Thủ tướng yêu cầu 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Bình Định vượt chỉ tiêu 24 xã

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 31/12/2020 11:15 AM (GMT+7)
Bắt đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của các xã tại tỉnh Bình Định còn ở mức thấp, đời sống người dân khu vực nông thôn khó khăn. Tuy nhiên, đến nay tỉnh này là 1 trong những địa phương có kết quả xây dựng nông thôn mới với thành tích “đáng nể” tại miền Trung.
Bình luận 0

Phóng viên Dân Việt vừa có cuộc trò chuyện với Quyền Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc về vấn đề này.

Thủ tướng giao nhiệm vụ 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Bình Định hoàn thành vượt chỉ tiêu  - Ảnh 1.

Quyền Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc (đứng ngoài cùng, bên phải). Ảnh: Ngọc Nhuận.

10 năm xây dựng nông thôn mới, dù có điểm xuất phát thấp, nhưng tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Xin đồng chí cho biết, một số kết quả nổi bật của tỉnh Bình Định?

- Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, sự hỗ trợ phối hợp của các sở, ban, ngành cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và chung tay góp sức của người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành được các mục tiêu đề ra.

Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Hoài Nhơn, An Nhơn và Quy Nhơn, riêng huyện Tuy Phước đang hoàn chỉnh hồ sơ cấp tỉnh để trình Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Có 85/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 70,2% (vượt 24 xã so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đối với tỉnh Bình Định đến năm 2020 có 61 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), 13 xã đạt 15-18 tiêu chí (chiếm 10,7%), 22 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (chiếm 18,2%), 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí (chiếm 0,8%).

Số tiêu chí bình quân/xã đạt 17,3 (vượt so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Định đến năm 2020 đạt 16,7 tiêu chí/xã). Có 72 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,18%, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó: dân cư sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 63%).

Bộ mặt nông thôn của tỉnh đã thay đổi, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của phần lớn dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được chú trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của người dân, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện ngày càng xanh - sạch - đẹp, bản sắc văn hóa nông thôn đã được giữ gìn và phát huy. Ngoài ra, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo và giữ vững.

Thủ tướng giao nhiệm vụ 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Bình Định hoàn thành vượt chỉ tiêu  - Ảnh 2.

Cơ giới hóa hiện đại được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bình Định. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Dù đạt nhiều kết quả, thế nhưng quá trình triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Định còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là các tiêu chí dù đạt, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu. Xin đồng chí nêu những nguyên nhân dẫn đến các khó khăn và thách thức như trên. Bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nông thôn mới của Bình Định?

Hiện nay, tại tỉnh còn tồn tại thực trạng một số xã quá tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhưng các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Việc phát triển văn hóa cộng đồng ở khu vực nông thôn còn yếu, hiệu quả hoạt động của Trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn còn thấp, chưa tương xứng với điều kiện cơ sở vật chất đã được đầu tư. Công tác xóa đói giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, xã 30a chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã khó khăn còn cao. Vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang là thách thức ở khu vực nông thôn....

Có 3 bài học kinh nghiệm, đó là phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể các cấp, đặc biệt là vai trò của Trưởng ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã phải thật sự tâm huyết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, quyết liệt để huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia, vận dụng sáng tạo các Nghị quyết, văn bản hướng dẫn của cấp trên để có cách làm phù hợp, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho địa phương.

Cần phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới, trên tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi", có như vậy mới phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp từ nhân dân.

Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, gắn với an ninh quốc phòng ở nông thôn. Do vậy, cần tránh tâm lý nóng vội chủ quan, chạy theo thành tích, đặc biệt ở các xã khó khăn, có điểm xuất phát thấp. Việc phân bổ nguồn lực xây dựng nông thôn mới cần cân đối, hợp lý cho các địa phương, vừa giúp hoàn thiện về cơ sở hạ tầng vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Thủ tướng giao nhiệm vụ 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Bình Định hoàn thành vượt chỉ tiêu  - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng trong 1 lần kiểm tra tiến độ thi công Hồ Đồng Mít, huyện An Lão. Ảnh: Dũ Tuấn.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã đem lại nhiều thành công, xây dựng được các mô hình hiệu quả và tạo sức lan tỏa lớn. Ông cho biết những kết quả trong tái cơ cấu nông nghiệp và giới thiệu một số dự án, mô hình kinh tế nông nghiệp được xem là điểm nhấn của ngành?

- Sau 4 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2017-2020 theo giá so sánh 2010 là 4,02%.

Đến cuối năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%, tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 100%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 70,2%.

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 6.808ha. Tổng diện tích chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm khoảng 2.490,2ha. Tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn 12.000ha, với trên 127 nghìn hộ nông dân tham gia.

UBND tỉnh đã phê duyệt 6 dự án cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống, tổng diện tích 995ha, diện tích sản xuất lúa giống hàng năm trên 1.310ha. Đã đẩy mạnh sử dụng các giống mới, giống lai vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Tỷ lệ gieo sạ giống lúa xác nhận, nguyên chủng, lúa lai đạt trên 98%, tỷ lệ sử dụng lạc giống mới đạt 80%, giống ngô, sắn, mía, rau màu đạt trên 95%.

Bước đầu đã xây dựng được các mô hình ứng dụng công nghệ cao tại các vùng trồng hoa mai ở An Nhơn, hoa cúc ở Tuy Phước, hình thành và phát triển vùng sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn Viet Gap với quy mô diện tích 80ha tại 8 huyện, thị xã gắn với xây dựng nhãn hiệu, logo, mã QR.

Các HTXNN sản xuất rau, quả theo VietGap, sản xuất dầu dừa theo hướng hữu cơ, xây dựng và chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây lạc, cây xoài, công nghệ tưới bán tự động, tự động như: tưới nhỏ giọt, phun mưa, phun sương được nông dân áp dụng ngày càng rộng rãi trên cây lạc, rau và cây ăn quả.

Xây dựng các chuỗi liên kết gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình cánh đồng lớn như: liên kết sản xuất lạc ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ; liên kết sản xuất sắn ở huyện Phù Cát; liên kết sản xuất mía ở huyện Tây Sơn.

Thủ tướng giao nhiệm vụ 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Bình Định hoàn thành vượt chỉ tiêu  - Ảnh 4.

Bưởi Hoài Ân - đặc sản của nông dân Bình Định được công nhận nhãn hiệu. Ảnh: Dũ Tuấn.

Về lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển các vùng chăn nuôi heo chủ lực ở các địa phương Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, chăn nuôi gà quy mô lớn ở các địa phương Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn, chăn nuôi bò lai và bò thịt chất lượng cao nông hộ trên địa bàn toàn tỉnh.

Đến nay, tỷ lệ bò lai đạt 85% tổng đàn và nhãn hiệu "Bò thịt chất lượng cao Bình Định" đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận; tỷ lệ heo lai toàn tỉnh đạt 90%. Đã xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh lợn quy mô toàn huyện Hoài Ân, với trên 29.000 hộ gia đình tham gia.

Toàn tỉnh có 141 trang trại chăn nuôi, trong đó có 59 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Có 14 doanh nghiệp đang sản xuất chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, trong đó 1 doanh nghiệp đã được công nhận doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư). Đã xây dựng 2 nhà máy giết mổ động vật tập trung tại phường Trần Quang Diệu và phường Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn với công suất giết mổ 500 con heo, 30 con bò và 2.000 con gà/ngày đêm.

Ngoài ra, triển khai công tác quy hoạch, xây dựng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao Biofloc, RAS... tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Hiện nay, công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ đã tiến hành xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 116,34ha, ứng dụng các công nghệ Biofloc, công nghệ lọc tuần hoàn thay nước ít (RAS cải tiến), với công suất 40 tấn/ha/vụ.

Xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao xã Cát Thành, Cát Hải, huyện Phù Cát với diện tích 206 ha, hiện Công ty TNHH Thành Ly xây dựng vùng sản xuất nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc, với diện tích 48ha, công suất 25 tấn/ha/vụ.

Diện tích rừng trồng toàn tỉnh đạt 22.597ha rừng, trong đó có 2.939ha rừng cây gỗ lớn, có 3 đơn vị đang ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cây nuôi cấy mô trong sản xuất cây giống lâm nghiệp, công suất 32 triệu cây giống/năm, trong đó có 1 doanh nghiệp đã được công nhận doanh nghiệp Khoa học công nghệ (DNTN giống cây lâm nghiệp Nguyên Hạnh).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 120 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 345.000 m3 sản phẩm/năm. Trong đó, có khoảng 70 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp qua hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn là xuất khẩu sang châu Âu (chiếm 82%), Châu Đại Dương (chiếm 7,7%), Châu Mỹ (chiếm 5%), Châu Á (chiếm 5%) và Châu Phi.

Thủ tướng giao nhiệm vụ 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Bình Định hoàn thành vượt chỉ tiêu  - Ảnh 5.

Bí đao 'khổng lồ' - sản phẩm hiếm thấy của nông dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Xin ông cho biết một số định hướng, mục tiêu trọng tâm trong xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành trong giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn đến 2030 của Bình Định?

- Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng của tỉnh Bình Định là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, mục tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiện đại và văn minh.  

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành NNPTNT theo giá so sánh năm 2010 bình quân hàng năm tăng từ 3,0-3,5%, phấn đấu 100% tổng số xã trong toàn tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới, thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tập trung xây dựng các xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng của Trung ương, duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 58% và 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem