Thủ tướng Võ Văn Kiệt và quyết định không có tiền lệ với đường dây 500KV Bắc – Nam

Vinh Hải - Thanh Xuân Chủ nhật, ngày 20/11/2022 06:33 AM (GMT+7)
Công trình xây dựng đường dây 500KV Bắc – Nam ở thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước được coi là sự đột phá không tưởng của Việt Nam. Công trình mang đậm dấu ấn dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân, đất nước của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiệm kỳ 1992-1997.
Bình luận 0

"Anh Sáu Dân" quyết  tâm xây dựng trong 2 năm

Ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng - người được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao làm tổng chỉ huy thi công công trình xây dựng Đường dây 500 KV Bắc-Nam. Ông Hải đã trên 90 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng vẫn minh mẫn, nhớ rõ hành trình thực hiện công trình đường dây 500kV. 

Thời gian này, ông Hải không dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng phóng viên như trước, mỗi tuần 3 lần ông phải vào bệnh viện để lọc thận. Câu chuyện về việc xây dựng đường dây 500KV, được chúng tôi ghi lại qua những tư liệu trong những lần được gặp, trò chuyện, phỏng vấn ông Vũ Ngọc Hải. 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và quyết định không có tiền lệ với đường dây 500kV Bắc – Nam  - Ảnh 1.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (phải) trao Huy hiệu đường dây 500KV cho ông Vũ Ngọc Hải. Ảnh NVCC

Thời điểm quý IV năm 1991, ông Vũ Ngọc Hải đã thay mặt Bộ Năng lượng trình lên Thường trực Chính phủ (khi đó có cả ông Võ Văn Kiệt và ông Trần Đức Lương) nhiều vấn đề, trong đó có đề xuất xây dựng đường dây 500KV đưa điện vào miền Nam.

Ở thời điểm đó, việc xây dựng đường dây 500KV Bắc – Nam là một chủ trương táo bạo, vì các kỹ sư điện Việt Nam chưa làm bao giờ, đòi hỏi kỹ thuật cao. "Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhất trí với đề xuất và đề nghị đợi lấy ý kiến tập thể" - ông Hải kể lại.

Đầu năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố cho làm đường dây nhưng đặt ra yêu cầu chỉ cho làm trong 2 năm. Theo dự đoán lúc đó, chỉ trong 2 năm nữa miền Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Nếu không làm trong 2 năm sẽ không giải quyết được điện cho miền Nam. 

"Thực hiện công trình trong 2 năm là một chủ trương táo bạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, không làm được là thất bại" - ông Vũ Ngọc Hải nhớ lại quyết tâm lúc đó.

Công trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 1/1992. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế- kỹ thuật.

Để rút ngắn thời gian nhất, Bộ Năng lượng đã huy động tất cả các chuyên gia trong ngành và cho phép thực hiện theo phương thức khảo sát, thiết kế, nhập vật tư thiết bị và thi công thực hiện song song.

Ngay ở thời điểm đó, việc xây dựng đường dây 500kV vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Một vị Giáo sư từ nước ngoài viết thư gửi cho Bộ Chính trị phản đối đề xuất xây dựng đường dây 500KV. Vị Giáo sư này cho biết việc xây dựng đường dây 500KV dài hơn 1.500km sẽ gặp vấn đề 1/4 bước sóng. 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Nếu đường dây 500kV Bắc – Nam không thành công sẽ từ chức" - Ảnh 2.

Quá trình thực hiện đường dây 500KV. Ảnh tư liệu NVCC

Nếu điện từ ở Hà Nội đang ở mức cực tiểu, khi vào đến miền Nam sẽ vọt lên cực đại và ngược lại, nếu ở Hà Nội cực đại thì vào trong đó có thể bằng không. Nghĩa là không thể nào đưa được điện vào đến miền Nam được.

Ông Hải cho biết, dù xảy ra biến cố không mong muốn liên quan tới việc cung cấp thiết bị khiến ông vướng vào vòng lao lý, nhưng ngay sau một hôm đóng điện thành công đường dây 500KV Bắc – Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vào thăm ông và trao cho ông huy hiệu đường dây 500KV. Theo ông Hải, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người rất phân minh và rõ ràng trong công việc.

"Ngoài ra, trên thế giới không có nước nào làm được dây dài như thế trong 2 năm, hiệu quả kinh tế cũng không cao. Thư của vị Giáo sư cũng khiến nhiều thành viên Bộ Chính trị băn khoăn", ông Hải nói.

Nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn rất quyết liệt. Ngành điện cũng trả lời làm được công trình trong 2 năm, còn 1/4 bước sóng sẽ đặt trạm bù (bù dọc, bù ngang). 

Bên cạnh việc Bộ Năng lượng huy động toàn bộ lực lượng, các bộ ngành khác và địa phương cũng chung tay quyết tâm thực hiện công trình. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính… đều sẵn sàng tham gia.

"Chúng tôi quyết tâm làm nhưng không phải chỉ dựa vào ý chí, tất cả đều được tính toán và có đưa ra giải pháp thực hiện. Mục tiêu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt ra là hoàn thành trong 2 năm là rất khó, nhưng không phải không thể làm được", ông Vũ Ngọc Hải chia sẻ.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Nếu đường dây 500kV Bắc – Nam không thành công sẽ từ chức" - Ảnh 4.

Theo ông Hải, khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quyết tâm và ủng hộ xây dựng công trình đường dây 500KV vì nếu không cung cấp đủ điện cho miền Nam thì sẽ không thể phát triển được kinh tế. (Ảnh tư liệu NVCC)

Không có Thủ tướng Võ Văn Kiệt, không làm được đường dây 500KV

Ông Hải chia sẻ: "Phải nói rằng, vào thời điểm đầy khó khăn đó, nếu không có Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chúng tôi không làm được đường dây 500KV. Chỉ có sự quyết liệt của ông Kiệt mới có thể có đủ các điều kiện, kinh phí để làm tốt. Được Thủ tướng tin tưởng rồi, chúng tôi cứ thế bắt tay vào làm".

Qua lời kể của ông Hải, có thể thấy rằng, ở thời điểm đó chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng phải vượt qua những trở lực về cơ chế, về nhận thức xung quanh để thực hiện công trình này.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và quyết định không có tiền lệ với đường dây 500kV Bắc – Nam  - Ảnh 5.

Ông Vũ Ngọc Hải - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, người được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao làm tổng công trình sư xây dựng đường dây 500KV Bắc Nam. Ảnh: Phạm Hưng.

"Thủ tướng có nói với tôi, nếu đường dây 500KV không thành công thì ông sẽ từ chức. Tôi có nói với anh em ngành điện là ông Kiệt phát biểu như thế đấy. Ngoài ra, trong quá trình làm, có nhiều người ở miền Nam gọi điện ra nói là trong đó đang rất thiếu điện, càng giúp chúng tôi có thêm động lực để quyết tâm hơn", ông Hải nhớ lại.

Theo ông Hải, thực tế Thủ tướng Võ Văn Kiệt không phải chuyên gia ngành điện nhưng Thủ tướng hiểu rằng không có năng lượng, không có điện thì không thể phát triển kinh tế được. Do đó, Thủ tướng rất ủng hộ và được Thủ tướng hỗ trợ nên công trình gặp nhiều may mắn.

Tất cả các Bộ, ngành, địa phương chạy đua với thời gian thực hiện công trình nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng. Thành công của công trình thế kỳ này còn còn thể hiện cả ở chất lượng, từ khi đóng điện đến nay, chưa có cơn bão nào đánh đổ được một cột điện của đường dây 500KV.

Ông Hải cũng cho biết, dù bận rất nhiều việc nhưng trong 2 năm xây dựng đường dây 500KV, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành thời gian đi thị sát trực tiếp 4 lần. 

Một lần, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm công trường trên đèo Lò Xo. Khi thấy công nhân còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng cảm và chỉ đạo Bộ Năng lượng và Bộ Y tế tính cơ chế riêng cho anh em kỹ sư, công nhân thực hiện công trình này để Thủ tướng giải quyết. 

"Ngay sau đó, anh em làm việc trên rừng được bổ sung thêm thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe làm việc, đẩy nhanh tiến độ cho công trình", ông Hải kể.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Nếu đường dây 500kV Bắc – Nam không thành công sẽ từ chức" - Ảnh 5.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt bấm nút để đường dây 500kV hoà vào lưới điện quốc gia. Ảnh tư liệu NVCC

"Tôi đã nói, công trình này may mắn có ông Võ Văn Kiệt. Khi bắt tay thực hiện, vướng ở đâu đều được các Bộ, ngành, địa phương chung tay giúp đỡ. Có thể nói, đây là công trình có cả trí tuệ, có cả kỹ thuật và ý chí đoàn kết. Khi chúng ta làm được trong 2 năm, các chuyên gia thế giới cũng phải ngạc nhiên", ông Vũ Ngọc Hải.

Ngày 27/5/1994, đường dây tải điện siêu cao áp Bắc-Nam với chiều dài gần 1.500 km được đưa vào vận hành chỉ sau 2 năm xây dựng thần tốc theo phương thức vừa thiết kế vừa thi công. 

Việc xây dựng thành công đường dây 500KV Bắc – Nam thời điểm đó được đánh giá là một công trình lịch sử, không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới. 

Với chiều dài 1.487km, bao gồm 3.437 cột trụ điện tháp sắt đi qua nhiều tỉnh thành, phố, trải qua hàng chục lần vượt sông, vượt quốc lộ và là đường dây siêu cao áp 500KV (thế giới khi đó chỉ làm đường dây 400KV và cũng chưa có đường dây nào dài như thế).

Đường dây 500 KV Bắc - Nam được coi là "trục xương sống" này không chỉ hoàn thành sứ mệnh cấp bách là giải quyết tình trạng thiếu điện, tạo nền tảng và động lực phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh miền Trung, miền Nam thời kỳ đó, mà còn tạo liên kết lưới điện 3 miền, thống nhất hệ thống truyền tải cả nước và mở ra cho các kỹ sư Việt Nam sự tự tin để xây dựng các trục đường dây tiếp theo sau này.

Ông Võ Văn Kiệt có 3 đặc điểm nổi bật để thành công

Là thành viên Chính phủ nhiệm kỳ ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói với PV Dân Việt:

Ông Võ Văn Kiệt có ba đặc điểm rất nổi bật và đó cũng là yếu tố để giúp ông thành công. Thứ nhất, ông là con người của thực tế, ông rất sâu sát với thực tế, nhất là triển khai xây dựng đường dây 500KV Bắc- Nam, khai khẩn ĐBSCL..

Điểm nổi bất thứ hai, dù ông là người trưởng thành từ trong chiến tranh, đi từ rừng núi ra nhưng ông rất chịu khó học hỏi từ trong nước, ngoài nước. Ông đi nước ngoài nghiên cứu các mô hình phát triển của các nước để có thể áp dụng vào đất nước. Còn ở trong nước ông thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, kể cả những trí thức từng công tác dưới chế độ Sài Gòn. Ông lắng nghe và kết hợp được kiến thức trong và ngoài nước.

Thứ ba, là ông rất quyết đoán, làm gì ông cũng tỏ ra rất quyết đoán nên nhiều cán bộ cấp dưới tin tưởng theo ông. Tôi đã sinh hoạt trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa 1992-1997, thấy ông là người rất tận tâm, hành động có kết quả. Ông là người lãnh đạo có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Ngọc Lương (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem