Thực hư thông tin 20.000 thanh tra giao thông chuyển về Bộ Công an

Thế Anh Thứ bảy, ngày 14/11/2020 09:52 AM (GMT+7)
Thông tin Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị nếu giao nhiệm vụ (theo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ) cho Bộ Công an thì đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông đang được dư luân đặc biệt quan tâm.
Bình luận 0

Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là 2 dự án luật được tách ra từ luật Giao thông đường bộ với thay đổi lớn nhất là chuyển nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: "Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông đi hoạt động trên mặt đường nữa. Bộ GTVT có đề nghị chúng tôi nếu giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thì đề nghị Bộ Công an nhận cho 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này".

Thông tin trên khiến cho dư luận đặc biệt quan tâm tới việc, khi 2 dự án Luật này được tách ra thì có kéo theo các hệ luỵ hay không, nếu số lượng 20.000 thanh tra giao thông kia là đúng, thì Bộ GTVT sẽ giải quyết vấn đề nhân lực ra sao???

Thực hư thông tin 20.000 thanh tra giao thông chuyển về Bộ Công an - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tô Lâm

Trước những thông tin trên, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (bộ GTVT) khẳng định, Bộ GTVT không có văn bản nào đề nghị bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông, và con số 20.000 thanh tra giao thông là không chính xác.

Lý giải về con số 20.000 chưa đúng thực tế, ông Huyện cho biết, Thanh tra chuyên ngành đường bộ của tất cả 63 tỉnh thành và 5 cục (gồm: cục Quản lý xây dựng đường bộ, cục Quản lý đường bộ I, cục Quản lý đường bộ II, cục Quản lý đường bộ III, cục Quản lý đường bộ IV) có tất cả 3.600 người.

Đối với việc sau khi tách 2 dự án Luật này ra, chức năng nhiệm vụ của lực lượng Thanh tra là gì? ông Huyện thẳng thắn cho biết thêm, lực lượng Thanh tra giao thông vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trong đó sẽ thanh tra bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, bảo vệ công trình giao thông…, tức đảm nhiệm giao thông tĩnh. Lực lượng này rất quan trọng nên không thể nói là không còn thanh tra giao thông trên hệ thống đường bộ được.

Luật sửa đổi luật lần này, Bộ GTVT cũng phân công lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra giao thông cho phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ GTVT về giao thông đường bộ, để tránh chồng chéo, trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông.

Trước đó, tại buổi thảo luận tổ đa số các ĐBQH bày tỏ không đồng tình. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Nếu vì lý do làm chưa được tốt mà chuyển sang bộ khác thì không nên. Trong Nhà nước pháp quyền thì có sự phân công kiểm soát rất rõ, nhiệm vụ của bộ ngành nào thì bộ ngành đó làm. Nếu làm không tốt thì kiểm điểm, quy trách nhiệm người đứng đầu chứ không phải không tốt là chuyển sang bộ ngành khác".

Cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) và đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, nhiệm vụ cấp giấy phép lái xe trước đây của Bộ Công an nhưng từ năm 1995 đã chuyển sang Bộ GTVT.

"Việc dân sự nên để cơ quan dân sự làm, tại sao Bộ Công an phải "ôm", đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu quan điểm.

Trước các ý kiến của ĐBQH, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: "Việc sát hạch, đào tạo lái xe đã xã hội hóa. Bộ chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe, quản lý bằng lái xe, đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn, chống việc làm giả, gian lận. Chỉ quản lý việc đó thôi còn các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem