Thúc đẩy nỗ lực đảm bảo quyền của người lao động Việt Nam di cư

Thu Thủy Thứ sáu, ngày 15/01/2021 19:03 PM (GMT+7)
Sáng 15/1 tại Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư do Văn phòng thường trực nhân quyền Chính phủ tổ chức.
Bình luận 0

 Tham dự Hội thảo có các báo cáo viên, đại diện cơ quan của các đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành, các cán bộ thuộc Ban chỉ đạo về nhân quyền các địa phương trực tiếp làm công tác bảo đảm quyền cho người lao động Việt Nam.

Hội thảo tập trung chủ yếu vào các chuyên đề chính như quyền của người lao động đi làm ở nước ngoài; nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống buôn bán người thông qua lao động di cư; vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền chính sách của Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư; các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền của lao động Việt Nam di cư; các văn bản, chính sách pháp luật tạo điều kiện và  bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Nỗ lực đảm bảo quyền của người lao động Việt Nam di cư - Ảnh 1.

Hội thảo đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền của lao động Việt Nam di cư

 Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại Bộ Thông tin Truyền thông nhấn mạnh vai trò của báo chí trong  thời gian qua đã kịp thời phản ánh các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ giải cứu người lao động gặp tình huống khó khăn ở nước ngoài, các tuyến bài đấu tranh phản bác lại  luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, khẳng định những chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình phát triển hội nhập quốc tế giúp cho nhân dân, người lao động ở nước ngoài và người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài, hiểu đúng hiểu rõ mọi chủ trương, đường lối chính sách pháp luật, trong đó có chính sách quản lý lao động, các quyền lợi khác liên quan.

Hiện nay, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người, cụ thể năm 2016: 126 nghìn; 2017: 135 nghìn; 2018: 143 nghìn; 2019: 152 nghìn; riêng 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78 nghìn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ khẳng định, bảo đảm quyền cho người lao động nói chung và lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hiện Việt Nam có hơn 1 triệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động.

Những người đi lao động nước ngoài có cơ hội nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem