Thủ tướng yêu cầu không để phát triển "nóng" diện tích mắc ca

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 30/09/2020 09:39 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch.
Bình luận 0

Chỉ đạo tại hội nghị kết quả phát triển cây mắc ca thời gian qua; định hướng phát triển thời gian tới do Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Đăk Lăk và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tập trung phát triển thương hiệu mắc ca Việt Nam và không phát triển quá "nóng" về diện tích.

Thủ tướng yêu cầu không để phát triển "nóng" diện tích mắc ca - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cây giống trong phát triển ngành hàng mắc ca. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Diện tích mắc ca tăng vượt quy hoạch

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch. 

Về sản lượng, năm 2020, các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, năng suất bình quân của mắc ca đạt 3 tấn hạt tươi/ha; sản lượng ước đạt khoảng 6.570 tấn hạt tươi/năm; giá bán hạt mắc ca tại vườn dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg hạt tươi.

Kiểm soát diện tích mắc ca, không để phát triển “nóng” - Ảnh 1.

Vườn mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Đinh Công Định ở xã vùng sâu Đliê Ya, huyện Krông Năng (tỉnh Đăk Lăk). Ảnh: Bình Định

Mắc ca là cây chỉ phù hợp với sinh thái một số vùng nhất định nên việc phát triển diện tích khá hữu hạn.

Việt Nam có vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và một số vùng sinh thái khác có điều kiện tự nhiên phù hợp, rất có tiềm năng để gây trồng, phát triển cây mắc ca có năng suất, chất lượng tốt.

Đáng chú ý, hiện có 10 doanh nghiệp trong nước liên kết với các hộ trong số 10.032 hộ trồng cây mắc ca để trồng và chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca. 

Sản phẩm chế biến chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bộ sữa hạt, dầu gội, dầu xả; sản phẩm hạt sấy (có vỏ), nhân hạt ướp muối và nhân sô cô la. 

"Sản phẩm hạt mắc ca của Việt Nam đã bước đầu thâm nhập được các thị trường lớn, khó tính trên thế giới, điều này mở ra cơ hội tốt cho phát triển trồng cây mắc ca ở Việt Nam" – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng thừa nhận một thực tế, vẫn còn trên 2.300ha mắc ca (tương đương 13,9%) trồng nhưng chưa được kiểm soát về chất lượng; việc phân bố các cơ sở chế biến ở các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên là không đồng đều; chế biến sản phẩm hạt mắc ca hiện chủ yếu hiện đang ở quy mô nhỏ, máy móc thiết bị đơn giản.

Công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm; thiếu đồng bộ giữa các cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây mắc ca; còn nhiều diện tích đất trống đồi trọc phù hợp không thể triển khai được vì thiếu pháp lý về đất đai nên ngân hàng rất khó giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tại Đăk Lăk, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường, cho biết, trong những năm qua, Đăk Lăk phát triển được 680ha mắc ca, chủ yếu trồng xen canh trong vườn dân.

"Cây mắc ca khá thích hợp điều kiện khí hậu, đất đai, trồng thuần hay trồng xen canh đều cho kết quả khả quan: Trồng xen canh cho 5 tấn/ha, trồng thuần loài cho 8 tấn/ha" - Bí thư Bùi Văn Cường cho biết.

Tập trung chế biến sâu

Theo ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, do cây mắc ca rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, không phải nơi nào cũng trồng được mắc ca nên đây được coi là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam vì có nhiều vùng có thể phát triển được cây mắc ca như Tây Bắc, Tây Nguyên. 

Thủ tướng yêu cầu không để phát triển "nóng" diện tích mắc ca - Ảnh 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu trưng bày các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

"Tuy nhiên, điều quan trọng để phát triển diện tích mắc ca một cách bền vững là phải đẩy mạnh chế biến sâu thông qua sự đầu tư của doanh nghiệp, đồng thời xây dựng thương hiệu cho mắc ca Việt Nam để định vị trên thị trường" - ông Phạm S nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, mắc ca là loại cây đa mục tiêu, vừa góp phần nâng cao độ che phủ rừng vừa mang lại thu nhập cao cho người dân. 

"Tại sao Úc coi hạt mắc ca là một loại thuốc bổ, là do giá trị dinh dưỡng có trong đó, nếu nâng tầm, mắc ca không chỉ là một loại thực phẩm đơn thuần mà còn là một loại thực phẩm chức năng" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, do cây mắc ca rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu nên trong 10 năm qua, dù biết tiềm năng của mắc ca là rất lớn nhưng thế giới mới phát triển được 490.000 tấn, mắc ca mới chiếm 1% trong số 20 loại hạt phổ biến người tiêu dùng sử dụng.

"Cây mắc ca phát triển ở nhiệt độ khoảng 20 - 22 độ C, ở Việt Nam, Tây Bắc, Tây Nguyên là hai vùng rất phù hợp vì nhiệt độ mát mẻ, còn những vùng khác trồng có thể không ra hoa đậu quả" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ những vùng có thể trồng mắc ca.

Với tăng trưởng sản phẩm trên thế giới bình quân hàng năm là 9%, đến năm 2020, dự tính tổng sản lượng cung cấp cho thị trường toàn cầu mới đạt khoảng 254.000 tấn hạt khô, năm 2025 là gần 395.000 tấn (tương đương 125.000 tấn nhân) và năm 2030 là 606.000 tấn hạt (193.000 tấn nhân). Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nơi tiêu thụ lớn nhưng không thể sản xuất được. Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, dư địa để phát triển mắc ca là rất lớn.

Vì vậy, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu phát triển bền vững cây mắc ca vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai tương tự đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. 

"Quan trọng là phải gây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến với quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm sản phẩm Mắc ca chất lượng cao như: Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà.

Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát phải phát triển công nghiệp chế biến, “càng sâu càng tốt”. Các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác.

Phải quản lý đồng bộ về vấn đề phát triển cây mắc ca khi công bố quy hoạch, Thủ tướng nhất trí, có thể thành lập hợp tác xã phát triển cây mắc ca từ sản xuất cho đến chế biến.

Sau nhiều năm phát triển, căn cứ vào thực tế, kết quả của hội nghị và những vướng mắc hiện hành, Thủ tướng giao Bộ NNPTNT cùng Hiệp hội Mắc ca và các địa phương xây dựng một chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam. 

Bộ NNPTNT chủ trì nghiên cứu xây dựng một nghị định về phát triển mắc ca, do hiện nay chính sách dành cho loại cây này đang phân tán.

Đẩy mạnh chế biến sâu, liên kết bao tiêu sản phẩm

Qua thực tế, cây mắc ca mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân, lại đảm bảo mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cây mắc ca còn nhiều vấn đề phải quan tâm.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về mắc ca tại Đăk Lăk. Ảnh: P.V

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tổ chức ngày 28/9 cũng tại Đăk Lăk, chị nông dân Vi Thị Thanh (ở tỉnh Đăk Nông) có đặt câu hỏi với tôi: Tại sao có những vùng trồng cây mắc ca nhưng 7 - 8 năm vẫn chưa cho trái? Các nhà khoa học, ngành chức năng phải trả lời được câu hỏi này của nông dân.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng mắc ca của thế giới đang rất cao, tăng tới 200%, cho thấy tiềm năng phát triển của cây mắc ca là rất lớn. Vì vậy, cần phải quy hoạch vùng trồng như thế nào cho phù hợp, đồng thời quản lý chặt chẽ về giống; đặc biệt, phải đẩy mạnh chế biến sâu, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để không còn cảnh được mùa rớt giá.

Thị trường tiêu thụ mắc ca như thế nào, đây là câu hỏi khó, vì vậy, ngành chức năng cần phải tính toán tăng lên bao nhiêu là vừa, chứ không phải tăng vô cùng tận, nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng nếu phát triển quá nóng thì sẽ dư thừa, vì vậy, cần xác định vùng trồng phù hợp, đảm bảo lợi ích kinh tế của nông dân, doanh nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem