Thực hư việc có hay không khách hàng không được đàm phán, điều chỉnh các điều khoản hợp đồng bảo hiểm

H.Anh Thứ sáu, ngày 14/04/2023 09:08 AM (GMT+7)
Hiện tại các quy tắc, điều khoản, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm, phương pháp tính phí bảo hiểm... của bảo hiểm nhân thọ đều được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi doanh nghiệp bảo hiểm được bán ra thị trường.
Bình luận 0

Sau câu chuyện diễn viên Ngọc Lan livestream về hợp đồng bảo hiểm giao kết với MVI Life, không ít người dân, chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về lĩnh vực này. Một trong những phản ánh được nhắc đến nhiều nhất liên quan đến sự "rối rắm" của các hợp đồng bảo hiểm, làm khó người mua.

Phản ánh của anh Anh Thế (nhân viên văn phòng) tại Hà Nội cho biết, các hợp đồng bảo hiểm thường có độ dài hàng chục trang, thậm chí lên tới cả 100 trang. Hơn nữa, các thuật ngữ đề cập trong các hợp đồng đều mang tính chuyên ngành, khiến cho người tiêu dùng "bó tay" với việc đọc và hiểu hợp đồng bảo hiểm. Thậm chí, ngay cả những ông chủ doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đôi khi cũng còn không thể hiểu hết các điều khoản đưa ra trong các hợp đồng bảo hiểm.

"Tôi cũng đang tham gia hợp đồng bảo hiểm của Manulife. Hợp đồng bảo hiểm dài hơn cả hợp đồng mua bán chung cư, điều khoản tôi đọc không hiểu gì cả. Vì vậy, đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm cũng chủ yếu là vì nhu cầu và tin tưởng đại lý bán bảo hiểm", anh Anh Thế cho hay.

Thực hư việc có hay không khách hàng không được đàm phán, điều chỉnh các điều khoản hợp đồng bảo hiểm - Ảnh 1.

Cũng tương tự như anh Anh Thế, bà Lê Hiển (cán bộ ngân hàng nghỉ hưu) cho biết, vì hợp đồng quá dài và nhiều điều khoản, bà Hiển lựa chọn tin tưởng vào các thông tin do tư vấn viên bảo hiểm cung cấp. Kết quả, bà đã "sập bẫy" ngay khi đặt bút ký.

Bà Hiển nói, gói bảo hiểm chị tham gia với mức phí 75 triệu đồng/năm. Đến kỳ thứ 2 đóng phí, khi nhìn lại hợp đồng bà Hiển "ngã ngửa" với nhiều thông tin trong hợp đồng không đúng thực tế. Chẳng hạn thu nhập của bà lương hưu chỉ 5 triệu đồng/tháng (hợp đồng ghi 15 triệu đồng/tháng), không có thông tin về việc bà đang điều trị dạ dày, tiểu đường,...

"Soi kỹ thì thấy với tình trạng sức khỏe mấy năm nay của tôi thì làm sao có thể tham gia được gói bảo hiểm này. Hiệu lực của hợp đồng vô hiệu ngay khi tôi đặt bút ký", bà Hiển nói.

Là người từng góp ý xây dựng luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, bên trong các điều khoản thường có "bẫy", nếu người tiêu dùng không am hiểu sẽ dẫn tới thiệt thòi khi giao kết hợp đồng. Trong đó, cái "bẫy" lớn nhất là thời hạn đóng phí và thời hạn bảo hiểm mà khi mua, đa số người mua không để ý hoặc không hiểu.

Cũng chính vì lý do này, người tham gia bảo hiểm mặc dù có quyền thỏa thuận xây dựng nội dung của hợp đồng bảo hiểm bởi đây là giao dịch dân sự, nhưng thực tế lại rơi vào tình trạng " chỉ ký hoặc không", theo giới phân tích.

Lý giải, Luật sư Trần Minh Hải - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm hình thành từ một quá trình kinh doanh lâu dài của hãng bảo hiểm. Dạng hợp đồng này nhiều nội dung, nhiều kết cấu thành phần do vậy để hiểu và đàm phán thực tế là điều không phải dễ.

Về chủ quan, hãng bảo hiểm cũng không muốn hợp đồng bảo hiểm của họ bị biến đổi bởi mẫu hợp đồng đã nằm trong quy trình nghiệp vụ của họ, nhất là với thực tế họ có quyền lựa chọn khách hàng khi thời gian qua có rất nhiều người tham gia mua bảo hiểm nhân thọ. Công ty bảo hiểm cũng có thể nêu lý do từ chối sửa đổi bởi hợp đồng bảo hiểm của họ đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Còn theo ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Bảo hiểm nhân thọ chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Hiện tại các quy tắc, điều khoản, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm, phương pháp tính phí bảo hiểm... của bảo hiểm nhân thọ đều được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi doanh nghiệp bảo hiểm được bán ra thị trường.

Như vậy, cả doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và khách hàng đều không được sửa một từ, một chữ trong các văn bản trên so với nội dung mà Bộ Tài chính đã phê duyệt (muốn thay đổi phải đề xuất, giải trình và được sự phê chuẩn của Bộ Tài chính).

"Quy định trên xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi cho người được bảo hiểm, nếu không quy định như vậy, việc chỉnh sửa các điều kiện, điều khoản hoặc ghi thêm các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng có thể dẫn đến bất lợi cho người tham gia bảo hiểm", ông Dũng nhấn mạnh.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi trong các giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm, trước hết theo ông Dũng, người tham gia bảo hiểm nhân thọ nên xác định, cân nhắc giữa yêu cầu và khả năng của mình để chọn mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính và các sản phẩm phụ thích hợp nhất.

Hai là, khách hàng cần phải yêu cầu đại lý bảo hiểm tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, quy tắc và điều khoản bảo hiểm của sản phẩm mình muốn mua.

Thực hư việc có hay không khách hàng không được đàm phán, điều chỉnh các điều khoản hợp đồng bảo hiểm - Ảnh 3.

Ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam. (Ảnh: TBTC)

Bà là, nghiên cứu thật kỹ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm.

Trong trường hợp, khách hàng hiểu chưa rõ hay chưa hiểu, cần yêu cầu đại lý bảo hiểm giải thích chính xác các điều khoản trong hồ sơ, hợp đồng bảo hiểm. Nhất là các điều khoản đặc thù của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như: điều khoản loại trừ bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, bảng minh họa chi tiết quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm, điều khoản chấm dứt hợp đồng bảo hiểm…

Bốn là, đảm bảo tính đầy đủ và chính xác về các thông tin từ nhân thân, đặc biệt là tình trạng sức khỏe trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng đảm bảo được quyền lợi của mình khi rủi ro xảy ra. Nếu kê khai không đủ, không trung thực, công ty bảo hiểm hoàn toàn sẽ từ chối thanh toán. Đây là nguyên nhân chủ yếu xảy ra các tranh chấp của hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm nhiều năm qua.

Ngoài ra, khi đã giao kết hợp đồng bảo hiểm trong thời hạn 21 ngày cân nhắc (dù đã ký hợp đồng và đóng phí bảo hiểm lần đầu đầy đủ, khách hàng vẫn có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và được hoàn trả phí khi không muốn tham gia bảo hiểm nữa). Khách hàng có thể gọi điện trực tiếp cho doanh nghiệp bảo hiểm để hỏi thêm một số thông tin chưa rõ ràng và thông tin thêm về đại lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem