ngửi không được nên phải xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn.

Thứ ba, về điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong. Trên cơ sở 3 trụ cột này, Chính phủ đã hình thành công thức chống dịch, đầu tiên là 5K, rồi 5K + vaccine, sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân...

"Tôi cũng thấy rằng qua dịch bộc lộ những yếu kém hiện hữu là y tế dự phòng và y tế cơ sở thì phải củng cố", Thủ tướng nói và nhấn mạnh: "Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm được nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực. Đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem